Đồng ý chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Chiều ngày 30/11, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 'Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam'.

Với tỷ lệ 92,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD.

Đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: QH

Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: QH

Đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đa số ý kiến các vị đại biểu về sự cần thiết đầu tư dự án.

Dự án đã được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong thời gian khá dài (khoảng 18 năm) và tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó đã phân tích, tính toán với kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực, vị thế Việt Nam hiện nay là điều kiện thích hợp để triển khai đầu tư dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH

Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, các yếu tố, điều kiện để triển khai dự án. Tuy nhiên, các tính toán tại bước nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ mang tính sơ bộ, do đó đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi dự án, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, rủi ro để có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi cho dự án.

Có ý kiến đề nghị bổ sung phạm vi dự án kéo dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau và phân kỳ thực hiện theo từng giai đoạn; đề nghị kết nối dự án vào tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ để bảo đảm đồng bộ.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển các tuyến đường sắt mới từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, gồm 03 đoạn tuyến: Lạng Sơn (Đồng Đăng) - Hà Nội; Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh; TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ để kết nối các vùng động lực, các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Do các đoạn tuyến đường sắt từ Lạng Sơn đến Cần Thơ có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật, loại hình đường sắt cũng khác nhau và được nghiên cứu đầu tư theo các dự án độc lập, phù hợp với nhu cầu vận tải của từng đoạn tuyến và khả năng huy động nguồn lực.

Trong đó, đoạn Lạng Sơn - Hà Nội, chiều dài 156 km là đường sắt tiêu chuẩn, đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, dự kiến đầu tư trước năm 2030; đoạn Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, chiều dài 1.541 km là đường sắt tốc độ cao, phấn đấu khởi công năm 2027; đoạn TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chiều dài 174 km là đường sắt tiêu chuẩn, đang chuẩn bị đầu tư, dự kiến triển khai đầu tư trước năm 2030.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-y-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-361746.html
Zalo