Dòng sách chủ đạo về đề tài thống nhất đất nước
Dòng sách về chủ đề chiến tranh, thống nhất đất nước ngày càng đa dạng qua từng năm. Có những tác phẩm với sự chân thực và nhân văn đã được tái bản nhiều lần.

Đại tá Đặng Việt Thủy - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Xuất bản của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Ảnh: Đức Huy.
Theo Đại tá Đặng Việt Thủy - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Xuất bản của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - các ấn phẩm về chủ đề thống nhất đất nước ra mắt trong dịp 30/4 rất đa dạng qua từng năm.
Đặc biệt, có những cuốn sách đã được tái bản nhiều năm liền như Thư vào Nam (Tổng Bí thư Lê Duẩn), Tổng tập hồi ký (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đi theo con đường của bác (Đại tướng Văn Tiến Dũng)… Điều làm nên sức sống của các cuốn sách đó chính là sự chân thực, nhân văn và thông điệp hòa hợp dân tộc. Nhờ những tác phẩm đó, các cây viết trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận và tìm hiểu về cuộc đấu tranh cho độc lập, thống nhất theo cách toàn diện nhất.
Sức sống của một dòng sách
- Thưa ông, qua nhiều năm, các dòng sách về chủ đề thống nhất đất nước và cuộc kháng chiến chống Mỹ đã trở nên đa dạng hơn ra sao?
- Qua nhiều năm, các dòng sách viết về chủ đề thống nhất đất nước và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trở nên phong phú và đa dạng. Những tác phẩm phản ánh tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đưa dân tộc bước vào thời kỳ phát triển.
Trên nền tảng giá trị đó, sách về đề tài này ngày càng được khai thác sâu rộng theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Trước hết là các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các văn kiện chỉ đạo của Đảng, Quân đội, thể hiện tư tưởng, đường lối lãnh đạo xuyên suốt cuộc kháng chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ngày 13/5/2006. Đại tá Đặng Việt Thủy (ở giữa) đang bắt tay Đại tướng. Ảnh: Phạm Văn Dũng.
Tiếp đến là dòng hồi ký của các vị tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp tham gia chiến đấu, giúp người đọc cảm nhận được tinh thần quật cường và những hy sinh lớn lao của cả dân tộc.
Tôi cũng thấy nhiều sách đi sâu nghiên cứu lịch sử từng đơn vị như quân đoàn, sư đoàn, quân khu, góp phần hệ thống hóa tư liệu chiến tranh. Ngoài ra, còn có những cuốn sách tư liệu lịch sử đối chiếu, phản ánh cả hai phía trong cuộc chiến. Đặc biệt, mảng sách văn học rất phát triển, với tiểu thuyết, truyện ký, thơ...
Chính sự đa dạng ấy đã tạo nên một kho tàng đồ sộ, giàu giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, góp phần quan trọng trong công cuộc giáo dục truyền thống cách mạng hôm nay.
- Trong đó, ông nhận thấy dòng sách nào đóng vai trò chủ đạo?
- Dòng sách văn kiện, bao gồm các chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đều là những ấn phẩm chủ đạo được tái bản qua nhiều năm.
Một dòng sách đặc biệt quan trọng là dòng hồi ký của các vị tướng lĩnh, cán bộ, sĩ quan từng trực tiếp tham gia chiến đấu. Tôi cho rằng chính từ những hồi ức chân thực, đầy cảm xúc và trải nghiệm sống động của họ mà người đọc ngày nay có thể cảm nhận rõ hơn không khí của thời chiến, từ những quyết sách chiến lược đến từng khoảnh khắc sinh tử nơi chiến trường. Có thể kể đến hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng hay các tác phẩm của nhiều tướng lĩnh khác đã được tái bản nhiều lần và có sức sống lâu dài trong lòng bạn đọc.
Bên cạnh đó, dòng sách tư liệu và lịch sử về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng cũng góp phần làm đầy đủ thêm bức tranh toàn cảnh, cung cấp những chi tiết quý báu.
- Ông cho rằng điều gì làm nên sức sống cho một cuốn sách viết về chủ đề chiến tranh?
- Điều làm nên sức sống cho một cuốn sách viết về chủ đề chiến tranh chính là sự chân thực và nhân văn trong cách kể chuyện. Một tác phẩm có thể sống mãi với thời gian khi nó dám đối diện với sự thật, phản ánh khách quan bản chất của cuộc chiến mà không tô hồng hay bóp méo.
Một cuốn sách về chiến tranh có sức sống là khi nó không dừng lại ở súng đạn, mất mát, mà còn mở ra một tinh thần hòa bình, hòa hợp.
Đại tá Đặng Việt Thủy
Thời gian đã trôi qua, khoảng cách lịch sử giúp ta nhìn lại cuộc chiến với cái nhìn bao dung hơn. Những người lính từng ở hai đầu chiến tuyến giờ đây cũng đã trở thành những người bạn trong hòa bình. Tôi cho rằng một cuốn sách về chiến tranh có sức sống là khi nó không dừng lại ở súng đạn, mất mát, mà còn mở ra một tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Đại tá Đặng Việt Thủy. Ảnh: TTXVN.
