Nhiều di tích tháp Chăm vẫn chưa lọt vào điểm đến đặc biệt trên con đường di sản

Thời gian qua, di tích tháp Po Klong Garai ở tỉnh Ninh Thuận và tháp Po Sah Inư ở tỉnh Bình Thuận thu hút nhiều du khách và đã trở thành những điểm đến đặc biệt trên con đường di sản miền Trung. Trong khi đó, tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận và tháp Po Dam ở Bình Thuận vẫn chưa được nhiều du khách biết đến.

Khu di tích Tháp Hòa Lai, thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII – IX, mang phong cách kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016. Thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích này.

Tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận. Ảnh: B.H

Tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận. Ảnh: B.H

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân sinh sống gần khu di tích cũng như lực lượng bảo vệ tại đây, Tháp Hòa Lai hiện nay ít diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hay tín ngưỡng, do đó chưa thực sự thu hút khách du lịch. Thỉnh thoảng chỉ có một vài đoàn chuyên gia hoặc một số ít khách vãng lai ghé thăm.

Tương tự, cụm di tích Tháp Po Dam, thuộc xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cũng đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia vào ngày 28/6/1996.

Cụm tháp Po Dam ở Bình Thuận. Ảnh. B.H

Cụm tháp Po Dam ở Bình Thuận. Ảnh. B.H

Sau nhiều lần trùng tu, toàn bộ khu di tích Tháp Po Dam đã được tỉnh Bình Thuận khôi phục khá toàn diện. Trong khuôn viên tháp, các công trình phụ trợ như sân vườn, nhà trưng bày… được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Tuy nhiên, lượng khách tìm đến vẫn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Lý Duy Tùng – người bảo vệ cụm di tích Tháp Po Dam – cho biết: tại đây, cộng đồng người Chăm (Bàlamôn) trong vùng tổ chức Lễ hội Po Dam ba năm một lần theo phong tục địa phương, diễn ra vào tháng 4 Chăm lịch (khoảng tháng 7 Dương lịch). Riêng các hoạt động tín ngưỡng vào dịp lễ hội Katê thì khá thưa thớt.

"Ở đây chủ yếu là bà con Chăm từ Phan Rang (Ninh Thuận) vào cúng kính, còn khách du lịch trong và ngoài nước thì ít lắm, mỗi lần chỉ khoảng 4–5 người. Dịp Lễ hội Katê ở đây cũng không có hoạt động gì, tôi tự bỏ tiền túi mua một cặp gà, nấu nồi cơm, canh, chè, xôi mang lên cúng để thể hiện lòng thành của mình. Năm nào cũng vậy, tôi cầu mong ông phù hộ, độ trì", ông Tùng chia sẻ.

Đáng chú ý, tại cụm tháp Po Dam, trong đợt khai quật khảo cổ năm 2013, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một Linga bằng vàng có niên đại khoảng thế kỷ VIII–IX, hiện vật này đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ngoài ra, di tích còn lưu giữ 8 sắc phong của triều Nguyễn, góp phần làm phong phú thêm giá trị lịch sử và văn hóa tại đây.

Bảo vật Quốc gia Linga vàng. Ảnh: B.H

Bảo vật Quốc gia Linga vàng. Ảnh: B.H

Bà Lư Thái Tuyên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, cho biết: trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành xây dựng bờ thành bao quanh cụm di tích Tháp Po Dam nhằm giữ cho cụm tháp không bị sạt lở và đảm bảo sự bền vững theo thời gian.

Theo bà Tuyên, việc cụm tháp Po Dam vẫn chưa được nhiều du khách biết đến xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố đường sá đi lại còn khó khăn.

“Mặc dù ở đây có ban quản lý, tuy nhiên chủ yếu là người dân địa phương, vì vậy hiệu quả trong công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di tích vẫn còn hạn chế. Chúng ta cần chú trọng xây dựng các chương trình tua, tuyến – đặc biệt là tua du lịch sinh thái gắn với các di tích tháp Chăm. Khi đến tham quan cụm di tích Po Dam, nếu kết hợp trải nghiệm tại làng Chăm trong khu vực thì mới có thể tạo điểm nhấn và thu hút du khách nhiều hơn”, bà Tuyên đề xuất.

Nếu như Tháp Po Dam ở Bình Thuận nằm ở vị trí hẻo lánh, cách xa khu dân cư nên ít khách du lịch là điều dễ hiểu, thì việc Tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận – vốn nằm sát Quốc lộ 1A – vẫn không thu hút được khách tham quan lại là điều đáng suy ngẫm.

Hoa văn trên tường tháp Hòa Lai. Ảnh: B.H

Hoa văn trên tường tháp Hòa Lai. Ảnh: B.H

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết: thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích Tháp Hòa Lai, đồng thời gắn với công tác phát triển du lịch, hướng tới xây dựng nơi đây thành điểm tham quan hấp dẫn.

Đối với di tích Tháp Hòa Lai và Tháp Po Klong Garai, hiện nay Sở đang lập đề án trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của hai di tích này, theo hướng gắn kết với phát triển du lịch bền vững.

“Sau khi quy hoạch được phê duyệt, địa phương sẽ tiến hành bố trí nguồn ngân sách – cả từ tỉnh và có thể từ Trung ương – để đầu tư, tôn tạo và nâng cấp hai di tích, nhằm khai thác hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch”, ông Hòa cho biết.

Bảo vật Quốc gia bia Hòa Lai. Ảnh: B.H

Bảo vật Quốc gia bia Hòa Lai. Ảnh: B.H

Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, để khai thác hiệu quả một điểm di tích phục vụ phát triển du lịch, cần hội tụ nhiều yếu tố tổng hòa. Trong đó, điểm bất lợi lớn nhất hiện nay của Tháp Hòa Lai (Ninh Thuận) và Tháp Po Dam (Bình Thuận) là cả hai đều nằm đơn lẻ, cách biệt với các tuyến và điểm du lịch khác trong tỉnh.

Bên cạnh đó, các hoạt động tâm linh của cộng đồng người Chăm tại các di tích này chưa tạo được điểm nhấn đặc sắc, chưa đủ sức hấp dẫn để trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch đặc thù. Công tác quản lý và khai thác di tích cũng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thiếu sức sống, ít thu hút du khách.

Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/nhieu-di-tich-thap-cham-van-chua-lot-vao-diem-den-dac-biet-tren-con-duong-di-san-post1188979.vov
Zalo