Điện gió ngoài khơi vẫn rất… xa bờ

Nối tiếp Tập đoàn năng lượng Orsted của Đan Mạch, Tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy cũng vừa hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi (ĐGNK) ở Việt Nam. Việc chậm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý khiến không ít nhà đầu tư từ bỏ kế hoạch dẫn đến việc phát triển ĐGNK vẫn còn rất xa.

(KTSG Online) – Nối tiếp Tập đoàn năng lượng Orsted của Đan Mạch, Tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy cũng vừa hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi (ĐGNK) ở Việt Nam. Việc chậm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý khiến không ít nhà đầu tư từ bỏ kế hoạch dẫn đến việc phát triển ĐGNK vẫn còn rất xa.

Suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, từ 2,5-3 tỉ đô la Mỹ cho 1.000 MW công suất. Ảnh minh họa: TL

Suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, từ 2,5-3 tỉ đô la Mỹ cho 1.000 MW công suất. Ảnh minh họa: TL

Nhà đầu tư ngoại chùn bước

Ông Magnus Frantzen Eidsvold, người phát ngôn của Equinor, cho biết tập đoàn đã quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng ở Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa văn phòng đại diện phụ trách phát triển các dự án ĐGNK ở nước ngoài, mảng kinh doanh đang được doanh nghiệp chú trọng. Trước đó, Equino đã rút khỏi hơn chục quốc gia, nơi tập đoàn này đầu tư vào các dự án dầu khí để tập trung vào năng lượng tái tạo và phát thải carbon thấp.

Người phát ngôn của Equinor không thông tin cụ thể về nguyên nhân khiến doanh nghiệp rời đi, chỉ cho biết quyết định rời khỏi Việt Nam sau khi xem xét danh mục tài sản năng lượng tái tạo. “Gần đây, ngành ĐGNK đang phải đối mặt với nhiều trở ngại và chúng tôi cần phải có kế hoạch tiếp cận hợp lý”, ông Eidsvold nói trên Reuters.

Trên trang web của tập đoàn, Equinor đánh giá Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở châu Á. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tiềm năng ĐGNK của Việt Nam khoảng 600 GW. Về triển vọng, nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.

Trước Equinor, vào năm ngoái, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch), doanh nghiệp phát triển điện gió lớn thế giới cũng tuyên bố dừng kế hoạch đầu tư ĐGNK ở Việt Nam do chính sách liên quan đến triển khai và mua điện bị chậm trễ và không rõ ràng.

Một số nhà đầu tư khác cũng nêu ra hàng loạt khó khăn để tham gia phát triển các dự án này. Đó là thiếu hành lang pháp lý, các quy định về đầu tư chưa đề cập rõ cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án loại này. Các quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển – gió cũng chưa có…

Mục tiêu khó thành hiện thực

Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 6.000 MW ĐGNK vào 2030 và tăng lên 70.000-91.500 MW vào 2050 nhưng cho đến hiện tại, cả nước vẫn chưa có dự án ĐGNK nào được giao cho nhà đầu tư thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thu hút được nguồn lực từ nước ngoài và triển khai ngay từ bây giờ thì khó có thể đạt mục tiêu.

Để thu hút được nguồn đầu tư này, ngoài việc cung cấp đủ dữ liệu kỹ thuật cho nhà đầu tư, cơ quan chức năng cũng cần thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư vì suất đầu tư cho ĐGNK là rất lớn, từ 2,5-3 tỉ đô la Mỹ cho 1.000 MW công suất và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát.

Một chuyên gia cho biết, việc chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, từng địa phương cũng như tổng thể toàn quốc và hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển đã khiến nhà đầu tư chùn chân. Chưa kể, hành lang pháp lý cho để phát triển các dự án trong lĩnh vực này cũng chưa được hoàn thiện.

Lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cho biết nếu điều kiện chính sách pháp luật chặt chẽ, đầy đủ thì nhà đầu tư cũng phải mất đến tám năm mới có thể triển khai một dự án. Thế nhưng, hiện tại pháp luật hầu như chưa có quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động thực hiện, triển khai các dự án ĐGNK. Việc thực hiện dự án liên quan đến quy định của nhiều bộ luật liên quan.

Theo Bộ Công thương, hiện chưa rõ thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư với dự án ĐGNK thuộc Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay UBND địa phương. Quy định cụ thể về điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài áp dụng cho dự án ĐGNK cũng chưa có. Ngoài ra, còn rất nhiều điều khoản được cơ quan này liệt kê, cho rằng “cần làm rõ” với mục tiêu triển khai được dự án ĐGNK.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để có cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp, phòng ngừa các rủi ro về sau, Việt Nam cần xây dựng hệ thống chính sách pháp luật riêng cho ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là với lĩnh vực ĐGNK vì đây là một lĩnh vực đặc thù. Trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để thực hiện thí điểm các dự án ở giai đoạn đầu nhằm tạo nên một thị trường đồng bộ, hoàn chỉnh về sau.

Gần đây, Bộ Công thương đã xây dựng Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển ĐGNK phục vụ nhu cầu điện trong nước, trong đó có đề xuất, ở thời gian đầu, tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ thực hiện thí điểm đầu tư dự án ĐGNK thay vì nhà đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân. Cụ thể, có ba phương án lựa chọn nhà đầu tư. Phương án 1 là giao PVN thực hiện dự án vì tập đoàn này có nhiều lợi thế về cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí. Phương án 2 là giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và phương án 3 là giao cho đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Hiện tại, PVN đã bắt đầu có những chuyển động để đón bắt các cơ hội trong lĩnh vực mới. Trong đó, PTSC – một thành viên PVN cũng đã trúng thầu các dự án xuất khẩu cho việc cung cấp hầu hết các công đoạn dịch vụ về ĐGNK như công tác khảo sát, thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, vận hành.

Tuy đã có một số chuyển động nhưng nhiều ý kiến cho rằng, còn cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể có được 1000 MW dự án ĐGNK và sẽ rất khó đạt được mục tiêu mà Quy hoạch điện 8 đặt ra đến năm 2030. Vì vậy, Chính phủ cần sớm xây dựng lộ trình phát triển; các cơ chế, chính sách cụ thể để có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo niềm tin để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dien-gio-ngoai-khoi-van-rat-xa-bo/
Zalo