Đồng Tháp đưa 'đàn chim cao nhất biết bay' quý hiếm từ Thái Lan về Tràm Chim

UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ đưa sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng từ Thái Lan trở về Tràm Chim để bảo tồn.

Ngày 12/12, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”.

Sếu đầu đỏ với dáng vẻ kiêu hãnh, chiều cao đến 1,8m và có màu đỏ đặc trưng trên đầu - được coi là biểu tượng của hòa bình, may mắn, và sự phát triển bền vững. Đây là loài chim cao nhất biết bay, hiện được xếp vào danh mục các loài dễ bị tổn thương.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ, Đồng Tháp từ lâu đã là nơi sinh sống quen thuộc của sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm trên thế giới. Có năm hàng nghìn con sếu di cư về Tràm Chim để sinh sống.

Đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Hùng

Đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Hùng

Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam; nơi đây là hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa, có tính đa dạng sinh học rất cao.

Do tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn và nhiều nguyên nhân làm cho hệ sinh thái Tràm Chim bị thay đổi, nhiều loài động, thực vật bị suy thoái, trong đó có quần xã năng kim (thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ) bị thu hẹp dần, thành phần loài thủy sản cũng bị suy giảm về số lượng, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sinh sống của loài chim quý hiếm.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu. Ảnh: H.T

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu. Ảnh: H.T

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đề án bảo tồn đàn sếu, dự kiến triển khai trong 10 năm, có khoảng 100 con sếu được nuôi, thả ra và 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.

Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2028, Đồng Tháp tiếp nhận được 30 con sếu (6 tháng tuổi) từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên.

Giai đoạn 2029 - 2032, tỉnh tiếp tục đàm phán với Thái Lan tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu (từ 6 tháng tuổi), dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu.

UBND tỉnh đánh giá, đề án sếu đầu đỏ sẽ giúp người dân và bạn bè gần xa, khi đến với Đồng Tháp có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của sếu đầu đỏ, để mọi người càng yêu quý hơn loài chim này.

Hoài Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-thap-dua-100-con-chim-cao-nhat-biet-bay-quy-hiem-tu-thai-lan-ve-tram-chim-2351536.html
Zalo