Đột phá thể chế, tạo đòn bẩy phát triển đường sắt

Hôm nay (10/1), Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội do ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã khảo sát tại Hải Phòng, phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Phát triển đường sắt không thể chậm trễ

Phát biểu tại hội nghị làm việc với UBND TP Hải Phòng, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Phát triển đường sắt không thể chậm trễ hơn nữa. Muốn vậy phải có đột phá về thể chế. Thể chế phải đi trước một bước.

Luật Đường sắt (sửa đổi) được xây dựng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, yêu cầu đặt ra là phải kiến tạo, phát triển. Những gì là rào cản, nhất là về thủ tục thì phải xóa bỏ. Luật phải trúng và đúng, đáp ứng được yêu cầu, khả thi cao và có đời sống dài hạn.

Đối với phát triển đường sắt địa bàn TP Hải Phòng, ông Thi nói: Hải Phòng có đầy đủ 5 phương thức: Đường bộ, đường sắt, cảng thủy nội địa, cảng biển và cảng hàng không. Cần phải kết nối các phương thức này, trong đó kết nối đường sắt với cảng biển vì vận tải đường sắt giá thành rẻ, khối lượng lớn, giảm được chi phí logistics. Phải đảm bảo từ công tác quy hoạch, đầu tư cho đến tổ chức thực hiện và quản lý Nhà nước.

Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh, cần sửa đổi Luật Đường sắt, tạo hành lang phát triển đường sắt.

Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh, cần sửa đổi Luật Đường sắt, tạo hành lang phát triển đường sắt.

"Chúng ta nói phát triển thị trường, hệ sinh thái đường sắt, logistics mà không có quy định, hành lang pháp lý thì không phát triển được. Hải Phòng cần có ý kiến cụ thể về các nội dung huy động nguồn vốn xã hội hóa, về dành quỹ đất, không gian để phát triển đường sắt để thực sự hiệu quả. Cần quan tâm làm rõ các kết nối và phải từ quy hoạch. Từ đó quy định rõ trong Luật, cùng đó là các chính sách đặc thù", ông Thi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, những năm gần đây, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng khoảng 200 triệu tấn, nhưng vận tải bằng đường sắt chỉ khoảng 700.000 tấn, chiếm chưa đến 0,03%. Trong khi đó, dự báo nhu cầu hàng hóa thông qua cảng sẽ tăng đến 300 triệu tấn vào năm 2030, đường bộ sẽ không thể đảm nhận được. Do vậy, cần thúc đẩy phát triển đường sắt để rút và gom hàng; phải đầu tư đường sắt kết nối với cảng biển, ICD, các khu công nghiệp đã định hình và cả tiềm năng như khu Nam Đồ Sơn.

"Tuy nhiên, cần có cơ chế thu hút vốn xã hội hóa. Ví dụ đường sắt tại khu ga là Nhà nước đầu tư, nhưng nhà ga, công trình phụ trợ, dịch vụ thì cho nhà đầu tư làm, trong đó có nhà đầu tư ICD xung quanh ga. Khi đó Nhà nước làm xong đường sắt thì các khu khác cũng xong, có thể khai thác đồng bộ", ông Thọ gợi ý.

Tại hội nghị, các đại biểu đoàn công tác và các sở, địa phương thuộc TP Hải Phòng đã nêu nhiều nội dung cần làm rõ, cụ thể tại Dự thảo Luật về đầu tư hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, huy động vốn ngoài Nhà nước… Đặc biệt là đối với một thành phố là trung tâm logistics, cảng biển lớn của miền Bắc như Hải Phòng, cần có các quy định cụ thể để phát triển mạng lưới đường sắt gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng.

Giải đáp các ý kiến của đại biểu, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, hiện vướng mắc lớn nhất của Hải Phòng trong thực thi Luật hiện hành là xây dựng đường gom, hàng rào để xóa lối đi tự mở. Do yếu tố lịch sử, dân cư sinh sống hai bên hành lang đường sắt đông đúc, nên để làm đường gom ngoài hành lang đường sắt rất khó khăn do vướng giải phóng mặt bằng.