Quá trình giải mã tài liệu mở ra nhiều góc nhìn mới
- Theo ông, quá trình giải mã, giải mật các tài liệu trong những năm qua đã diễn ra như thế nào? Việc đó giúp ích gì cho nhiều thế hệ người làm sách?
- Theo tôi, quá trình giải mã, giải mật các tài liệu trong những năm qua là một tiến trình phức tạp, có tính chọn lọc. Trước đây, những hoạt động tình báo như của ông Vũ Ngọc Nhạ, bà Đinh Thị Vân hay các điệp viên khác thường được giữ trong vòng bí mật tuyệt đối, chỉ những cấp chỉ huy trực tiếp mới được biết.

Ông Đặng Việt Thủy (ngoài cùng bên trái) cùng các cán bộ NXB Quân đội nhân dân làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau này, khi điều kiện cho phép, các cơ quan chức năng như Tổng cục II (Tổng cục Tình báo, Quân đội nhân dân Việt Nam) đã từng bước công bố một phần các tư liệu mật, mở ra một kho dữ liệu quý giá cho giới nghiên cứu và làm sách. Các tài liệu đều được đối chiếu với tài liệu của đối phương như từ phía Lầu Năm Góc nhằm đảm bảo độ tin cậy và tính khách quan.
Nhờ quá trình giải mã tài liệu, những nhà văn như Hữu Mai đã có điều kiện tìm hiểu và tiếp cận trực tiếp với các nhân chứng sống, những tài liệu nguyên bản để sáng tạo nên các tác phẩm có giá trị như bộ tiểu thuyết ba tập Ông cố vấn về Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ.
Nhờ quá trình giải mã tài liệu, những nhà văn như Hữu Mai đã có điều kiện tìm hiểu và tiếp cận trực tiếp với các nhân chứng sống, những tài liệu nguyên bản để sáng tạo nên các tác phẩm có giá trị như bộ tiểu thuyết ba tập Ông cố vấn về Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ.
Đại tá Đặng Việt Thủy
Việc giải mã giúp thế hệ người làm sách hôm nay và mai sau có cái nhìn toàn diện hơn, chính xác hơn về lịch sử, đặc biệt là những giai đoạn phức tạp trong chiến tranh và hậu chiến. Nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác biên tập, xác thực nguồn tư liệu, giúp nội dung sách trở nên sinh động, thuyết phục và gần gũi hơn với độc giả. Có thể nói, việc giải mật là bước then chốt để những câu chuyện từng bị chôn giấu dưới lớp bụi thời gian được tái hiện, từ đó góp phần định hình ký ức lịch sử qua con chữ.
- Với kho tàng tư liệu về chiến tranh như hiện nay, ông nghĩ người trẻ có những lợi thế như nào để viết về chủ đề này?
- Nhiều tài liệu từ cả hai phía đã được giải mật tạo điều kiện để tiếp cận thông tin đa chiều, cho phép người viết phân tích sâu sắc hơn về bản chất của chiến tranh, chủ nghĩa yêu nước và cả những khía cạnh ít được nhắc đến như mất mát, sai lầm, hay những ấu trĩ trong quá khứ.
Độ lùi về thời gian giúp thế hệ trẻ có cái nhìn khách quan, tỉnh táo và chân thực về cuộc chiến.
Thêm vào đó, thế hệ trẻ hiện nay có khả năng tiếp cận và xử lý thông tin nhanh chóng nhờ vào công nghệ 4.0, từ đó phát triển các phương pháp sáng tác mới mẻ, linh hoạt và giàu tính sáng tạo. Tư duy văn học ngày nay cũng không còn khép kín hay phiến diện, mà trở nên khoáng đạt, cởi mở, cho phép người viết phản ánh đa dạng số phận con người trong chiến tranh - từ những hành động anh hùng đến bi kịch cá nhân. Tuy nhiên. chúng ta vẫn phải chờ đợi một tác phẩm đỉnh cao.
- Vậy ông cho rằng thế nào là một tác phẩm đỉnh cao?
- Theo tôi, một tác phẩm đỉnh cao xứng tầm với cuộc kháng chiến của dân tộc ta trước hết phải đạt đến sự tổng hợp và toàn diện cả về nội dung lẫn hình thức. Tác phẩm đó cần phản ánh sâu sắc hiện thực lịch sử, xã hội, con người với một cấu trúc chặt chẽ, lớp lang tư tưởng rõ ràng và chiều sâu cảm xúc. Nó không thể chỉ là ghi chép rời rạc mà cần có tầm khái quát, bao quát được nhiều chiều kích của đời sống, nhất là trong đề tài lớn như chiến tranh. Chúng ta có nhiều cây bút xuất sắc nhưng mỗi tác phẩm mới chỉ khai thác từng mảng một.
Điều quan trọng không kém là người viết phải có nền tảng tri thức vững chắc, được đào tạo bài bản, có năng lực sáng tạo và phương pháp tiếp cận mới mẻ. Khi hội tụ được những yếu tố như vậy, tác phẩm không chỉ gây ấn tượng nhất thời mà còn tạo được ảnh hưởng lâu dài trong đời sống văn học và xã hội. Đó mới là giá trị đỉnh cao đích thực mà tôi kỳ vọng ở các thế hệ tác giả hôm nay và mai sau.