Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đề xuất giải pháp với thuế quan của Mỹ

Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cảnh báo mức thuế quan 36% của Mỹ sẽ kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu của nước này, trên cơ sở đó vạch ra chiến lược để bảo vệ khả năng cạnh tranh.

Cảng Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Cảng vụ Thái Lan - Port Authority of Thailand (PAT).

Cảng Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Cảng vụ Thái Lan - Port Authority of Thailand (PAT).

Theo FTI, Thái Lan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế “chưa từng có trước đây” kêu gọi chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị áp dụng mức thuế quan mới.

Chủ tịch FTI Kriengkrai Thiennukul cho biết, FTI đã thảo luận, đánh giá tác động của mức thuế đối ứng 36% của Mỹ đối với 47 nhóm ngành và 11 cụm ngành. Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm máy móc và linh kiện, thiết bị điện (phụ thuộc hơn 28-35% vào thị trường Mỹ), trong khi các ngành cao su, đồ nội thất, phụ tùng ô tô, đồ chơi, thép, đồ da và gốm sứ cũng rất dễ bị tổn thương.

Trong khi một số nhà xuất khẩu đang đàm phán chia sẻ chi phí với các nhà nhập khẩu và phân phối Mỹ, một số khác đang kêu gọi chính phủ thúc đẩy giảm thuế quan xuống 0% đối với hàng nghìn dòng sản phẩm.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ , FTI đề xuất chiến lược bao gồm 4 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp, hoãn thời hạn trả nợ và giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện tại; giảm thuế doanh nghiệp cho các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ; trợ cấp và giảm chi phí cho hậu cần, thủ tục hải quan, phí chứng nhận xuất xứ (C/O); khấu trừ thuế cho chi phí pháp lý phát sinh khi thuê các công ty luật có trụ sở tại Mỹ để hỗ trợ đàm phán.

Thứ hai, đa dạng hóa và mở rộng thị trường, đẩy nhanh đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới; thúc đẩy các chương trình hỗ trợ xuất khẩu như SME Pro-active và các phái đoàn thương mại; kích cầu mua sắm trong nước và chi tiêu công đối với các sản phẩm do Thái Lan sản xuất (Made in Thailand - MiT), bao gồm việc áp dụng MiT bắt buộc trên khắp các cơ quan chính phủ, khấu trừ thuế kép cho các doanh nghiệp được chứng nhận MiT...

Thứ ba, thúc đẩy nội địa hóa, giảm thuế doanh nghiệp hơn nữa cho các công ty có hơn 90% nguồn cung ứng tại địa phương và khuyến khích cải thiện năng suất.

Thứ tư, quản lý sự biến động tiền tệ, giữ ổn định tiền tệ, đảm bảo đồng baht không mạnh hơn các loại tiền tệ khu vực, bảo vệ lợi thế xuất khẩu của Thái Lan.

Với các giải pháp trên, ông Kriengkrai nhấn mạnh: “Thái Lan hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Nhưng với sự hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cuộc khủng hoảng này có thể trở thành một bước ngoặt - một cơ hội để chuyển đổi và củng cố nền tảng kinh tế của đất nước”.

Thạch Thu

The Nation Thailand

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lien-doan-cong-nghiep-thai-lan-de-xuat-giai-phap-voi-thue-quan-cua-my-43721.html
Zalo