Đột phá thể chế để hình thành trung tâm tài chính
Việc xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Đây là vấn đề không mới trên thế giới nhưng với Việt Nam là vấn đề khó và chưa có tiền lệ, do vậy, nhiệm vụ này không phải là của riêng TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Kênh huy động vốn quan trọng
Việt Nam xác định tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) các năm tới đây từ 8% đến hai con số, như vậy tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải tăng 45-50% mỗi năm.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó có việc hình thành TTTC khu vực và quốc tế để thuận lợi huy động vốn. “Việc xây dựng TTTC thành công sẽ giúp đất nước kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, giúp thị trường tài chính lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, TTTC là hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính tập trung tại một khu vực nhất định, là nơi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính và có các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa.
Các nhóm dịch vụ, sản phẩm cơ bản của một TTTC bao gồm: Huy động và phân bổ vốn; quản lý tài sản và đa dạng hóa danh mục đầu tư; quản lý tài sản cá nhân có giá trị tài sản lớn; nghiệp vụ kế toán, tư vấn tài chính doanh nghiệp; quản lý ngân quỹ doanh nghiệp toàn cầu/khu vực; quản trị rủi ro toàn cầu/khu vực và bảo hiểm/tái bảo hiểm; tài chính định lượng và nền tảng tài chính cho các dự án lớn; mua lại và sáp nhập toàn cầu/khu vực; gọi vốn cho các dự án hợp tác công-tư toàn cầu/khu vực...
Tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024 về Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã yêu cầu “các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện đề án quan trọng này”. Đề án đặt ra mục tiêu thành lập TTTC vào năm 2025, phát triển TTTC khu vực vào năm 2035, TTTC quốc tế vào năm 2045.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh được lựa chọn xây dựng là TTTC quốc tế toàn diện, đề xuất thực hiện tại khu vực quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP Đà Nẵng được xác định là TTTC khu vực, đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần trên đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp với diện tích hơn 6ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại Khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62ha. Đồng thời, phát triển Trung tâm Công nghệ tài chính ở khu đất phía Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7ha.
Mục tiêu phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng dựa trên điều kiện nền tảng chung của cả quốc gia với tình hình chính trị ổn định, quy mô nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng cao, độ mở lớn và hội nhập với nền kinh tế thế giới...
Đặc biệt, Việt Nam có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu, cũng như vị trí địa chính trị quan trọng nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới. Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh thông tin, Đà Nẵng đang hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi có đầy đủ lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng TTTC khu vực.
Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển TTTC Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị-kinh tế quan trọng trong hành lang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của TP Đà Nẵng.
Môi trường quản trị và pháp lý minh bạch, đáng tin cậy - nền tảng thành công
Việc xây dựng TTTC không phải là vấn đề mới trên thế giới nhưng lại là nội dung chưa có tiền lệ tại Việt Nam, do đó đòi hỏi phải có sự chung sức, đồng lòng và sự tham gia, trao đổi, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các chuyên gia, tổ chức và nhà đầu tư quốc tế.
Các ý kiến chỉ ra rằng, để hình thành và phát triển TTTC đòi hỏi phải bảo đảm hạ tầng, nhân lực được đầu tư thỏa đáng và có sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế, chính sách. Riêng về vấn đề hạ tầng, khi so sánh cùng các TTTC trên thế giới hiện nay, một trong những hạn chế của Việt Nam là hạ tầng còn có khoảng cách khá xa, nhất là hạ tầng giao thông, logistics và hạ tầng số.
Ở góc độ khác, Tiến sĩ Andreas Baumgartner EMBS, Viện Metis nhấn mạnh, môi trường quản trị và pháp lý mạnh mẽ, minh bạch, đáng tin cậy là nền tảng của bất kỳ TTTC thành công nào. Cùng với đó, khi Việt Nam thành lập TTTC ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thì việc phân biệt rõ ràng hai trung tâm này là rất quan trọng. Mỗi trung tâm cần có một đề xuất giá trị cụ thể, rõ ràng, nhằm tránh sự nhầm lẫn hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Điều này sẽ bảo đảm rằng mỗi trung tâm có thể khai thác tốt nhất tiềm năng riêng và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của thị trường.
Trao đổi về kế hoạch triển khai thành lập TTTC trong thời gian tới, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng TTTC, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân. Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho TTTC; phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và thành lập tổ chức bộ máy quản lý, điều hành TTTC...
Còn đối với TP Đà Nẵng, đồng chí Hồ Kỳ Minh thông tin, thành phố sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống cung cấp năng lượng và hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh. Mặt khác, Đà Nẵng sẽ đề xuất Trung ương các chính sách vượt trội liên quan đến việc thu hút nhân lực chất lượng cao trên thế giới đến sinh sống và làm việc tại TTTC Đà Nẵng...
Đề cập tới nhiệm vụ quan trọng cho việc hình thành các TTTC ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải hoàn thiện thể chế. Việt Nam phải hoàn thành khung chính sách để phát triển TTTC; tổ chức thực hiện ngay các nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đồng thời thí điểm theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.