Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững: Bài 4 - Định hướng và giải pháp cho nền kinh tế nông thôn
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.
Khai thác tối đa lợi thế
Nông nghiệp giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế nhưng vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi như thời tiết cực đoan, thiên tai và dịch bệnh phức tạp. Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thị trường hàng nông sản áp lực cạnh tranh lớn, đặc biệt yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi ngày càng cao. Quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị đang diễn ra nhanh chóng, dẫn đến sự thu hẹp diện tích đất và tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, lực lượng lao động trẻ từ khu vực sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Ô nhiễm môi trường và các mối nguy hại về ô nhiễm môi trường, tài nguyên (đất, nước) ngày càng lớn và phức tạp hơn.
Trước những khó khăn và thách thức đó, việc thực thi Luật Đất đai năm 2024 như một “luồng gió mới”, góp phần “cởi trói” cho lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Luật đã tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp (Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức 10 lần). Quy định này làm tăng cơ hội tích tụ ruộng đất cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Ngoài ra, Luật đã quy định tăng thời hạn thuê đất công ích do UBND cấp xã quản lý (quỹ đất 5%) từ 5 năm lên 10 năm, so với quy định trong Luật Đất đai 2013. Quy định này giúp các cá nhân được thuê quỹ đất công ích có thời gian sử dụng đất thuê ổn định, giúp người thuê yên tâm đầu tư sản xuất trên đất thuê. Điều 194 Luật này có quy định về “dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung” để cho thuê lại đất hoặc thực hiện dự án.
Một thay đổi đáng chú ý nữa liên quan đến đất nông nghiệp là khái niệm “đất sử dụng kết hợp đa mục đích”, theo đó đất nông nghiệp có thể được sử dụng đồng thời cho các mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu và nhiều hoạt động khác… Đây là hành lang pháp lý nhằm hình thành cơ sở hạ tầng tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận quỹ đất để đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bắc Giang sở hữu hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, các khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ, cùng thương mại - dịch vụ ngày càng sôi động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản. Để nâng cao hiệu quả nông nghiệp cần tiếp tục tái cơ cấu mùa vụ, cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng các cơ chế chính sách trong nông nghiệp.
Khi các chính sách tích tụ đất đai được tháo gỡ cần tăng cường xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tiềm lực lớn về kinh tế, khoa học công nghệ. Tăng cường quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu, chú trọng đưa sản phẩm “xâm nhập” vào thị trường khó tính, đòi hỏi cao để nâng cao vị thế nông sản Bắc Giang.
Giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với du lịch bền vững
Qua thực tế, những địa phương thành công tái cơ cấu ngành trồng trọt đã tập trung vào cơ cấu cây trồng, mùa vụ gắn với ứng dụng công nghệ cao để rải vụ, tránh rủi ro như “đánh bạc với trời”, kết hợp phát triển du lịch.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: “Tân Yên đi theo hướng khác biệt trên cơ sở khai thác lợi thế địa phương. Để chuẩn bị cho xuất khẩu sâm Nam núi Dành, huyện Tân Yên xác định phải bảo đảm vùng nguyên liệu đủ lớn, chất lượng cao. Theo đó, huyện quan tâm triển khai Đề án phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027; tập trung chỉ đạo người dân sản xuất theo chuỗi liên kết; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất”. Hiện nay, vùng sâm núi Dành đã thu hút đông du khách về tham quan, tiêu thụ sản phẩm.
Làm việc tại tỉnh Bắc Giang mới đây, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, qua nhiều năm phối hợp với Bắc Giang, theo dõi sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tôi nhận thấy, mỗi năm Bắc Giang có nhiều bước tiến, cách làm hay hơn trong sản xuất nông nghiệp. Điều này có được ngoài yếu tố thiên nhiên thuận lợi còn là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Bắc Giang đưa ra đề án, chương trình thực hiện đầy đủ chỉ đạo chuyên môn của Bộ về tái cơ cấu nông nghiệp. Bắc Giang đang đi đúng hướng, trong đó đã xác định rõ được từng ngành trong nông nghiệp cái gì là chủ lực cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Vì có những chính sách tốt nên hình thành khu vực sản xuất tập trung, chuỗi liên kết giữa người dân, doanh nghiệp để phát triển ngành hàng hóa.
