Đột phá từ chất lượng: Gỡ đầu ra cho nông sản Điện Biên

Điện Biên - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và tiềm năng nông nghiệp. Với khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng, nơi đây sản sinh ra những sản phẩm nông sản chất lượng như gạo Séng Cù, chè Shan Tuyết, mật ong Tủa Chùa, hay hạt mắc ca và nhiều loại nông sản sạch từ vùng cao.

Nhờ những nỗ lực không ngừng, nông sản Điện Biên đã ghi dấu ấn tích cực. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Kim ngạch xuất khẩu nông sản cũng tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng như cà phê và cao su sang thị trường Trung Quốc, Lào. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn cũng tăng lên 26 triệu đồng/năm, cho thấy hiệu quả từ việc đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đáp ngày càng cao nhu cầu từ thị trường.

Điển hình như Cơ sở sản xuất Nấm đông trùng hạ thảo Huy Hùng, tỉnh Điện Biên của ông Đào Huy Hùng. Với việc tiên phong ứng dụng công nghệ trong sản xuất nấm, hiện nay, cơ sở Nấm đông trùng hạ thảo Huy Hùng đã sản xuất được nhiều dòng sản phẩm như Nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa nguyên sợi; Nấm đông trùng hạ thảo kí chủ nhộng tằm loại tươi hoặc sấy thăng hoa; Nấm đông trùng hạ thảo sinh khối loại tươi hoặc sấy thăng hoa. Đây là những sản phẩm Đông trùng hạ thảo hữu cơ được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào: Con nhộng, gạo lứt, nguồn nước đến kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Thực tế cho thấy, để nâng cao sức cạnh tranh, việc đổi mới ứng dụng công nghệ trong sản xuất là yếu tố then chốt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi khơi thông đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay đó là việc đầu tư cho công nghệ sản xuất, chế biến vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được giá trị liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ.

Gạo Séng Cù đã ghi dấu ấn thương hiệu nông sản nổi tiếng của Điện Biên

Gạo Séng Cù đã ghi dấu ấn thương hiệu nông sản nổi tiếng của Điện Biên

Cũng theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn, ngoài vấn đề khó khăn về vốn, ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều sản phẩm gặp khó trong công tác mở rộng thị trường do chưa có thương hiệu mạnh, thiếu nguồn nhân lực truyền thông, marketing, chuyển đổi số.

Đơn cử như sản phẩm thịt trâu gác bếp của gia đình bà Nguyễn Thị Sương – chủ cơ sở kinh doanh thịt trâu gác bếp Phong Sương, tại TP Điện Biên Phủ, dù có thương hiệu hàng chục năm trên thị trường nhưng hiện nay, 90% các sản phẩm của cơ sở sản xuất chủ yếu là từ các mối buôn lâu năm.

Theo bà Nguyễn Thị Sương – chủ cơ sở kinh doanh thịt trâu gác bếp Phong Sương, sản phẩm thịt trâu gác bếp nhà chúng tôi đã có thương hiệu hơn 10 năm, được nhiều khách hàng lựa chọn. Các cơ quan ban ngành cũng đã hỗ trợ học bán hàng online nhưng chúng tôi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế hiểu biết, thiếu người hỗ trợ.

Để thúc đẩy đầu ra cho nông sản trên địa bàn, trong thời gian qua, Sở Công Thương Điện Biên và các cơ quan ban ngành triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho bà con trên địa bàn thông qua các Hội chợ xúc tiến thương mại tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản và các sản phẩm đặc trưng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cụ thể như:

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị kết nối giao thương; Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số... đến với người tiêu dùng để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại nông thôn như: Hệ thống chợ, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa và cung ứng dịch vụ.

Để tận dụng, phát huy tiềm năng, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đưa nông sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao đời sống người dân. Theo đó, để nâng cao giá trị và mở rộng đầu ra cho nông sản Điện Biên trên thị trường, trong thời gian tới, Điện Biên sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ mở rộng quy hoạch vùng trồng, tập trung vào chuyển đổi số trong nông nghiệp và thương mại để tối ưu hóa quy trình sản xuất và tiếp cận thị trường. Chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu mạnh cho các nông sản chủ lực như gạo Điện Biên, chè Shan tuyết Điện Biên. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến sâu, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Mục tiêu là đến năm 2030, nông sản Điện Biên không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn trở thành thương hiệu uy tín trên bản đồ xuất khẩu quốc tế.

Thực hiện Đỗ Nga - Ngọc Hoa

Nguồn Công Thương: https://media.congthuong.vn/dot-pha-tu-chat-luong-go-dau-ra-cho-nong-san-dien-bien-14943.media
Zalo