Đột quỵ tăng 20-30% trong mùa lạnh
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết lạnh kéo dài tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hiện nay đã khiến tỉ lệ người bị đột quỵ tăng cao hơn khoảng 20-30 % so với những ngày thời tiết bình thường.
Một bệnh nhân mới 35 tuổi ở Hà Nội đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời tiết Hà Nội lạnh sâu, bệnh nhân ngủ rất muộn và đến 10h sáng hôm sau khi thức dậy thì thấy yếu chân tay. Sau đó bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu, rất may khi tới Trung tâm Đột quỵ vẫn trong thời gian vàng.
Cách đây ít ngày, Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống một bệnh nhân 103 tuổi ở tình Hưng Yên bị đột quỵ. Do được đưa đến bệnh viện trong giờ vàng nên chỉ sau hai giờ can thiệp, mạch máu đã tái thông. Sau 24 giờ, bệnh nhân hồi phục và được ra viện trong ngày 10/1. Tiến sĩ, Bác sĩ Đào Việt Phương, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn, không để lại di chứng trong vận động cũng như tư duy và trí nhớ.
Đó là hai trong các trường hợp may mắn được đưa đến viện trong thời gian vàng. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, Bác sĩ Phùng Đình Thọ, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, còn rất nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng nặng, thậm chí có cả bệnh nhân tuổi đời còn trẻ, chỉ dưới 40 tuổi. Nếu như ngày thường các bác sĩ tiếp nhận 40 bệnh nhân/ngày thì khi thời tiết rét đậm, số bệnh nhân có thể tăng lên hơn 50 ca.
"Số lượng bệnh nhân trẻ có vẻ gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân đến trong thời gian vàng chỉ khoảng 20% số lượng bệnh nhân, còn lại đều đến khi đã bỏ lỡ thời gian vàng", Thạc sĩ, Bác sĩ Phùng Đình Thọ nói.
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Việt Nam, mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 ca bị đột quỵ, trong đó khoảng 50% bệnh nhân tử vong. Những người may mắn thoát chết cũng gặp phải các di chứng gây yếu liệt cơ thể, mất khả năng vận động, ngôn ngữ... Tuy vậy, kiến thức của cộng đồng liên quan đến dự phòng, sơ cứu, chuyển viện cho người bị đột quỵ còn hạn chế. PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai khuyến nghị: "Mốc thời gian xác định thời điểm bệnh nhân bị đột quỵ là rất quan trọng. Nếu người bệnh hôn mê hoặc nôn mửa, bắt buộc phải đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn. Nếu bệnh nhân nguy hiểm đến tính mạng, cần đợi cấp cứu 115 đưa vào viện, tránh tự sơ cứu tại nhà theo những phương pháp thiếu khoa học".
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, nguy cơ bị đột quỵ tăng đặc biệt khi nhiệt độ giảm đột ngột xuống dưới 15 độ C. Để phòng chống đột quỵ trong mùa lạnh, theo các bác sĩ, người có bệnh nền cần kiểm soát bệnh ổn định, không chỉ người cao tuổi, mọi người đều cần giữ ấm cơ thể và có lối sống lành mạnh. Khi có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh những di chứng nặng nề.