Ông Trung ấn tượng với những kết quả mà nông nghiệp Bắc Giang đã đạt được. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ngành trồng trọt phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vì vậy, Bắc Giang cần tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế thiệt hại. Trọng tâm chú trọng xây dựng quy trình tiết giảm chi phí đầu vào tăng lợi nhuận cho người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất kinh tế nông nghiệp đa mục tiêu.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, người xưa đúc kết “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nhưng với nông nghiệp hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao thì những yếu tố trên đã được giải quyết, đáp ứng tốt nhu cầu người sản xuất. Để phát triển hiệu quả, bền vững nông nghiệp cần sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường dựa trên các thành quả khoa học công nghệ kết hợp với chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đưa sản phẩm xuất khẩu. Phải dự tính, dự báo khí hậu từ sớm, phòng tránh rủi ro. Biến đổi khí hậu là rõ nét nhất, tất cả phải có tầm nhìn rất xa, theo đó cần cơ cấu cây trồng, cơ cấu sản phẩm, mùa vụ cho phù hợp, để khi có biến đổi bất thường thì rủi ro thấp nhất. Tập trung sản xuất kinh tế nông nghiệp đa mục đích, nông nghiệp tuần hoàn làm sao giảm áp lực cho sản xuất chính, cái phụ của lĩnh vực này lại là phần chính của chu trình khác, tạo ra giá trị mới, đóng góp chống biến đổi khí hậu. Giảm khai thác năng suất quá mức cây trồng, vật nuôi… Giảm thiểu rủi ro, cơ bản nhất vẫn là có chiến lược tầm nhìn xa, sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường mới phát triển nông nghiệp bền vững.
Cùng đó, cần thường xuyên rà soát, đánh giá chính sách về “tam nông” nói chung, nông nghiệp nói riêng của Trung ương, địa phương để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, tạo đà cho nông nghiệp bứt phá. Tiếp tục phổ biến, phát triển mô hình nông nghiệp đa giá trị đã hình thành. Tiếp tục cảnh báo tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá mức, nhân rộng mô hình canh tác an toàn, hữu cơ gắn với bổ sung độ phì cho đất, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.
Việc tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm trong tương lai. Với tiềm năng sẵn có, Bắc Giang tìm cách kết hợp nông nghiệp với du lịch, tạo nên giá trị đa tầng cho kinh tế địa phương. Huyện Yên Thế vừa tổ chức thành công lễ hội xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm đặc trưng của huyện năm 2024. Đây là lần đầu tiên huyện tổ chức lễ hội riêng về gà đồi và các sản phẩm đặc trưng, thu hút đông đảo người dân trong cả nước về dự. Đó là cách làm sáng tạo trong việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã đến thăm vùng sâm Nam núi Dành huyện Tân Yên và ấn tượng với mô hình vừa sản xuất, chế biến sản phẩm từ sâm, vừa thu hút khách tham quan trải nghiệm suốt 4 mùa. Bộ trưởng tin rằng, các mô hình trồng sâm sẽ trở thành những điểm ngày càng thu hút đông đảo du khách, một vùng đất tự hào đã hồi sinh một sản phẩm được thổi hồn từ câu chuyện “sâm tiến vua Tự Đức” ngày xưa. Đó chính là tư duy tích hợp nông nghiệp đa tầng giá trị…
Thực tế cho thấy, Bắc Giang tiên phong trong việc kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế đa ngành, với những bước tiến sáng tạo và bài học quý từ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Các chính sách mới về đất đai, ứng dụng công nghệ cao và phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đã tạo ra những giá trị đa tầng, từ việc tăng hiệu quả kinh tế đến bảo vệ môi trường. Trong tương lai, Bắc Giang không chỉ nhắm đến phát triển nông nghiệp bền vững mà còn khát vọng trở thành trung tâm của nông nghiệp hiện đại, gắn liền với du lịch. Điều này vừa giúp tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn, vừa nâng cao vị thế của nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và quốc tế. Sự đồng lòng giữa người dân và chính quyền địa phương là chìa khóa để Bắc Giang tiếp tục phát triển bền vững, vượt qua những thách thức và khẳng định vị thế trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại.
Nhóm PVKT