Hiện các vướng mắc đã được đưa vào giải quyết bằng các quy định, chính sách trong Dự thảo Luật. Về kết nối đường sắt, quy định cụ thể các cảng biển, cảng hàng không có công suất bao nhiêu thì phải có đường sắt kết nối. Về khai thác quỹ đất vùng phụ cận, dự thảo Luật phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là về quy hoạch để chủ động đầu tư, khai thác.

Bà Trần Thị Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT nhấn mạnh, kỳ vọng của các chủ thể là Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ mở rộng hành lang pháp lý để đường sắt phát triển, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, bao gồm xã hội hóa. Tuy nhiên, để đột phá, ngoài Luật Đường sắt, cần cả các quy định từ các quy định pháp luật khác như Luật Đầu tư công, Luật PPP…

Sớm có quy định về đầu tư hạ tầng đường sắt kết nối

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đường sắt, đại diện Sở GTVT Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là điểm cuối của tuyến đường sắt khổ 1.000 mm Hà Nội - Hải Phòng, tuyến có kết nối với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội đi Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác khảo sát vị trí dự kiến đầu tư đường sắt kết nối tại cảng Lạch Huyện.

Đoàn công tác khảo sát vị trí dự kiến đầu tư đường sắt kết nối tại cảng Lạch Huyện.

Trong rất nhiều năm qua, tuyến đường sắt trên địa bàn TP Hải Phòng không thay đổi, hạ tầng đường sắt cũ kỹ. Chưa kết nối nối được với các phương thức vận tải khác ngoài đường bộ, đặc biệt các khu vực cảng biển như khu bến Đình Vũ, cảng Lạch Huyện là các khu bến chuyên container chưa có đường sắt kết nối trực tiếp và hiện chủ yếu sử dụng phương thức vận chuyển đường bộ. Cần đầu tư để có thể kết nối vào các khu vực cảng biển đã được đầu tư xây dựng như cảng Đình Vũ, cảng cửa ngõ Quốc tế Lạch Huyện và khu vực dự kiến đầu tư cảng Nam Đồ Sơn.

Về tình hình thực hiện các biện pháp bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đến nay hành lang an toàn đường sắt tuyến Gia Lâm - Hải Phòng trên địa bàn thành phố cơ bản được đảm bảo, không có công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông đường sắt. Thời gian qua, bằng nhiều biện pháp, nguồn vốn đã thi công xây dựng hàng rào, đường gom, xóa lối đi tự mở. Trong đó, năm 2023 xóa được 8/25 vị trí; năm 2024 xây dựng được 6 đoạn đường gom, hàng rào, xóa được 6 vị trí…

Theo đại diện Sở GTVT, sau hơn 5 năm triển khai, Luật Đường sắt 2017 đã phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực đường sắt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Đường sắt 2017 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập như: Chưa có quy định về đầu tư xây dựng đường sắt địa phương phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chưa có quy định yêu cầu ràng buộc về kết nối đường sắt với trung tâm các đô thị lớn, cảng biển, cảng hàng không, các khu đầu mối hàng hóa lớn, vì vậy trong thực tế khi xây dựng cảng biển, các chủ đầu tư không đầu tư xây dựng đường sắt kết nối với cảng.

"Cùng đó, chưa có yêu cầu ràng buộc về kết nối đường sắt với các phương thức vận tải hành khách công cộng tại các trung tâm đô thị; hay quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt. Do đó, việc nghiên cứu, bổ sung các nội dung trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) là cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tiễn", đại diện Sở GTVT TP Hải Phòng nói và kiến nghị Luật Đường sắt (sửa đổi) cần có những quy định được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển.

Đồng thời đề nghị, trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) có đưa ra quy định về đường sắt vùng, tuy nhiên cần làm rõ thêm đường sắt vùng sẽ thuộc hệ thống đường sắt quốc gia hay đường sắt địa phương; xem xét có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để phát triển (đầu tư, quản lý, bảo trì) đường sắt vùng trong trường hợp thuộc hệ thống đường sắt địa phương.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dot-pha-the-che-tao-don-bay-phat-trien-duong-sat-19225011014183639.htm
Zalo