TP.HCM: 'Đốt đuốc' tìm kiếm, trọng dụng người tài

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hiền tài sẽ là nhân tố quyết định đến sự thành công trong thực hiện các mục tiêu lớn, hướng tới TP toàn cầu.

TP.HCM trong 50 năm phát triển, trải qua nhiều lần tiên phong trong các chương trình đổi mới, cải cách, phát triển chính sách kinh tế - xã hội, đóng vai trò dẫn dắt của cả nước, đều có dấu ấn rất lớn của những nhà lãnh đạo giỏi, những nhà cải cách đặc biệt mà người dân ưu ái gọi là “các bậc hiền tài”.

TS - nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nhận định: Trong kỷ nguyên mới, việc tìm kiếm và thu hút hiền tài cho bộ máy công vụ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nếu TP muốn đạt được các mục tiêu quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội hướng tới tầm nhìn tương lai là TP toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

 TS - nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

TS - nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Hiền tài đóng góp lớn cho thành tựu 50 năm

. Nhìn lại 50 năm TP.HCM phát triển, ông nhìn nhận vai trò của những người có đức, có tài tham gia cống hiến cho TP ra sao?

+ TS - nhà báo Nhị Lê: Còn nhớ, ngay sau khi đất nước Việt Nam mới khai sinh cách đây 80 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân tìm đến hiền tài để mời họ làm việc cho cách mạng. Bác gửi thư đến tận các làng xã, mong chờ người tài đức được tiến cử để chung vai gánh vác việc quốc gia đại sự.

Với TP.HCM, khi đất nước thống nhất năm 1975, Hội Trí thức yêu nước TP.HCM cũng được thành lập, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó là bí thư Thành ủy) trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Bản thân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã là một hiền tài, được nhiều lãnh đạo, trí thức nhận xét là nhà lãnh đạo tuy không được học hành bài bản nhưng rất thông minh, nhạy bén, quan trọng là ông biết tự học từ cuộc sống xung quanh, rất tận dụng nhân tài nên dám đưa ra các quyết sách lớn, có tính cách mạng.

Công cuộc tái thiết và phát triển TP.HCM sau năm 1975, đặc biệt khi TP thí điểm các hoạt động cải cách, mở đường cho công cuộc đổi mới từ Đại hội VI năm 1986, có dấu ấn đặc biệt của ông Võ Văn Kiệt và giới trí thức.

Một mục tiêu rất quan trọng mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn là người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM giai đoạn sau thống nhất là giữ chân bằng được lực lượng trí thức, những người có đức, có tài ở lại xây dựng TP. Ông Kiệt rất cởi mở, ưu ái, dành nhiều thời gian và không gian để lắng nghe hiền tài hiến kế, nhất là các nội dung giàu tính đổi mới.

 Việc xây dựng đội ngũ trí thức có vai trò rất quan trọng để TP.HCM phát triển theo định hướng trở thành TP toàn cầu. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (phải) trao bằng khen cho công dân trẻ tiêu biểu TP. Ảnh: HẢI NHI

Việc xây dựng đội ngũ trí thức có vai trò rất quan trọng để TP.HCM phát triển theo định hướng trở thành TP toàn cầu. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (phải) trao bằng khen cho công dân trẻ tiêu biểu TP. Ảnh: HẢI NHI

Quan điểm về tầm quan trọng của hiền tài về sau, năm 2005, khi đã về hưu, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đúc kết rất rõ: “Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không quy tụ thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng”.

Ngoài ông Võ Văn Kiệt, TP.HCM cũng từng có nhiều nhà cải cách lớn như đồng chí Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ… TP phát triển vượt bậc, trở thành đầu tàu của cả nước về nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội, đều có dấu ấn to lớn của nhiều bậc hiền tài, trong rất nhiều lĩnh vực, từ quản trị - lãnh đạo, kinh tế, văn hóa, xã hội đến giáo dục, y tế… Thực tiễn cho thấy sự thành công của TP ngoài đến từ những đường lối chính trị đúng đắn thì nhân tố quyết định chính là đội ngũ cán bộ, trước hết đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp và bộ máy tổ chức tương xứng.

Giải quyết khó khăn, thách thức

. Quan sát việc thu hút người có đức, có tài vào bộ máy công vụ tại TP.HCM, ông có nhận xét như thế nào?

