Khơi thông dòng 'vốn xanh', tạo đà xuất khẩu cho doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường, tạo đà cho doanh nghiệp khi xuất khẩu.
Ưu tiên tín dụng cho tăng trưởng xanh
Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là một phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: Thị trường tín dụng xanh, thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngành ngân hàng đã tiên phong triển khai các kế hoạch hành động, thực hiện chính sách Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy tín dụng xanh. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã chủ động xây dựng các kế hoạch nội bộ, hoàn thiện tiêu chí và quy trình để tăng cường đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường.
Đồng quan điểm, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho hay, tín dụng xanh đang được các tổ chức tín dụng xác định là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Bản thân các ngân hàng cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong hoạt động và đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động.
“Các ngân hàng thương mại đã chủ động tích hợp yếu tố môi trường và xã hội trong chiến lược phát triển, mô hình hoạt động; nghiên cứu các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế về ESG để xây dựng quy định nội bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro về môi trường và xã hội; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chủ động hợp tác, tìm kiếm và tiếp nhận các hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế…” - bà Hà Thu Giang thông tin.
Kết quả, từ chỗ chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh năm 2017, đến nay ở Việt Nam đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ khoảng 680 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt 22% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tín dụng kinh tế.
![Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án xanh. Ảnh: Duy Minh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_35_51459480/cc07d426e3680a365379.jpg)
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án xanh. Ảnh: Duy Minh
Thực tế, xác định tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu nên nhiều ngân hàng đã chủ động thúc đẩy tín dụng xanh. Chẳng hạn như cuối năm 2024, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này phát hành trái phiếu xanh, là cột mốc quan trọng trong chiến lược quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp của ngân hàng.
Viecombank cũng ghi nhận quy mô tín dụng xanh tăng gần 6 lần trong 5 năm vừa qua, từ quy mô 7.890 tỷ đồng cuối năm 2018 lên hơn 46.100 tỷ đồng năm 2023, chiếm xấp xỉ 4% tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước. Cuối tháng 8/2024, ngân hàng này lại tiếp tục phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu tự nguyện tuân thủ theo Hướng dẫn trái phiếu bền vững của ICMA.
Với nguồn vốn dồi dào, BIDV cũng đẩy mạnh xanh hóa dòng vốn. Dự kiến, danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đạt 3 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 4% dư nợ tín dụng của ngân hàng.
Khẳng định luôn dành những hỗ trợ đặc biệt về lãi suất cho vay đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, VietinBank đã liên tục triển khai các Chương trình, gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay và đẩy mạnh cho vay các ngành được khuyến khích phát triển theo định hướng của Chính Phủ. Đặc biệt, VietinBank thúc đẩy phát triển ESG với Gói tài chính xanh GREEN UP thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững với quy mô đạt 5.000 tỷ đồng, dành cho các phương án, dự án mang lại lợi ích về môi trường và xã hội.
Trước đó, VietinBank đã ký biên bản hợp tác với MUFG tại Hội nghị COP28 thu xếp 1 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững. Ngân hàng cam kết Gói tiền gửi xanh, tài chính xanh trị giá 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phát triển bền vững.
Một lần nữa khẳng định quyết tâm của nhà điều hành trong thúc đẩy tín dụng xanh, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, tổ chức ngày 11/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, từ tháng 1/2026, hàng hóa xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Vì vậy, tín dụng xanh trở thành một yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp khi xuất khẩu. “Nếu không làm tốt điều này, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng” - Thống đốc nói.
Đồng tình với Thống đốc, các ngân hàng thương mại cũng cho rằng, tín dụng xanh và tín dụng nhà ở xã hội là những trọng tâm lớn. Theo đó, các ngân hàng như: Vietcombank, BIDV và VietinBank cam kết dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu xuất khẩu xanh từ năm 2026.
![Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh. Ảnh: Duy Minh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_35_51459480/07d524f413bafae4a3ab.jpg)
Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh. Ảnh: Duy Minh
Cần thêm những ưu đãi trong cuộc cách mạng “xanh”
Dù rất muốn đẩy mạnh tín dụng xanh, song Lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ, các tổ chức tín dụng đang đối mặt với không ít khó khăn khi cấp tín dụng. Chẳng hạn như hiện vẫn còn thiếu danh mục phân loại xanh và bộ tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành kinh tế của Việt Nam. Do đó, đến nay mỗi ngân hàng đưa ra một bộ tiêu chí riêng cho dự án xanh. Điều này dẫn đến thực trạng có thể một dự án xanh nào đó đạt chuẩn với ngân hàng này nhưng chưa chắc đã đạt chuẩn theo tiêu chí xanh của ngân hàng khác.
Bên cạnh đó, các dự án xanh luôn được vay với lãi suất thấp và thời gian vay dài trong khi nguồn vốn trung dài hạn của ngân hàng lại tương đối hạn hẹp. Cộng thêm với các dự án xanh thường có nhiều rủi ro khó lường trước, dẫn đến việc tăng quy mô cho tín dụng xanh cũng cần phải thực hiện một cách từ từ, thận trọng chứ không thể mạnh tay được. Hơn nữa, nhân viên ngân hàng còn thiếu kiến thức về tín dụng xanh cũng là một trong những hạn chế khi thẩm định dự án xanh.
Để tín dụng xanh trở thành nền tảng cho sự phát triển ổn định của các tổ chức tín dụng, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung phát triển một hệ thống phân loại xanh toàn diện, cung cấp các ưu đãi cho đầu tư xanh và tăng cường hợp tác công tư. Các khuôn khổ pháp lý nên khuyến khích tính minh bạch trong báo cáo phát triển bền vững và đưa ra các hướng dẫn rõ ràng cho tài chính xanh.
Bên cạnh đó, các cơ chế chia sẻ rủi ro và trợ cấp cho các dự án xanh có thể giúp giảm thiểu rủi ro tài chính, thu hút thêm đầu tư và đảm bảo rằng tín dụng xanh sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và bền vững của các tổ chức tài chính.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025, ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng kiến nghị, bổ sung ưu tiên tín dụng cho tăng trưởng xanh. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng để áp dụng ngay trong năm 2025 theo hướng tín dụng xanh là lĩnh vực được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa (theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì dự án xanh được hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ 1/1/2026). Bên cạnh đó, cần sớm ban hành quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án “xanh” để được cấp tín dụng xanh (Nghị định 08/2022/NĐ-CP yêu cầu ban hành trước ngày 31/12/2022).
Theo ước tính của World Bank, Việt Nam cần đầu tư nguồn lực rất lớn khoảng 368 tỉ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm để theo đuổi lộ trình chuyển đổi xanh, hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi nhiều cải cách trong chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án có yếu tố “xanh”.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong thời gian tới, để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia, hỗ trợ đào tạo nhân lực để có thể bắt kịp xu hướng này.
Trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 16%, nhiều khả năng ngay từ các tháng đầu năm, hàng loạt các ngân hàng sẽ “bung mạnh” các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực “ngân hàng xanh”, “kinh tế xanh”.