Động thái của Mỹ và phương Tây trước nguy cơ mất ảnh hưởng ở Syria

Mỹ và châu Âu từng đưa các nhóm đối lập ở Syria vào danh sách khủng bố. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi khi các lực lượng này kiểm soát Syria sau cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Hai lựa chọn của Mỹ và châu Âu

Mỹ và các nước châu Âu đang đứng trước 2 lựa chọn ở Syria: hợp tác với nhóm Hồi giáo mà từ lâu họ vẫn coi là khủng bố hoặc có nguy cơ mất ảnh hưởng tại Syria vào tay các nước khác như Nga hay Iran.

Đó cũng là câu hỏi từng được đặt ra khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan năm 2021.

Thủ lĩnh phe đối lập Syria Abu Mohammed al-Golani phát biểu trước đám đông tại Nhà thờ Ummayad ở Damascus, sau khi tuyên bố lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, ngày 8/12/2024. Ảnh: Reuters

Thủ lĩnh phe đối lập Syria Abu Mohammed al-Golani phát biểu trước đám đông tại Nhà thờ Ummayad ở Damascus, sau khi tuyên bố lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, ngày 8/12/2024. Ảnh: Reuters

Tuần trước, các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu đã có những bước đi đầu tiên tới Damascus. Mục đích của họ là đánh giá xem liệu họ có thể tin tưởng vào chính phủ chuyển tiếp mới nổi do Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo Sunni lãnh đạo liên minh các nhóm nổi dậy lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, hay không.

HTS ban đầu được thành lập như một nhánh của al Qaeda, và thủ lĩnh của nhóm này, Ahmed al-Sharaa trước đây là một chiến binh thánh chiến chống Mỹ ở Iraq, từng ngồi tù 5 năm trong một nhà tù do Mỹ điều hành tại Iraq. Ông Sharaa đã từ bỏ chủ nghĩa cực đoan nhiều năm trước, đồng thời cam kết tôn trọng sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo của Syria.

Các nước phương Tây vẫn đang cảnh giác. Trước khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với HTS và Syria, họ muốn tìm kiếm cam kết xử lý vũ khí hóa học còn sót lại từ chính quyền Assad, bảo vệ phụ nữ và các nhóm thiểu số, chống lại các nhóm cực đoan như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể tận dụng cơ hội nổi lên trong khoảng trống quyền lực ở Syria.

Các nước phương Tây muốn đưa hàng triệu người tị nạn Syria đã chạy khỏi chiến tranh trở về nước. Họ cũng không muốn chính phủ mới của Syria rơi vào vòng ảnh hưởng của các nước khác có lợi ích ở đó như Nga và Iran.

“Phương Tây đang nhanh chóng đi đến kết luận rằng họ phải hợp tác với HTS mặc dù HTS vẫn đang bị họ liệt vào danh sách khủng bố”, Julien Barnes-Dacey, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận định.

Quan chức cấp cao phụ trách vấn đề Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ, Barbara Leaf, và đặc phái viên của tổng thống về vấn đề con tin, Roger Carstens đã gặp ông Sharaa tại Damascus hôm 20/12. Đây là chuyến đi đầu tiên của các nhà ngoại giao Mỹ tới Syria sau 10 năm. Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Syria từ năm 2012, một năm sau khi nội chiến bùng phát ở nước này.

Sau cuộc gặp, bà Leaf cho biết, ông Sharaa cam kết ngăn chặn các nhóm khủng bố gây ra mối đe dọa cho Syria hoặc Mỹ và các đối tác khu vực của Washington. Với cam kết này, Mỹ đã quyết định hủy bỏ khoản tiền thưởng 10 triệu USD đưa ra cách đây vài năm cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ ông Sharaa.

Bà Leaf cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham vấn rộng rãi trong quá trình chuyển tiếp sang một chính phủ mới bao trùm với sự tham gia của cả phụ nữ cũng như các cộng đồng dân tộc và tôn giáo đa dạng của Syria. Bà mô tả cuộc thảo luận với ông Sharaa là “khá tốt, rất hiệu quả, chi tiết” và ông Sharaa cũng rất thực tế.

“Chúng tôi sẽ đánh giá bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói”, bà Leaf cho biết thêm.

Trước cuộc gặp, ông Richard Grenell, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm làm đặc phái viên cho các nhiệm vụ đặc biệt vào tuần trước, đã chỉ trích chuyến đi, nói rằng chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden nên đứng sang một bên và phối hợp với tổng thống mới.

Lời nhắc nhở về Taliban

Không chỉ các nhà ngoại giao Mỹ, giới chức Anh, Pháp và Đức cũng đã đến Damascus trong tuần trước. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết HTS khẳng định họ đang cố gắng đẩy ảnh hưởng của Iran ra khỏi Syria và đang tìm cách xây dựng lại các thể chế nhà nước hiện có với sự giúp đỡ của người Syria ở nước ngoài, thay vì thay thế hoàn toàn.

Các quan chức Anh cho biết, họ nhận thấy phe nổi dậy trước đây muốn cải cách và không muốn điều hành một nhà nước chuyên chế, nhưng London vẫn lo lắng về việc liệu HTS có thực sự làm như những gì họ nói hay không.

HTS đối mặt với thách thức lớn phía trước và sẽ cần sự hỗ trợ và tài trợ quốc tế để xây dựng lại đất nước và chính phủ, khởi động lại nền kinh tế và tái định cư hàng triệu người tị nạn. Nhóm này, vốn có liên kết rộng rãi với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đang đàm phán với Nga về các căn cứ quân sự quan trọng của Moscow trên bờ biển Địa Trung Hải ở Syria.

Syria có chung đường biên giới bất ổn với Israel, quốc gia đã triển khai lực lượng trên lãnh thổ Syria và phá hủy phần lớn tài sản quân sự của Damascus trong chiến dịch ném bom ngay sau khi chính quyền Assad sụp đổ.

Một trong những nhiệm vụ lớn nhất đối với các nước phương Tây là đánh giá xem liệu có nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt được áp dụng sau khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu bùng phát vào năm 2011 và đưa HTS ra khỏi danh sách khủng bố hay không.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ đã liên lạc trực tiếp với HTS kể từ khi nhóm này nắm quyền. Ông đã thúc giục HTS thành lập một chính phủ ôn hòa, bao trùm và phi giáo phái. Ông cũng nhắc nhở họ rằng Taliban không được công nhận vì đã áp đặt lại luật lệ Hồi giáo nghiêm ngặt ở Afghanistan khi lên nắm quyền năm 2021.

“Nếu họ không muốn bị cô lập, có một số điều họ nhất định phải làm”, ông Blinken nhấn mạnh.

Mặc dù HTS cam kết bảo vệ các nhóm thiểu số ở Syria, nhưng một số nhóm vẫn bày tỏ sự lo lắng về cuộc sống dưới sự cầm quyền của một nhóm Hồi giáo.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài ngay sau khi chiếm được thủ đô Damascus, ông Sharaa nói rằng, chính quyền mới có kế hoạch bắt đầu quá trình tái thiết, hòa giải và sửa đổi hiến pháp cũng như các thể chế của đất nước. Ông nhấn mạnh, quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và kêu gọi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đưa HTS khỏi danh sách khủng bố để chính phủ mới có thể tiếp cận nhiều nguồn quỹ hơn để tái thiết Syria.

“Còn quá sớm để nói liệu giới lãnh đạo mới ở có thể thực hiện được những gì họ đã hứa hay không”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm 19/12.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo WSJ

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dong-thai-cua-my-va-phuong-tay-truoc-nguy-co-mat-anh-huong-o-syria-post1143811.vov
Zalo