Đột phá trong sản xuất nông nghiệp Sông Mã

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, là những đột phá trong sản xuất, đưa Sông Mã trở thành điểm sáng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Trở lại Chiềng Khương, huyện Sông Mã, chúng tôi ấn tượng bởi màu xanh bạt ngàn của vườn nhãn, bưởi, cam bên dòng Sông Mã. Chiềng Khương đổi thay từng ngày nhờ chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, từ đó bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Nhân dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã thu hoạch bưởi diễn.

Nhân dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã thu hoạch bưởi diễn.

HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương hiện có 23 thành viên, trồng 55 ha cây ăn quả, trong đó 46 ha nhãn sản xuất theo hướng hữu cơ; 100% diện tích của HTX đầu tư hệ thống tưới ẩm, tưới vẩy. Các thành viên ưu tiên sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ và thuốc phun sinh học cho cây trồng. Hằng năm, HTX thu hoạch từ 600-700 tấn hoa quả các loại, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng.

Thời điểm này, các thành viên của HTX đang thu hoạch bưởi diễn, bưởi da xanh chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Gia đình chị Trần Thị Hương, mỗi ngày thu hoạch hơn 300 quả bưởi diễn, bán cho thương lái tại Hà Nội, Quảng Ninh, với giá trung bình 15.000 đồng/quả. Chị Hương cho biết: Gia đình tập trung thu hoạch bưởi; sau tết thu hoạch mít, nhãn trái vụ; hoa quả ở vườn được thu hoạch quanh năm. Hiện nay, gia đình tôi có 9 ha, trồng nhãn, bưởi, mít, hồng xiêm; toàn bộ diện tích được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; sản lượng trung bình 70 tấn hoa quả các loại; thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm.

Nhân dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chăm sóc nhãn chín sớm.

Nhân dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chăm sóc nhãn chín sớm.

Mô hình nuôi gà đen do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sông Mã thực hiện tại xã Yên Hưng.

Mô hình nuôi gà đen do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sông Mã thực hiện tại xã Yên Hưng.

Mô hình nuôi gà đen thuần chủng thả vườn đồi theo hướng an toàn sinh học được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã triển khai từ đầu tháng 10/2024 tại 1 hộ dân ở bản Pảng, xã Yên Hưng. Tham gia mô hình, gia đình được hỗ trợ 1.000 con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc xin, thuốc khử trùng, men vi sinh. Sau hơn 3 tháng, Trung tâm tổ chức hội thảo cho các hộ dân ở bản Pảng tham gia học tập mô hình; qua đánh giá, gà đạt trọng lượng từ 1,5-2 kg/con, theo giá thị trường, sau khi trừ chi phí, thu lãi 100 triệu đồng.

Ông Lò Văn Quyên, bản Pảng, xã Yên Hưng, cho hay: Tham quan mô hình nuôi gà đen thuần chủng chúng tôi thấy rất hiệu quả và dễ ứng dụng vào thực tiễn. Tôi mong muốn được cán bộ của huyện tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà cho bà con.

Nông dân xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã ứng dụng hệ thống tưới ẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã ứng dụng hệ thống tưới ẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Thực hiện đột phá trong sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn các HTX sản xuất quả theo chuỗi nông sản an toàn; phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật đánh giá và cấp mới 50 mã vùng trồng, với hơn 712 ha, sản lượng trên 7.000 tấn. Trong đó: 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 25 mã vùng trồng nhãn, xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. Quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ được áp dụng nghiêm ngặt, đồng bộ.

Nông dân Sông Mã thu hoạch mận Pu Nhi.

Nông dân Sông Mã thu hoạch mận Pu Nhi.

Bên cạnh đó, năm 2024, huyện còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Đưa sản phẩm OCOP của huyện tham gia trưng bày tại 30 sự kiện hội chợ, chương trình triển lãm, các diễn đàn, hội nghị kết nối trên địa bàn, tại các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế… Phối hợp tìm mối liên kết sản xuất, thu gom nông sản trên địa bàn; tiến tới liên kết tiêu thụ, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Đến hết năm 2024, toàn huyện có 10.967 ha cây ăn quả, tăng 177 ha so với năm 2023. Các giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng tốt được duy trì, như: Nhãn chín sớm, chín muộn, xoài Đài Loan, xoài Úc, bưởi da xanh, bưởi diễn; tổng sản lượng cây ăn quả đạt 47.576 tấn. Trong đó: Tiêu thụ trong nước 36.945 tấn, chiếm 77,7%; xuất khẩu 680 tấn, chiếm 1,4%; chế biến 9.951 tấn, chiếm 20,9%. Tổng giá trị đạt trên 1.114 tỷ đồng.

Nông dân xã Mường Sai, huyện Sông Mã nuôi lợn hàng hóa.

Nông dân xã Mường Sai, huyện Sông Mã nuôi lợn hàng hóa.

Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, với nhiều mô hình khép kín, an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Đến nay, toàn huyện có 11.450 con trâu, 57.500 con bò, 99.300 con lợn, 23.400 con dê và trên 1,2 triệu con gia cầm. Diện tích nuôi thủy sản có 455 ha; sản lượng nuôi và đánh bắt đạt trên 1.000 tấn.

Với những hướng đi đúng, những sản phẩm nông sản an toàn và chất lượng của huyện Sông Mã đã tạo dựng được thương hiệu, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/song-ma/dot-pha-trong-san-xuat-nong-nghiep-song-ma-IOu4vNvHg.html
Zalo