+ Mới đây, khi làm với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, khẳng định TP luôn luôn xác định con người là yếu tố then chốt, là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chính sách ưu đãi để thu hút hiền tài cho khu vực công vẫn còn khiêm tốn, khó cạnh tranh khu vực tư nhân.

Trong suốt giai đoạn 2018-2024, chương trình tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ của TP chỉ tuyển được năm viên chức và bốn công chức. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học ký hợp đồng trong khu vực công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu xét trên quy mô cả trăm ngàn cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trên địa bàn TP thì rõ ràng việc “trải thảm đỏ” cho người tài vào cống hiến trong khu vực công lập vẫn còn rất khó khăn, thách thức.

Tinh giản bộ máy chú trọng giữ chân người tài

Theo lãnh đạo TP.HCM, trong năm 2025, gắn với hoạt động tinh gọn, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, TP sẽ rà soát lại quy trình công vụ. TP sẽ tập trung xây dựng đội ngũ công chức tài năng, ưu tú. Do đó, TP sẽ áp dụng nhiều chính sách về tuyển dụng, đào tạo, tiến cử, đề bạt cũng như các chính sách chăm lo về nhà ở…

Những khó khăn này đã được lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền TP nhận thức. TP đã nỗ lực tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 để nghiên cứu, ban hành các chính sách vượt trội hơn về thu nhập, đãi ngộ cho người tài, bao gồm thu nhập, trợ cấp, chính sách nhà ở, phúc lợi và an sinh xã hội; đồng thời TP cũng phối hợp và linh hoạt áp dụng Nghị định 140 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm tạo sự đột phá về thu hút nhân tài trong thời gian tới.

 Sinh viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành sản xuất tự động hóa. Ảnh: THUẬN VĂN

Sinh viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành sản xuất tự động hóa. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM tìm hiền tài ra sao?

. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông có khuyến nghị gì để TP.HCM có thể “trải thảm đỏ” thu hút người tài, phục vụ nhân dân?

+ Trong kỷ nguyên mới, TP.HCM đảm nhận những trọng trách rất lớn, có tính dẫn dắt về phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như thực hiện kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia… Đặc biệt, TP sẽ mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển sau khi sáp nhập, hợp nhất với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương, được kỳ vọng trở thành siêu đô thị (megacity) có tầm ảnh hưởng ở khu vực và hướng tới mô hình TP toàn cầu.

Tiêu chuẩn hiền tài

Về năng lực trí tuệ, cần có khả năng tiên lượng hợp quy luật, hợp lòng người, thuận tự nhiên. Bên cạnh đó, có tầm nhìn xa trông rộng, có thể đưa ra các định hướng, kế hoạch thực tiễn và khả thi. Song song đó, tư duy thực tế, tâm thế kiên định và khả năng phản biện tốt. Đặc biệt, vừa có bộ óc chiến lược vừa có khả năng ứng phó hiệu quả các khó khăn, biến động.

Về phương pháp và phong cách làm việc, hiền tài là người vừa có khả năng bao quát nhưng đồng thời nắm chắc bản chất công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chú trọng vào tính tự học và chủ động tiếp thu các kiến thức mới, nhất là tri thức về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong cách hành xử, biết dung hòa giữa sự cứng cỏi và mềm dẻo; lắng nghe tất cả nhưng phải có lập trường, có chọn lựa, chịu được sức ép để kiên quyết hành động, thực hiện kỳ được điều khó nhất.

Trong bối cảnh đó, TP rất cần đến đội ngũ cán bộ vừa đảm bảo năng lực trí tuệ, vừa có phương pháp và phong cách làm việc hiệu quả. Sẽ có nhiều cách thức, giải pháp để TP tìm kiếm, tuyển chọn người tài nhưng điều quan trọng nhất là phải chủ động. Tôi muốn nhắc lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các làng, xã để tìm kiếm sự tiến cử người hiền tài cho cách mạng, trong thư có đoạn: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân…”.

Soi chiếu đến hiện nay, chỉ riêng TP.HCM đã có hơn chục triệu dân; cả nước có hơn trăm triệu dân, chắc chắn hiền tài sẽ rất nhiều, chỉ chờ lãnh đạo TP chủ động, dù có phải “đốt đuốc” cũng phải đi tìm, phát hiện từ đơn vị cơ sở, kể cả người trong Đảng lẫn người ngoài Đảng; có giải pháp quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng; tạo môi trường nuôi dưỡng tài năng lâu dài.

