Động thái của ông Trump sau khi Nam Phi tuyên bố 'sẽ không bị bắt nạt'
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/2 ký sắc lệnh hành pháp đóng băng viện trợ của Mỹ dành cho Nam Phi, vài ngày sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đưa ra tuyên bố cứng rắn.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_296_51428583/1415799c43d2aa8cf3c3.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời họp báo ở Nhà Trắng hôm 7/2/2025. Ảnh: Reuters.
Theo Reuters, Mỹ dừng viện trợ cho Nam Phi do bất đồng với chính sách đất đai và vụ kiện chống lại Israel của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Dữ liệu mới nhất của chính phủ Mỹ cho thấy Washington viện trợ cho Nam Phi với tổng trị giá gần 440 triệu USD trong năm 2023.
Sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp, Nhà Trắng nói Washington sẽ xây dựng kế hoạch tái định cư những người nông dân da trắng Nam Phi và gia đình họ, coi những người này là người tị nạn.
Trước mắt, Mỹ sẽ thực hiện các bước để ưu tiên cứu trợ nhân đạo, bao gồm tiếp nhận và tái định cư thông qua Chương trình tiếp nhận người tị nạn của Mỹ dành cho người Afrikaner ở Nam Phi. Người Afrikaner là hậu duệ da trắng của những người Hà Lan và Pháp đã đến Nam Phi vào những năm 1650.
"Nam Phi đang tịch thu đất đai một số tầng lớp người dân bị đối xử rất tệ”, ông Trump cho biết. Tỷ phú gốc Nam Phi Elon Musk, bạn thân của ông Trump, từng nói người da trắng Nam Phi đang là nạn nhân của "luật sở hữu phân biệt chủng tộc".
"Đạo luật đó sẽ cho phép chính phủ Nam Phi tịch thu tài sản nông nghiệp của người Afrikaner thiểu số mà không cần bồi thường", ông Trump nói trong sắc lệnh đóng băng viện trợ đối với Nam Phi.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ký phê chuẩn đạo luật vào tháng trước nhằm mục đích tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nhà nước trong việc tịch thu đất đai vì lợi ích cộng đồng. Ông Ramaphosa nói chính phủ chưa tịch thu bất kỳ đất đai nào và chính sách này nhằm mục đích cân bằng sự chênh lệch về chủng tộc trong quyền sở hữu đất đai tại quốc gia có đa số người da đen.
Hôm 6/2, ông Ramaphosa đưa ra tuyên bố cứng rắn, cho biết Nam Phi "sẽ không bị bắt nạt" trước sức ép của Mỹ. Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, sự theo đuổi lợi ích hẹp hòi... Nhưng chúng ta không bị khuất phục. Chúng ta là một dân tộc kiên cường. Chúng ta sẽ không bị bắt nạt. Chúng ta sẽ đoàn kết với tư cách là một quốc gia thống nhất và chúng ta sẽ lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và nền dân chủ theo hiến pháp ", ông Ramaphosa nói.
Ngoài bất đồng với chính sách của Nam Phi, Mỹ cũng không hài lòng khi Nam Phi kiện Israel ra Tòa Công lý Quốc tế với cáo buộc diệt chủng ở Dải Gaza. Nhà Trắng coi vụ kiện là minh chứng cho thấy Nam Phi có lập trường chống Mỹ và đồng minh.