Động thái mới trong quan hệ địa chính trị giữa Ấn Độ và Taliban

Các nhà phân tích nhận định cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri và quyền Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi tại Dubai vào tuần trước là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ấn Độ dang muốn củng cố ảnh hưởng đối với Taliban và tình hình Afghanistan.

Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri (trái) và quyền Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi trong cuộc gặp tại Dubai. Ảnh: X

Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri (trái) và quyền Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi trong cuộc gặp tại Dubai. Ảnh: X

Theo kênh Al Jazeera, trong suốt năm qua, Ấn Độ đã từng bước gia tăng mối quan hệ với phong trào Taliban, nhưng cuộc họp hôm 8/1 là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên theo hình thức này.

Trong 20 năm qua, Ấn Độ đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào công tác viện trợ và tái thiết tại Afghanistan. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đề cập đến các vấn đề thường xuyên được bàn luận - bao gồm phát triển khu vực, hợp tác thương mại, nhân đạo, cùng các thỏa thuận nối lại các dự án phát triển và hỗ trợ trong các lĩnh vực y tế và người tị nạn ở Afghanistan.

Trước đó, vào năm 2022, Ấn Độ cũng đã cử một nhóm nhỏ để mở lại một phần đại sứ quán tại Kabul.

Chuyển hướng chiến lược?

Các nhà quan sát cho rằng các sự kiện gần đây có thể đánh dấu mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa New Delhi và Kabul. Tuy nhiên, ông Kabir Taneja, Phó giám đốc của Observer Research Foundation, cho rằng động thái này không hẳn là thay đổi chiến lược lớn như nhiều người nghĩ. Theo ông, đây chỉ là bước tiến tự nhiên trong chính sách thận trọng và dài hạn của Ấn Độ đối với Taliban kể từ khi nhóm này lên nắm quyền vào năm 2021. “Taliban là một thực tế và việc phớt lờ Afghanistan không phải là một lựa chọn”, ông nói.

Phó giáo sư Raghav Sharma tại Trường Quan hệ Quốc tế Jindal tại New Delhi cũng đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng cuộc gặp này chỉ là sự tiếp nối các chính sách trước đó của Ấn Độ, nhưng chưa phải là một động thái mạnh mẽ. “Ấn Độ vẫn đang ở bên lề trong mối quan hệ ngoại giao với Taliban”, ông nói thêm.

Nhân viên an ninh Taliban gác tại khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan ở Torkham, ngày 15/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên an ninh Taliban gác tại khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan ở Torkham, ngày 15/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Dẫn nghiên cứu của Viện Washington phân tích mối quan hệ quốc tế với Taliban, Giáo sư Sharma cho rằng các quốc gia bao gồm Qatar, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Taliban, còn Pakistan đứng thứ 5 về mặt ảnh hưởng.

“Ấn Độ thậm chí còn không có trong danh sách này. Trong một thời gian dài, Ấn Độ luôn nhấn mạnh Afghanistan là quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và hai nước đã có mối quan hệ lịch sử. Nhưng sau khi chính quyền cộng hòa sụp đổ, mối quan hệ của Ấn Độ với Afghanistan đã tạm ‘đóng băng’, chỉ giải quyết khi cần thiết, trên cơ sở tạm thời”, ông Sharma nói.

Khả năng cấp thị thực cho người Afghanistan

Một trong những động thái tiềm năng có thể xuất hiện là việc Ấn Độ khởi động lại các chương trình cấp thị thực cho người Afghanistan, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, du lịch y tế và giáo dục. Chuyên gia Taneja nhận định rằng đây là bước đi quan trọng để cải thiện quan hệ, giúp hàng nghìn công dân Afghanistan có thể tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế mà Ấn Độ cung cấp.

Ông Taneja cho biết: “Đã đến lúc New Delhi cần phải hành động. Điều này sẽ mang lại sự an tâm cho nhiều công dân Afghanistan, những người đã coi Ấn Độ là lựa chọn hàng đầu để nâng cao trình độ học vấn và tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế”.

Ấn Độ đã bị chỉ trích vì đình chỉ thị thực Afghanistan, bao gồm thị thực y tế và thị thực sinh viên, sau khi Taliban tiếp quản vào năm 2021. Ấn Độ đã cấp rất ít thị thực cho người Afghanistan kể từ đó.

Tuy nhiên, ông Sharma lại cho rằng khả năng này không cao vì lo ngại về vấn đề an ninh. Ông nói: “Thực tế, Taliban chỉ là một phong trào tư tưởng, và sự trỗi dậy nắm quyền trở lại của họ đã dẫn đến gia tăng chủ nghĩa cực đoan, đây sẽ là một thách thức”.

Quyền Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi. Ảnh: THX/TTXVN

Quyền Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù Ấn Độ vẫn duy trì hiện diện ở Afghanistan và là một trong những quốc gia đầu tiên cử phái đoàn ngoại giao sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2001, nhưng cho đến nay, chính sách của Ấn Độ đối với Afghanistan vẫn thiếu thống nhất. Ông Sharma cho rằng Ấn Độ vẫn chưa thực sự hiểu được cách thức hoạt động của các thiết chế chính trị xã hội ở Afghanistan, điều này khiến quốc gia này khó đạt được mục tiêu lâu dài.

Chuyên gia Taneja cũng cảnh báo rằng tình hình chính trị tại Afghanistan rất bất ổn và thay đổi nhanh chóng, vì vậy Ấn Độ cần thận trọng trong việc đặt hy vọng vào chính quyền Taliban.

Trong khi đó, các bên liên quan trong khu vực đang đánh giá tác động của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đối với Taliban.

“Afghanistan hiện không còn là trọng tâm trong chính trị tại Washington. Mặc dù quốc gia này vẫn quan trọng trong vấn đề an ninh, nhưng điều đó sẽ không thể thay thế các vấn đề cấp bách hơn như Gaza, Iran và Ukraine”, chuyên gia Taneja nhận xét.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dong-thai-moi-trong-quan-he-dia-chinh-tri-giua-an-do-va-taliban-20250113112041352.htm
Zalo