'Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba'
Trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc ta. Ngày Giỗ Tổ từ lâu đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ lan truyền trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam như nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn, nhớ về nguồn cội. Giỗ Tổ, không chỉ là ngày hội của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu luôn tự hào là con cháu Vua Hùng.
TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG VUA HÙNG
Căn cứ vào các nguồn tư liệu cho thấy, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng khởi nguồn là lớp tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thần núi. Theo truyền thuyết, ngôi Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh (nay là TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là nơi các Vua Hùng vẫn lên để tiến hành các nghi lễ cúng tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang dâng hương, tưởng niệm tại bàn thờ Vua Hùng nhân dịp Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương mùng 10-3 (âm lịch) năm 2024. Ảnh: PHI CÔNG
Đến cuối thế kỷ XIX và trước khi trùng tu Đền Thượng vào năm 1917, tín ngưỡng thờ cúng thần linh ở đây vẫn là sự đan xen giữa thờ thần núi, thần lúa và thờ các Vua Hùng. Vì thế, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có thể đã có từ người Việt cổ, từ buổi khai sinh lập nước và bền bỉ tồn tại và phát triển cùng tiến trình lịch sử Việt Nam, song hành và tạo nên một giá trị văn hóa đặc biệt trong đời sống tinh thần người Việt.
Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt từ thời kỳ của Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu là Hồng Đức, năm 1470, Hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, được “gia ban quốc tế”, việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì.
Đến thời nhà Nguyễn, Vua Minh Mạng cho rước bài vị các Vua Hùng ở Đền Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại đế vương, một mặt vẫn cấp sắc ở Đền Hùng cho dân sở tại thờ phụng. Đến thời Vua Khải Định năm thứ hai, năm 1917, đã chính thức lấy ngày 10 - 3 (âm lịch) làm ngày lễ chính, có tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng.
Năm 1995, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư quy định là một trong những ngày lễ lớn trong năm, giao cho ngành Văn hóa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Lễ hội Đền Hùng trong thời gian 10 ngày (từ 1-3 đến 10-3 âm lịch).
Đến năm 2001, Chính phủ quy định về quy mô và nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Ngày 2-4-2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch).
Kể từ đây, mùng 10-3 âm lịch hằng năm một lần nữa được Nhà nước chính thức công nhận trở thành ngày Quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, ngày 6-12-2012, tổ chức UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Như vậy, trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, các di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ, đã trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, thể hiện tình cảm, sự tri ân công ơn của các Vua Hùng và tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh 22 cho phép “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng (ngày 19-9-1954 và 19-8-1962). Tại đây, vào dịp về thăm ngày 19-9-1954, Người đã tưởng nhớ về các vị Vua Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người cũng nhắc nhở: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Phát triển cùng với dòng chảy lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội văn hóa tâm linh lớn nhất toàn quốc, trở thành nếp nghĩ, thành di sản văn hóa đặc biệt trong đời sống cộng đồng người Việt, góp phần đặc biệt quan trọng làm nên văn hóa Việt Nam, trở thành “vòng bảo vệ” vững chãi trước mọi sự “xâm lược” văn hóa khác.
KẾ TỤC TRUYỀN THỐNG CAO ĐẸP
Trong tâm khảm mỗi người Việt Nam luôn hướng về ngày Giỗ Tổ, với truyền thống cha truyền con nối, thế hệ trước luôn dặn dò con cháu “Chim có tổ người có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, mỗi cá nhân đều ý thức về nguồn cội, lòng tự tôn, tự hào dân tộc.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Uyên Trang gặp gỡ các đội thi tham gia Hội thi Gói và trưng bày bánh ít trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương tại tỉnh Tiền Giang năm 2024. Ảnh: P. CÔNG
Đó chính là thành tố quan trọng hun đúc lòng yêu nước của người dân Việt Nam chính là tín ngưỡng về chung tổ tiên, cùng cội nguồn. Từ niềm tin ấy, tín ngưỡng ấy đã thắt chặt tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc, không gì chia cắt được, góp phần cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, góp sức giữ gìn quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Trải qua thời gian, Giỗ Tổ không chỉ là sự kiện trọng đại trong nước mà đã vươn ra thế giới, đem theo sự tự hào của mỗi người con đất Việt. Hiện nay, theo thống kê, trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương trải khắp các vùng miền, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược. Xuất phát từ quan niệm “con cháu ở đâu, ông bà tổ tiên ở đó” của người Việt, nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn.
Theo đó, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức nhằm tái tạo tinh thần từ truyền thống, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ.
Sự lôi cuốn ấy không chỉ ở số lượng người tham gia trực tiếp tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) mà còn khích lệ cộng đồng người Việt tham gia Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại các tỉnh, thành phố khác trong nước và ở nhiều quốc gia trên thế giới có người Việt sinh sống.
Tại Tiền Giang, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã quyết định chọn địa điểm Bảo tàng tỉnh làm nơi đặt bàn thờ các Vua Hùng, để nhân dân trong tỉnh thuận lợi trong việc dâng hương lên Tổ tiên, hướng về cội nguồn của dân tộc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Theo đó, Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được tỉnh Tiền Giang duy trì hằng năm, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện lòng thành kính đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước; đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tình yêu đất nước và lòng tự hào nguồn cội là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Do đó, mỗi thế hệ chúng ta cùng nhau nhớ về tổ tiên, hướng về đất Tổ cũng chính là để nhắc nhở nhau trách nhiệm tiếp tục kế thừa, giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông sẽ mãi bền vững đến muôn đời.