Dow Jones mất hơn 400 điểm, Nvidia và cổ phiếu AI giữ lửa cho phố Wall

Phiên giao dịch ngày 15/7 giờ Mỹ (rạng sáng 16/7 giờ Việt Nam) khép lại với những diễn biến phân hóa rõ nét trên thị trường chứng khoán Mỹ. Giữa lúc giới đầu tư còn đang phân tích báo cáo lạm phát tháng 6 và đánh giá triển vọng chính sách tiền tệ, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đồng loạt giảm, trong khi Nasdaq giữ vững đà tăng, tiếp tục lập đỉnh mới nhờ lực kéo mạnh từ nhóm cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI).

Nasdaq lập đỉnh mới nhờ nhóm AI, trong khi cổ phiếu tài chính gây áp lực điều chỉnh

Nasdaq lập đỉnh mới nhờ nhóm AI, trong khi cổ phiếu tài chính gây áp lực điều chỉnh

Cụ thể, chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, lùi xa mức đỉnh gần nhất khi cổ phiếu tài chính đồng loạt suy yếu. Dow Jones mất hơn 400 điểm, tương đương 1%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong nhiều tuần. Ngược lại, Nasdaq là chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn giữ được sắc xanh, tăng 0,2% và đóng cửa ở mức kỷ lục mới, cho thấy sức bật mạnh mẽ từ nhóm doanh nghiệp dẫn đầu cuộc đua AI toàn cầu.

Tâm điểm chú ý trong ngày là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6. Dữ liệu được công bố phù hợp với kỳ vọng của giới phân tích nhưng vẫn khiến nhà đầu tư thất vọng khi cho thấy áp lực lạm phát chưa hề suy giảm. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, quần áo tăng trở lại, một phần do tác động của các biện pháp thuế quan mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng gần đây.

Thông tin này khiến kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm cắt giảm lãi suất trong mùa Hè trở nên mong manh. Thị trường hiện chuyển sang kịch bản thận trọng hơn, cho rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ "chặt chẽ" thêm một thời gian để kiểm soát lạm phát, thay vì nới lỏng như kỳ vọng trước đó.

Dưới sức ép từ môi trường lãi suất cao và những lo ngại về biên lợi nhuận sụt giảm, nhóm cổ phiếu tài chính dẫn đầu xu hướng điều chỉnh trên thị trường. Cổ phiếu State Street (STT) giảm mạnh 7,3% dù doanh thu và lợi nhuận quý II vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, việc thu nhập lãi ròng sụt giảm và chi phí tăng 11% do các yếu tố như tái cấu trúc nhân sự, chi thưởng và đầu tư công nghệ đã khiến nhà đầu tư phản ứng tiêu cực.

BlackRock (BLK), hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cũng giảm 5,9% sau khi báo cáo tài chính cho thấy doanh thu thấp hơn dự báo. Dù tổng tài sản quản lý đạt kỷ lục 12,5 nghìn tỷ USD, nhưng dòng vốn ròng vào các quỹ lại giảm đáng kể do hoạt động rút vốn từ khách hàng tổ chức. Đà điều chỉnh càng mạnh khi cổ phiếu này vừa thiết lập đỉnh cao mới trong phiên trước đó.

Ngoài ra, cổ phiếu Agilent Technologies (A) mất 6% sau khi thông báo Giám đốc Tài chính Bob McMahon sẽ rời công ty vì lý do cá nhân. Dù thay đổi này không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, nhưng giới đầu tư vẫn lo ngại trước biến động nhân sự cấp cao trong bối cảnh thị trường đầy bất định.

Trái ngược với bức tranh u ám của nhóm tài chính, cổ phiếu Nvidia (NVDA) tiếp tục là điểm sáng khi tăng thêm 4% lên mức cao kỷ lục mới. Động lực chính đến từ việc công ty nối lại hoạt động bán dòng chip AI H20 cho thị trường Trung Quốc, một bước đi chiến lược giữa bối cảnh căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung vẫn còn hiện hữu. Thông tin này được công bố không lâu sau cuộc gặp giữa CEO Jensen Huang của Nvidia và Tổng thống Trump, càng củng cố niềm tin của giới đầu tư vào vị thế thống lĩnh của Nvidia trên thị trường AI toàn cầu.

Sự khởi sắc của Nvidia kéo theo đà tăng mạnh của các mã cùng ngành. Cổ phiếu Super Micro Computer (SMCI) vọt 6,9%, dẫn đầu đà tăng trong S&P 500, nhờ kỳ vọng doanh thu bứt phá từ nhu cầu máy chủ AI. Theo Citi, Nvidia chính là nhà cung cấp linh kiện chủ chốt giúp Super Micro đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới.

Tương tự, cổ phiếu Advanced Micro Devices (AMD) tăng 6,4% khi HSBC đưa ra báo cáo tích cực, cho rằng dòng chip AI mới của hãng đủ sức cạnh tranh với Nvidia về cả hiệu năng và giá thành.

Bên cạnh nhóm công nghệ, cổ phiếu năng lượng sạch cũng thu hút sự quan tâm của dòng tiền. First Solar (FSLR) tăng 6,9% sau khi được Jefferies nâng giá mục tiêu. Báo cáo đánh giá quý II có thể gặp khó do yếu tố vĩ mô, nhưng những tiến triển rõ rệt trong việc triển khai Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu sản xuất điện mặt trời trong các năm tới, đặc biệt từ năm 2026 trở đi.

Diễn biến phiên 15/7 cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ đang ở giai đoạn giằng co giữa kỳ vọng vào làn sóng công nghệ mới và những lo ngại về lạm phát kéo dài cùng triển vọng lãi suất chưa rõ ràng. Trong khi nhóm cổ phiếu AI tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt, thì các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như tài chính lại chịu nhiều áp lực. Điều này dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong các phiên tới, phụ thuộc vào thông tin kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ của Fed.

B.Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dow-jones-mat-hon-400-diem-nvidia-va-co-phieu-ai-giu-lua-cho-pho-wall-167358.html
Zalo