Đồng USD nối dài đà giảm giá, triển vọng kém khả quan
Đồng đôla Mỹ (USD) tiếp tục suy giảm trong sáng thứ Tư (21/5), kéo dài đà trượt giá trong hai ngày so với các đồng tiền chủ chốt khác, khi các nhà đầu tư thận trọng trước dự luật thuế của ông Trump và cảnh giác với việc các quan chức Mỹ có khả năng tìm cách làm cho đồng USD yếu hơn tại các cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính G7đang diễn ra tại Canada.

Chính sách thuế quan thất thường của chính quyền ông Trump đã khiến thị trường tài chính toàn cấu biến động mạnh trong thời gian gần đây, trong đó các tài sản của Mỹ, bao gồm cả đồng USD - vốn được xem là đồng tài sản an toàn và đồng tiền dự trữ số một của thế giới - cũng chịu áp lực bán mạnh.
Vừa lấy lại được phần nào giá trị đã mất trong thời gian gần đây sau khi Mỹ và Trung Quốc tạm thời hoãn lại cuộc chiến thuế quan, đồng bạc xanh lại tiếp tục bị bán ra sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s hạ bậc tín nhiệm quốc gia đối với Mỹ do lo ngại sức khỏe tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích, việc Moody's hạ xếp hạng nợ có chủ quyền của Mỹ có thể chỉ có tác động hạn chế đến thị trường, nhưng nó đã làm tăng thêm câu chuyện về việc ít tin tưởng hơn vào tài sản của Mỹ như nơi trú ẩn an toàn.
Nỗi lo ngài càng gia tăng khi một dự luật thuế dự kiến sẽ được bỏ phiếu vào cuối tuần này tại Quốc hội, mà theo ước tính của các nhà kinh tế, dự luật thuế này có thể làm tăng thêm khoảng 3 nghìn tỷ đến 5 nghìn tỷ USD vào khoản nợ 36,2 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang Mỹ.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với các đồng minh thân cận là Nhật và hàn Quốc dường như đã mất đà gần đây.
Theo các nhà phân tích, nợ tài chính tăng vọt, căng thẳng thương mại và sự suy yếu lòng tin đã gây áp lực lên tài sản của Mỹ, và chủ đề “bán tài sản Mỹ” tiếp tục ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư, mặc dù theo cách ít kịch tính hơn so với đầu tháng này.
Hệ quả là đồng USD tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt trong sáng thứ Tư. Theo đó đồng bạc xanh đã giảm 0,33% so với đồng tiền chung xuống mức 1,1317 USD/EUR; giảm 0,22% so với bảng Anh xuống mức 1,3422 USD/GBP.
Ngược chiều với đồng USD, các đồng tiền an toàn như franc Thụy Sĩ tăng giá mạnh khi đồng nội tệ của Thụy Sĩ đã tăng 0,6% so với đồng USD lên 0,8233 CHF/USD. Ngay cả yên Nhật cũng tăng 0,38% lên 143,95 JPY/USD bất chấp việc lợi suất trái phiếu siêu dài hạn của Nhật tăng mạnh trong ngày thứu Ba.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết trước cuộc họp dự kiến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent rằng, các cuộc đàm phán về tỷ giá hối đoái sẽ dựa trên quan điểm chung của họ rằng biến động tiền tệ quá mức là không mong muốn.
Đồng đôla Úc cũng tăng 0,37% lên 1,5511 AUD/USD; đôla Canada tăng 0,18% lên 1,3895 CAD/USD.
Hiện chỉ số USD Index – Thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 0,5% về quanh mức 99,62, nới rộng mức giảm trong hai ngày lên gần 1,5%.
Theo các nhà phân tích, đồng USD vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực. Hiện các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát diễn biến dự luật thuế toàn diện của ông Trump dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ vào cuối tuần này.
Thêm vào đó, trong các phát biểu hôm thứ Ba, các quan chức của Fed tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về tác động của các chính sách thương mại của chính quyền Trump đối với nền kinh tế. Thông điệp chung của họ là Fed nên kiên quyết chờ đợi và xem xét.
Mặc dù cho rằng, “vẫn còn mức độ tin tưởng cao, có thể là sự tự mãn, rằng các thỏa thuận sẽ được ký kết, thuế quan sẽ giảm xuống và các lệnh tạm dừng với các quốc gia như Trung Quốc sẽ trở thành chính sách lâu dài”; song Kyle Rodda - Nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com cũng cảnh báo: “Để động lực tiếp tục, cần có tin tức mới để thị trường tiếp tục leo lên bức tường lo lắng theo nghĩa bóng”.
Trong khi các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết trong một lưu ý nghiên cứu rằng “mức thuế quan hiện đã thấp hơn, nhưng không thấp, và điều tương tự cũng có thể nói về rủi ro suy thoái ở Mỹ”.
“Nhưng khi rủi ro suy thoái đã giảm xuống, rủi ro từ lãi suất cao hơn đang gia tăng”, các nhà phân tích cho biết và nói thêm: “Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt với sự kết hợp tăng trưởng - lạm phát tồi tệ nhất trong các nền kinh tế lớn và khi dự luật tài chính được Quốc hội thông qua, việc làm xói mòn chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ đang chứng minh - theo nghĩa đen - là tốn kém vào thời điểm nhu cầu tài trợ lớn”.
“Điều này mở ra nhiều con đường hơn cho đồng USD yếu hơn và đường cong trái phiếu kho bạc Mỹ dốc hơn”, các nhà phân tích nhận định.