Đột phá theo Nghị quyết 57: Đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ chiến lược
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra mục tiêu từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi.
Để đạt được mục tiêu này, nhiều viện nghiên cứu khoa học, trường đại học đã có những giải pháp mạnh mẽ cũng như xây dựng cơ chế hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh phát triển mới.
Với cơ sở vật chất, máy móc thiết bị chuyên sâu có khả năng phục cho giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Vật liệu, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách khoa Hà Nội) - đơn vị có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học để xây dựng các chương trình giảng dạy, thực hành công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Trường Vật liệu và Trường Hóa và Khoa học sự sống là các đơn vị đào tạo và nghiên cứu chủ đạo và có thế mạnh của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ, kỹ thuật sinh học, hóa học, thực phẩm, môi trường, khoa học và công nghệ sức khỏe…
Việc hợp tác với Viện Khoa học vật liệu, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đơn vị có cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên sâu cũng như các nhà nghiên cứu đầu ngành khối STEM sẽ giúp quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu công nghệ lõi hiệu quả hơn; từ đó, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược gắn với thu hút đầu tư và hợp tác của doanh nghiệp…
Quá trình hợp tác, hai bên sẽ ưu tiên tập trung nghiên cứu công nghệ bán dẫn, năng lượng, vật liệu mới, kỹ thuật sinh học, hóa học, thực phẩm, môi trường, khoa học và công nghệ sức khỏe…
“Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để hợp tác thực chất, phát huy thế mạnh của các đơn vị để cùng phát triển và tạo ra những giá trị thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề về khoa học và công nghệ trong bối cảnh hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng cho biết.
Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Quốc Anh, Viện trưởng Viện Hóa học cho biết thêm, việc hợp tác với Trường Hóa và Khoa học sự sống của Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ giúp xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành về hóa dược; phối hợp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành hóa dược và công nghệ sinh học…