Đột phá theo Nghị quyết 57: Tăng tốc chuyển đổi số để bứt phá toàn diện
Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của đất nước, ĐBSCL đang tăng tốc chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã xác định rõ: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của đất nước, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng tốc chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội.
Lợi ích thiết thực
Mời khách nếm thử sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc, chế biến từ chanh không hạt, được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến nhờ chất lượng sản phẩm và được quảng bá qua các sàn thương mại điện tử, bà Dương Thoại Mỹ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, khẳng định nguyên liệu đảm bảo, quy trình chế biến tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố đầu tiên để có sản phẩm đạt chất lượng.
Tiếp đó, để người tiêu dùng biết và tìm mua giữa “rừng”sản phẩm đa dạng, các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là kênh quảng cáo, bán hàng vô cùng tiện lợi, tốn ít chi phí lại vượt qua khoảng cách không gian, thời gian. Phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với chuyển đổi số đối với hợp tác xã do đó không thể thiếu hoạt động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đồng thời chứng tỏ chất lượng sản phẩm qua những chứng nhận của cơ quan chức năng.
Cùng ở Đồng Tháp, với lão nông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm quê hội quán, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đến với những nông dân như ông bắt đầu từ khâu chăm sóc vườn xoài. Không cần ra vườn, chỉ với điện thoại thông minh cài đặt một số ứng dụng, các thông số liên quan đến môi trường đất, nước, nhiệt độ tại vườn xoài được ghi nhận từ trạm quan trắc được cập nhật theo thời gian thực, giúp nông dân kịp thời có biện pháp chăm sóc cây.
Ngoài ra, mỗi cây xoài ở vùng chuyên canh có diện tích khoảng 500ha của xã Tân Thuận Tây còn được gắn mã QR, rất thuận tiện để truy xuất nguồn gốc, minh bạch chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu nhiều thị trường “khó tính.”
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện chuyển đổi số toàn diện cả về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đã có trên 58% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, gần 61% số dân tham gia mua sắm trực tuyến.
Hiện, có trên 430 sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã ở tỉnh duy trì kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Một số doanh nghiệp ở Đồng Tháp từng bước ứng dụng các hệ thống thông minh trong hoạt động sản xuất như hệ thống quản lý sản xuất tích hợp tập trung; hệ xử lý kho thông minh, hoạch định tài nguyên doanh nghiệp; hệ thống lập kế hoạch và quản lý sản xuất.
Một địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi số, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân là Hậu Giang.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Văn Thanh, năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp Hậu Giang tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-Mekong Delta, với chuỗi hoạt động như chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số. Đối với kinh tế số, Hậu Giang đã tổ chức ra mắt trên 20 chợ 4.0 tại các huyện, thị xã, thành phố.
Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số
Với quyết tâm tạo bứt phá trong chuyển đổi số, nhiều địa phương đang tăng tốc triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ số, góp phần hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, đối với xây dựng chính quyền số, tỉnh tập trung nguồn lực phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu dân cư, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, mỗi dữ liệu chỉ do một ngành quản lý, cập nhật và chia sẻ cho các ngành, địa phương khác cùng sử dụng. Cùng với đó, Đồng Tháp duy trì, mở rộng phạm vi, quy mô trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin, an ninh mạng, kết nối và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Đối với phát triển kinh tế số, Đồng Tháp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất áp dụng công nghệ số; tăng cường hoạt động mua-bán qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đặt mục tiêu hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử, bảo đảm sản phẩm được niêm yết có phát sinh giao dịch và luôn có sẵn hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Đồng Văn Thanh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 của địa phương là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số. Hậu Giang tiếp tục khai thác vận hành tốt Trung tâm dữ liệu tỉnh, đáp ứng yêu cầu đối với một số hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tỉnh hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu nhiều ngành, lĩnh vực như Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Dân tộc, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị…
Hậu Giang cũng đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm chủ lực lên sàn thương mại điện tử; đồng thời, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào Khu công nghệ số của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp số đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Địa phương khác ở cực Nam đất nước là tỉnh Cà Mau đang tích cực triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số, tạo đà thuận lợi phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết cuối năm 2024, tỉnh đã khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh - một trong những dự án quan trọng của Đề án chuyển đổi số trên địa bàn, góp phần hiện thực hóa chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số.
Năm 2025, Cà Mau xác định một trong các nhiệm vụ đột phá trong chuyển đổi số là hoàn thiện phát triển hạ tầng dữ liệu, xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu dùng chung và cổng dịch vụ dữ liệu mở của các cơ quan Nhà nước tại tỉnh.
Đối với kinh tế số, Cà Mau đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản mang lại năng suất và giá trị kinh tế cao hơn. Tỉnh tăng cường biện pháp kết nối ứng dụng công nghệ số giữa các hợp tác xã với vùng trồng nông nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến và các kênh số tiêu thụ nông sản hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp số toàn bộ quá trình từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Cà Mau cũng phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy ứng dụng các nền tảng số nhằm tối ưu hóa hoạt động quản trị, khai thác, kinh doanh của các cơ sở lưu trú, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, khu bảo tồn di sản văn hóa, từ đó đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế du lịch gắn với chuyển đổi số hiệu quả trên địa bàn./.