Quan trọng là người tài thường táo bạo, nghĩ cái mới, làm cái mới nên ngoài việc trọng dụng cũng phải có giải pháp bảo vệ họ. Tôi thấy dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi hiện nay có đề xuất luật hóa việc miễn trách nhiệm với cán bộ “dám nghĩ, dám làm”. TP.HCM cần nghiên cứu và có những đề xuất cụ thể.

Về hình thức chọn, TP có thể thi tuyển, bầu tuyển, tiến tuyển, ứng tuyển hay áp dụng các hình thức tín tuyển, tranh tuyển hay khảo tuyển. Mỗi cách thức tuy khác nhau về hình thức nhưng đều phải bám vào các yêu cầu chung, cụ thể là xác định được tiêu chuẩn, trách nhiệm, cấp độ tuyển chọn cụ thể, các chỉ số đánh giá rõ ràng.

Để làm tốt điều ấy, cần xây dựng thể chế tuyển dụng chặt chẽ, thống nhất, minh bạch. Song song đó, cũng cần các cơ chế sa thải, bãi miễn rõ ràng, thuyết phục. TP cũng cần có cơ quan, tổ chức phụ trách vấn đề tuyển dụng nhân tài. Trong vận hành, cần đổi mới hệ thống và phương thức đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo đãi ngộ xứng đáng với năng lực, cống hiến; có các định chế thưởng - phạt nhất quán, tiến bộ.

. Xin cám ơn ông.

VŨ TRUNG KIÊN, Học viện Chính trị khu vực II:

50 năm, cảm hứng từ những nhà cải cách đặc biệt

Những năm gần đây, TP.HCM thường chọn các chủ đề trọng tâm hằng năm, trong đó luôn có nội dung về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chẳng hạn, chủ đề năm 2024 của TP là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội”; còn chủ đề năm 2025 được xác định là “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết 98 của Quốc hội…”.

Không khó để có thể nhận ra rằng năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách là đặc trưng cơ bản của những con người vùng đất này, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những nhà lãnh đạo. Ở Sài Gòn - TP.HCM, nhiều phong trào đổi mới thành công, có lẽ bởi tư duy đổi mới đó bắt nhịp được với hơi thở cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

VŨ TRUNG KIÊN, Học viện Chính trị khu vực II

Sau năm 1975, những nhà lãnh đạo hàng đầu ở TP.HCM đều là những nhà cải cách, đổi mới đặc biệt như các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ. Chính tư duy đổi mới đặc biệt của các nhà lãnh đạo TP đã truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ đó hình thành nên những phong trào đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực, to lớn làm thay đổi không chỉ TP mà còn tạo ra nguồn cảm hứng và trào lưu đổi mới của cả nước.

Nhìn lại lịch sử phát triển của TP, ngoài vai trò dẫn dắt, tiên phong của những nhà lãnh đạo và cán bộ, đảng viên, TP cũng chú trọng thu hút, đào tạo và sử dụng được đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học tài năng, tâm huyết để hiến kế, góp ý cho TP xây dựng chính sách, thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là điểm quan trọng mà không phải nơi nào cũng làm được và làm tốt như TP, cho thấy tinh thần chịu lắng nghe của lãnh đạo TP.

THANH TUYỀN ghi

**********************

Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực thực thi

Một TP hướng đến quy mô, tầm vóc toàn cầu cần một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có khả năng thực hiện hiệu quả các trọng trách lớn lao.

Việc xây dựng đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức dù ở thời kỳ nào cũng rất cần thiết. Điều này càng trở nên đặc biệt trong kỷ nguyên mới - được Tổng Bí thư Tô Lâm xác định từ năm 2026. Trong đó, với những địa phương đang giữ những trọng trách lớn như TP.HCM, việc xây dựng đội ngũ nhân lực công vụ càng trở nên quan trọng, đóng vai trò “then chốt của then chốt”.

Cán bộ phải đủ năng lực thực thi chính sách

Với các nhiệm vụ từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta cả trước mắt và lâu dài…

TS HOÀNG VĂN TÚ, Học viện Cán bộ TP.HCM

Quan trọng và cấp bách lúc này, TP.HCM cần chú trọng việc xây dựng, đào tạo đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức có đủ năng lực dẫn dắt và thực thi chính sách. TP.HCM là đô thị lớn, là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội phía Nam, cũng là địa phương thực hiện nhiều chính sách nhất vừa mang tính đặc thù vừa phản ánh sự kỳ vọng của người dân TP và của cả nước. Do đó, để thực hiện được các nhiệm vụ nặng nề của TP đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có năng lực cao.

