Động thái của Serbia trong bối cảnh EU lên kế hoạch 'đoạn tuyệt' khí đốt Nga

Serbia, một quốc gia ứng cử viên đang chờ gia nhập EU, vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga và đang tìm kiếm một thỏa thuận năng lượng dài hạn mới với Moscow.

Serbia, quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Nga về năng lượng, đang chạy đua với thời gian để đạt được một thỏa thuận khí đốt mới với thời gian hiệu lực dài hơn với Moscow trước khi hợp đồng hiện tại hết hạn.

Serbia đặt mục tiêu ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên trong 10 năm với gã khổng lồ Gazprom của Nga, ông Dusan Bajatovic, CEO của công ty nhập khẩu và phân phối khí đốt nhà nước Srbijagas, cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông địa phương, ông Bajatovic cho biết hai bên vẫn đang trong quá trình đàm phán và chưa đi đến bước cuối cùng vì Serbia muốn giành được một thỏa thuận tốt hơn, trong khi có tính đến vấn đề lợi ích của cả Moscow và Belgrade nếu Liên minh châu Âu (EU) ngừng nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027.

Các cuộc thảo luận đã bắt đầu vào đầu tháng này khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đến Moscow để dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào ngày 9/5. Trong chuyến thăm, ông Vucic đã có các cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bao gồm các cuộc đàm phán sơ bộ về giá khí đốt.

Serbia vẫn phụ thuộc phần lớn vào khí đốt nhập khẩu từ Nga được cung cấp qua đường ống TurkStream và cơ sở hạ tầng đường ống trên bờ ở Bulgaria. Đây cũng là quốc gia trung chuyển quan trọng cho dòng khí đốt Nga chảy đến Hungary. Ảnh: Gazprom

Serbia vẫn phụ thuộc phần lớn vào khí đốt nhập khẩu từ Nga được cung cấp qua đường ống TurkStream và cơ sở hạ tầng đường ống trên bờ ở Bulgaria. Đây cũng là quốc gia trung chuyển quan trọng cho dòng khí đốt Nga chảy đến Hungary. Ảnh: Gazprom

"Phần đầu tiên của các cuộc đàm phán là những hiểu biết chung, chúng tôi hiểu ai muốn gì… Chúng tôi chắc chắn sẽ không gặp vấn đề gì về số lượng khí đốt; vấn đề duy nhất là thời hạn hợp đồng", ông Bajatovic cho biết.

"Chúng tôi sẽ có công suất 2,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, chúng tôi đã đạt được mức giá tốt, nhưng hiện tại tôi không chắc chắn nó sẽ lên tới bao nhiêu theo công thức dầu mỏ. Chúng tôi chưa kết thúc đàm phán vì chúng tôi đang tìm kiếm một thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm", vị CEO nói.

Ông hy vọng rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được trước khi hợp đồng khí đốt hiện tại giữa hai bên hết hạn vào ngày 31/5.

Tuy nhiên, ngay cả khi thời hạn trên trôi qua mà không có thỏa thuận mới nào được ký kết, Serbia cũng không cần quá lo lắng về nguồn cung khí đốt.

Tổng thống Vucic cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Moscow rằng, nếu một hợp đồng mới với Gazprom không được ký kết trước ngày 31/5, khi thỏa thuận 3 năm hiện tại về việc cung cấp 2,2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm hết hạn, Serbia sẽ tiếp tục nhận khí đốt Nga theo các điều khoản hiện tại cho đến khi đạt được thỏa thuận mới.

Serbia, một đồng minh lâu năm của Nga và một quốc gia ứng cử viên đang chờ gia nhập EU, đã tăng cường nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình – đảm bảo nguồn cung thay thế, bao gồm cả từ Azerbaijan – nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga.

Hiện tại, quốc gia vùng Balkan này phải trả 275 USD cho 1.000 m3 khí đốt, một con số thấp hơn đáng kể so với giá trên thị trường châu Âu. Nhưng bản chất dài hạn của thỏa thuận đang được đàm phán làm dấy lên lo ngại về sự xung đột giữa an ninh năng lượng của Serbia và mối quan hệ với Brussels.

EU đã công bố kế hoạch loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027 để phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine. Một thỏa thuận dài hạn với Moscow có thể khiến Serbia phải đối mặt với các rủi ro pháp lý và chính trị, bao gồm các lệnh trừng phạt tiềm tàng từ EU và Mỹ.

Công ty dầu mỏ duy nhất của Serbia là NIS, do Gazprom và công ty con Gazprom Neft sở hữu phần lớn, đã phải đối mặt với mối đe dọa về các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Washington. Việc duy trì một thỏa thuận khí đốt song phương trực tiếp với Nga có thể làm sâu sắc thêm những điểm yếu đó.

Ông Bajatovic đã thừa nhận những rủi ro này nhưng vẫn thận trọng lạc quan. "Có một câu hỏi rất quan trọng. Châu Âu muốn cấm khí đốt của Nga vào năm 2027, nhưng có thể sẽ có một thỏa thuận mới giữa người Nga và người Mỹ", ông nói, cho rằng những thay đổi về địa chính trị có thể làm thay đổi các lựa chọn năng lượng của Serbia.

Khí đốt Nga đã được cung cấp cho Serbia thông qua đường ống TurkStream qua Biển Đen và cơ sở hạ tầng đường ống trên bờ ở Bulgaria kể từ năm 2021. Nga đã cung cấp khoảng 3 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho Serbia vào năm ngoái. Đây cũng là quốc gia trung chuyển quan trọng cho dòng khí đốt Nga chảy đến Hungary.

Minh Đức (Theo bne IntelliNews, SeeNews)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dong-thai-cua-serbia-trong-boi-canh-eu-len-ke-hoach-doan-tuyet-khi-dot-nga-204250520190545758.htm
Zalo