Dòng vốn đầu tư công nghệ từ Hàn Quốc, Đài Loan vào Việt Nam sẽ bùng nổ?

Vốn đầu tư công nghệ từ Đài Loan và Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng vọt nhờ các chính sách thuận lợi và nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao.

Ngân hàng HSBC vừa có bản phân tích khả năng dòng vốn đầu tư công nghệ từ Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

 Nhà máy của tập đoàn Foxconn (Đài Loan) có vốn đầu tư lớn nhất tại Bắc Giang Ảnh: Bắc Giang TV

Nhà máy của tập đoàn Foxconn (Đài Loan) có vốn đầu tư lớn nhất tại Bắc Giang Ảnh: Bắc Giang TV

Đáng chú ý, Đài Loan nổi tiếng là thị trường dẫn đầu thế giới về điện tử và chất bán dẫn, chiếm hơn 70% thị phần chip cao cấp. Các công ty Đài Loan sản xuất hơn 80% máy tính cá nhân và 90% máy chủ trên thế giới.

Cùng lúc đó, Việt Nam sở hữu ngành công nghiệp bán dẫn được dự đoán sẽ đạt giá trị 20-30 tỉ USD vào năm 2030, với tham vọng trở thành mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam đã bắt đầu hiện thực hóa khát vọng đó bằng cách ban hành các chính sách tập trung vào thu hút FDI chất lượng cao và tăng cường đào tạo. Việt Nam cũng sở hữu một lực lượng lao động trẻ dồi dào, có tay nghề cao. Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, thị trường tiêu thụ đang tăng trưởng, chi phí vận hành cạnh tranh, và trên hết là đã ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Còn theo bài đăng của Nikkei Asia mới đây, việc đáp ứng được nguồn nhân lực công nghệ dồi dào khi ngành bán dẫn thế giới thiếu hụt lao động có thể giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

Theo bài viết đăng tải ngày 14-8 trên báo Nikkei Asia, tập đoàn Alchip Technologies - nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan, đang đẩy mạnh cuộc săn tìm tài năng của Việt Nam để tham gia vào nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D) và hiện có kế hoạch thiết lập văn phòng đầu tiên của tập đoàn tại Việt Nam trong năm nay.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang chuyển mối quan tâm đến nguồn kỹ sư công nghệ của Việt Nam, bởi họ cần phải bù đắp cho tình trạng "chảy máu chất xám" ở trong nước, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người trẻ của Hàn Quốc đã ở lại "đầu quân" cho các công ty công nghệ của Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học tại nước này thay cho về Hàn Quốc làm việc.

Tại cuộc thảo luận gần đây giữa các lãnh đạo công ty công nghệ và Bộ trưởng Bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc, bà Oh Youngju, các CEO đã đề cập đến vấn đề trợ cấp cho R&D, kêu gọi một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo nhân viên nước ngoài và nới lỏng các quy định về thị thực để thu hút nhân tài nước ngoài. Quốc gia được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc thảo luận là Việt Nam.

Doanh nghiệp bán dẫn BOS Semiconductors hàng đầu của Hàn Quốc đã đầu tư vào TP.HCM từ năm 2022 và ban đầu chỉ là thiết lập một nhóm hỗ trợ. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc với hai nhóm nhân viên của Việt Nam và Hàn Quốc, lãnh đạo công ty đã quyết định phát triển nhóm hỗ trợ trên thành một lực lượng nhân sự hùng hậu hơn, nhờ chất lượng của đội ngũ kỹ sư Việt Nam mà họ tuyển dụng ban đầu.

Theo đánh giá từ Giám đốc quốc gia Lim Hyung Jun của BOS Semiconductors, ban lãnh đạo hãng đã nhận ra tiềm năng TP.HCM có thể trở thành một trung tâm R&D quan trọng và đó là điều mà họ không ngờ tới.

Công ty BOS chuyên thiết kế chip bán dẫn AI, cung cấp sản phẩm cho những tập đoàn có tiếng như Hyundai trong lĩnh vực sản xuất xe tự hành.

Theo ông Lim, việc đạt được mục tiêu thiết lập được một hệ thống trên chip (SoC) tại Việt Nam sẽ chứng minh được tiềm năng của thị trường nhân lực của quốc gia Đông Nam Á.

Việc đáp ứng được nguồn nhân lực công nghệ dồi dào trong bối cảnh ngành bán dẫn thế giới thiếu hụt lao động có thể giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Marvell mới đây đã công bố về mục tiêu tăng số kỹ sư công nghệ tại Việt Nam lên khoảng 500 người vào năm 2026, không chỉ cho các văn phòng ở TP.HCM mà còn cho văn phòng mới ở Đà Nẵng.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-von-dau-tu-cong-nghe-tu-han-quoc-dai-loan-vao-viet-nam-se-bung-no-post805319.html
Zalo