Muốn vậy, TP cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đảng viên, công chức, viên chức đúng yêu cầu công việc; cần thực hiện vì công việc mà chọn người. Điều quan trọng nhất là phải đào tạo cán bộ có chuyên môn hóa ngày càng cao, không đào tạo đảng viên, công chức, viên chức theo đủ tiêu chuẩn bằng cấp; đào tạo chuyên môn phải phục vụ được cho công việc.

TP.HCM cần tiếp tục xây dựng chính sách đặc thù phát hiện và đầu tư các tài năng trẻ. Trong ảnh: Cán bộ giải quyết thủ tục cho dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM cũng cần đổi mới chính sách đãi ngộ đối với đảng viên, công chức, viên chức. Đây là điều kiện quan trọng nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; là điều kiện để đảng viên, công chức, viên chức yên tâm công tác và phấn đấu vì sự nghiệp, hạn chế những biểu hiện tiêu cực, tham ô, tham nhũng. Ngoài ra, trên cơ sở chính sách tiền lương tốt có thể áp dụng các thang đo đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành công việc; qua đó loại bỏ những người không đủ năng lực, phẩm chất ra khỏi hệ thống chính trị. Song song đó, cần tạo lập môi trường làm việc, điều kiện làm việc tốt hơn. Người đảng viên, công chức, viên chức có thể phát huy được năng lực, sở trường công tác hay không phụ thuộc rất lớn vào môi trường làm việc. Vì vậy cần xây dựng và hoàn thiện các thể quy định về môi trường làm việc, điều kiện làm việc.

Cần tiếp tục xây dựng chính sách đặc thù phát hiện và đầu tư các tài năng trẻ. Chú trọng các nguồn từ các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học… Các tài năng được phát hiện cần được tạo điều kiện, cơ chế riêng, có thể ký hợp đồng, chấp nhận những đầu tư mang tính đặc thù cho từng tài năng trong từng lĩnh vực.

Khắc phục hạn chế trong quy hoạch cán bộ

Để chính sách tuyển chọn nhân tài trở nên hiệu quả, TP.HCM cũng cần vượt qua được những hạn chế còn tồn tại. Đó là khó khăn về cơ chế, chế độ đãi ngộ. Khi chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn sẽ khó tuyển dụng, giữ chân được đảng viên, công chức, viên chức có năng lực cao trước những sự mời gọi từ bên ngoài.

TP.HCM cần khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch đảng viên, công chức, viên chức. Trong đó chú trọng về tính khoa học của công tác quy hoạch bảo đảm tạo nguồn phù hợp, điều quan trọng là phải tạo ra sự cạnh tranh công bằng; có như thế thì những người được quy hoạch phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện để được thừa nhận, từ đó hoàn thiện bản thân hơn. TP cũng cần thấy rõ những hạn chế trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ, những kỹ năng cần thiết cho từng công việc. Lâu nay, việc xác định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng vẫn thường được đánh giá qua bằng cấp, chứng chỉ đạt được, chưa có nhiều đo lường được lượng hóa.

Hoàn thiện thể chế trong Đảng về công tác cán bộ

Đảng cần xây dựng hệ thống thể chế quy định tiêu chuẩn, về đạo đức, các hành vi thực hành chuẩn mực đạo đức. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống các quy định về giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương người đứng đầu trong hệ thống chính trị.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các thể chế kiểm soát quyền lực và thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần khắc phục ngay tình trạng đảng viên, công chức, viên chức hạn chế về khả năng vận dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào các công việc. Hơn nữa, cần sớm hoàn thiện chính sách sử dụng đảng viên, công chức, viên chức; lấy tiêu chí phẩm chất, năng lực để bố trí, sử dụng cán bộ; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ như dựa trên yếu tố hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, bằng cấp, địa phương, vùng miền…

TP.HCM cần ưu tiên hoàn thiện chính sách đổi mới khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động thực tiễn. Để làm được điều đó cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho nền tảng khoa học, công nghệ; xây dựng chính sách, tổ chức đào tạo cho đảng viên, công chức, viên chức về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo.

TS HOÀNG VĂN TÚ, Học viện Cán bộ TP.HCM

THANH TUYỀN ghi

ĐỖ THIỆN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-dot-duoc-tim-kiem-trong-dung-nguoi-tai-post844783.html
Zalo