Đột phá phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - 'Đòn bẩy' chính sách để Việt Nam đạt Net Zero
Với chính sách là 'đòn bẩy', khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là hai trong số những trụ cột dẫn đường, thúc đẩy doanh nghiệp và toàn xã hội ứng dụng công nghệ xanh, sạch, tối ưu hóa tài nguyên, đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, kiến tạo tương lai bền vững.

Mục tiêu Net Zero là cam kết chính trị của các quốc gia nhằm thể hiện quyết tâm và hành động cùng chung tay hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh. (Ảnh: Liên hợp quốc).
Nghị quyết 57: “Bệ phóng” khoa học công nghệ hướng đến Net Zero
Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), theo Tổ chức Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), là trạng thái mà tổng lượng khí nhà kính (KNK) phát thải vào môi trường được cân bằng với lượng KNK bị loại bỏ. Trong khi đó, “trung hòa carbon” đề cập cụ thể đến việc cân bằng phát thải CO2. Cả hai khái niệm này đóng vai trò cốt lõi trong các chiến lược giảm phát thải trên toàn cầu. Hơn 100 quốc gia đã cam kết đạt được mục tiêu Net Zero, góp phần vào nỗ lực chung nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.
Việt Nam đã vạch ra một lộ trình chi tiết để hiện thực hóa cam kết cắt giảm KNK, với các mốc thời gian cụ thể. Năm 2022, Chính phủ công bố danh sách các lĩnh vực bắt buộc thực hiện kiểm kê KNK, tạo nền tảng cho việc giám sát và quản lý phát thải. Giai đoạn 2024 - 2025, công tác kiểm kê KNK được triển khai định kỳ hai năm một lần, với báo cáo đầu tiên dự kiến hoàn thành vào ngày 31/3/2025. Bước sang năm 2026, Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp giảm nhẹ phát thải và thiết lập hạn ngạch phát thải KNK, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn lượng phát thải trong từng lĩnh vực. Đến năm 2027, quá trình báo cáo giảm phát thải sẽ chính thức được thực hiện, đồng thời tín chỉ carbon sẽ được công bố, tạo tiền đề cho sự hình thành thị trường giao dịch carbon tại Việt Nam. Mục tiêu quan trọng vào năm 2030 là đạt trạng thái “trung hòa carbon”, giảm phát thải trong các ngành kinh tế trọng điểm, góp phần đưa nền kinh tế vận hành theo hướng bền vững hơn. Lộ trình này hướng tới cột mốc cuối cùng vào năm 2050, khi Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), khẳng định vị thế quốc gia tiên phong trong khu vực về phát triển xanh và bền vững.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện lộ trình này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt quy định và hướng dẫn, bao gồm: Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone; Quyết định 13/2024/QĐ-TTg về Danh mục cơ sở phải kiểm kê KNK và báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK; Quyết định 2626/QĐ-BTNMT công bố hệ số phát thải phục vụ kiểm kê KNK; Thông tư 38/2023/TT-BCT hướng dẫn đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK trong các lĩnh vực công nghiệp; Bộ công cụ IPCC 2006 và 2019: Hướng dẫn quốc tế về lượng hóa và tính toán phát thải KNK…
Thời gian qua, hàng loạt chính sách mới được ban hành, tạo bước tiền đề cho sự đột phá, tăng tốc trong thời điểm quốc gia bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đáng chú ý, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã ghi nhận “phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới”. Nghị quyết cũng quán triệt quan điểm chỉ đạo: “Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, Nghị quyết nêu rõ phải ban hành Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược (ưu tiên các lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa…). Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp chiến lược. Nghị quyết cũng đề ra các cơ chế đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ đó, Việt Nam không chỉ nắm bắt cơ hội phát triển nền kinh tế xanh, mà còn từng bước tự chủ về công nghệ, khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, tiến gần hơn tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Cần thêm nhiều quyết sách đột phá
Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trên hành trình phát triển bền vững, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng. Những chính sách đột phá không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đặt nền móng cho một nền kinh tế xanh, nơi công nghệ hiện đại giúp giảm phát thải, tối ưu hóa tài nguyên và bảo vệ hệ sinh thái. Bên cạnh Nghị quyết 57-NQ/TW, Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero cùng với Kế hoạch chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch cũng được đánh giá là hai chính sách đột phá, kịp thời, giúp Việt Nam đến gần mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam đã vạch ra một lộ trình chi tiết để hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050. (Ảnh: Shutterstock).
Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn. Một trong những trọng tâm của chương trình là nghiên cứu, giải mã và ứng dụng các công nghệ then chốt như thu giữ và lưu trữ carbon, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn và tái chế chất thải công nghiệp,… Những công nghệ này không chỉ giúp giảm phát thải KNK mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lãng phí tài nguyên và tạo ra giá trị kinh tế mới. Bên cạnh đó, chương trình đặt trọng tâm vào việc hợp tác với doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học - công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo để tạo ra các giải pháp thực tiễn. Việc kết nối với các đối tác quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong toàn bộ nền kinh tế.
Một động thái đáng chú ý nhất gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 12/02/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Đây là chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình dịch chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Chính phủ đặt mục tiêu tăng cường khai thác tối đa các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải và góp phần vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Theo lộ trình, đến năm 2030, Việt Nam sẽ nghiên cứu lắp đặt hệ thống thu giữ carbon tại các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ, đồng thời khuyến khích chuyển đổi nhiên liệu từ than sang sinh khối và amoniac. Từ năm 2045, các nguồn điện sạch với tổng công suất tối thiểu 1.160MW sẽ được phát triển để thay thế dần điện than. Đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu than trong sản xuất điện, thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo và giải pháp lưu trữ carbon.
Nhìn chung, các chính sách hiện hành đều cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với định hướng phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, những quyết sách này cũng tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia vào hành trình giảm phát thải. Cụ thể, doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải KNK, thúc đẩy tái chế, xử lý rác thải, sử dụng nguyên liệu sinh học và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm hạn chế tác động tiêu cực lên hệ sinh thái. Đặc biệt, ngành năng lượng cũng đứng trước nhiều cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ lưu trữ tiên tiến. Những thay đổi này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vận hành mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nơi các tiêu chuẩn về phát triển bền vững ngày càng khắt khe.