Tổng thống đắc cử Trump đe dọa giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama
Ngày 22/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama với lý do Panama đang thu phí sử dụng kênh đào quá cao.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại Arizona, ông Trump cảnh báo về khả năng Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lên kênh đào Panama.
“Kênh đào Panama được trao cho nhà nước và nhân dân Panama nhưng đó chỉ là để cho thuê. Về nguyên tắc, cả về đạo lý và pháp lý, động thái hào phóng này đã không được tôn trọng tương xứng. Chính vì thế, chúng tôi yêu cầu kênh đào Panama phải được trao trả lại cho Mỹ đầy đủ, nhanh chóng”, ông Trump nêu rõ.
Sau buổi lễ, ông Trump thậm chí còn đăng tải trên mạng xã hội Truth hình ảnh quốc kỳ Mỹ bay trên một đoạn đường biển hẹp với dòng bình luận: “Chào mừng đến với kênh đào Mỹ!”.
Tuyên bố của ông Trump được coi là trường hợp vô cùng hiếm hoi một lãnh đạo nước Mỹ công khai khẳng định sẽ gây áp lực để một quốc gia có chủ quyền phải chuyển giao lãnh thổ cho Mỹ.
Đồng thời, tuyên bố này cũng cho thấy sự thay đổi về chính sách ngoại giao của Mỹ khi ông Trump quay trở lại nắm quyền bởi trong quá khứ ông Trump không hề ngần ngại khi đe dọa các đồng minh và sử dụng những lời lẽ hung hăng ngay cả với các đối tác.
Đáp lại, Tổng thống Panama José Rául Mulino tuyên bố độc lập và chủ quyền của Panama không thể đàm phán. Cũng theo ông Mulino, phí tàu thuyền đi qua kênh đào Panama là không hề quá cao và không được áp đặt “một cách tùy tiện”.
Ông Mulino đồng thời khẳng định Trung Quốc không hề có tác động gì đến quyền quản lý kênh đào Panama. Dù trên thực tế một công ty con của tập đoàn CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong từ lâu đã quản lý 2 cảng nằm ở tuyến đường ra vào kênh đào tại khu vực Caribbean và Thái Bình Dương.
“Mỗi mét vuông đất trên kênh đào Panama và khu vực xung quanh đều thuộc chủ quyền của Panama và vẫn sẽ thuộc về Panama”, ông Mulino đăng tải trên tài khoản X nêu rõ.
“Chúng ta hãy chờ xem”, ông Trump đáp lại.
Hiện vẫn chưa rõ ông Trump sẽ làm cách nào để giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và liệu ông có tìm cách thay đổi luật pháp quốc tế trong trường hợp này hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump công khai việc cân nhắc đòi lại lãnh thổ.
Trong những tuần gần đây, ông Trump nhiều lần đề cập đến việc đưa Canada trở lại làm lãnh thổ của Mỹ dù không rõ ông có thực sự nghiêm túc trong vấn đề này hay không.
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống từ năm 2017-2021, ông Trump từng bày tỏ mong muốn mua lại đảo Greenland song đã vấp phải sự phản đối công khai từ chính quyền Đan Mạch.
Mỗi năm có khoảng 14.000 tàu thuyền qua lại kênh đào Panama, tương đương 2,5% giao thương hàng hải toàn cầu. Đây cũng là tuyến vận tải biển vô cùng quan trọng đối với việc nhập khẩu xe hơi và các mặt hàng thương khác từ châu Á vào Mỹ và xuất khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ tới các quốc gia khác.
Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20, Mỹ đã giành được quyền xây dựng và vận hành kênh đào Panama. Theo Hiệp ước Hay-Herrán giữa Mỹ và Colombia năm 1903, Mỹ có quyền kiểm soát vùng đất xung quanh khu vực kênh đào này.
Tới năm 1978, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn Hiệp ước Torrijos-Carter do Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đàm phán với Tổng thống Panama Omar Torrijos một năm trước đó để trao quyền kiểm soát Kênh đào Panama cho Panama.
Tới năm 1999, Mỹ đã trao lại quyền kiểm soát kênh đào Panama cho Panama sau một thời gian dài 2 nước kiểm soát chung.