Đột phá cơ chế cho đường sắt đô thị
Đường sắt đô thị được xem là trục 'xương sống' của hệ thống vận tải công cộng đô thị.
Kinh nghiệm tại các thành phố trên thế giới cho thấy, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị không chỉ là giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách số lượng lớn, mà còn giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Với hai đầu tàu tăng trưởng kinh tế là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng đường sắt đô thị bắt đầu từ năm 2007, song tiến độ triển khai quá chậm, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Nguyên nhân là do quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện cùng với nhiều rào cản về cơ chế.
Theo định hướng quy hoạch, Hà Nội có 14 tuyến đường sắt đô thị, tương ứng 619,1km; còn thành phố Hồ Chí Minh có 10 tuyến, tương ứng 510km. Thế nhưng, trong gần 20 năm qua, cả hai thành phố mới triển khai đưa vào khai thác vận hành được 40,5km/1.129,1km theo quy hoạch (gồm các tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên). Nếu chúng ta vẫn thực hiện theo cách làm, cơ chế, chính sách cũ thì việc hoàn thành mục tiêu trên thực sự là một thách thức lớn.
Trước yêu cầu cấp thiết trên, trong nghị trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm ngay tại kỳ họp bất thường này được xem là cú hích lớn tạo đột phá, không chỉ giúp rút ngắn thời gian triển khai đường sắt đô thị, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và nền kinh tế. Với 6 nhóm chính sách đặc thù, Nghị quyết thí điểm sẽ tạo thuận lợi trong huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất.
Nghị quyết thí điểm cũng nhấn mạnh đến việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong triển khai đầu tư, phát huy tính chủ động, tích cực của hai thành phố. Trong đó, việc triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) trong xây dựng đường sắt đô thị sẽ kéo theo sự bùng nổ của thị trường bất động sản, đặc biệt tại các khu vực quanh ga tàu. Điều này đồng nghĩa với cơ hội đầu tư lớn cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm thương mại, văn phòng, tạo ra hàng ngàn việc làm mới.
Vì thế, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp bất thường lần này, Chính phủ và HĐND hai thành phố sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn theo thẩm quyền. Để bảo đảm triển khai Nghị quyết khả thi, hiệu quả, trước hết các cơ quan liên quan cũng như hai địa phương cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như tuyên truyền, bảo đảm nguồn lực thực hiện; giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, phát huy tính chủ động sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, cần có thêm một số cơ chế, chính sách phục vụ khai thác vận hành sau đầu tư, như: Chính sách xây dựng định mức đơn giá khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng; chính sách khai thác sử dụng các nhà ga, trong đó có việc liên danh, liên kết, xã hội hóa trong khai thác vận hành để giảm áp lực ngân sách. Cùng với đó là chính sách về giá vé hành khách, giá vận chuyển hàng hóa; chính sách về giá bán điện phục vụ khai thác vận hành.
Nghị quyết của Quốc hội được xem xét thông qua trong kỳ họp bất thường này sẽ đáp ứng được kỳ vọng huy động tối đa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại hai đầu tàu kinh tế của đất nước. Đặc biệt là hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.