Đồng rupiah Indonesia được dự báo xuống mức thấp kỷ lục
Các nhà phân tích dự báo đồng rupiah Indonesia sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong ngắn hạn, khi những lo ngại về chính trị và kinh tế tiếp tục gia tăng tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Nhân viên văn phòng giao dịch hối đoái kiểm đếm tiền giấy rupiah tại Indonesia. Ảnh; AFP/TTXVN
Các nhà phân tích dự báo đồng rupiah của Indonesia sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong ngắn hạn, trong bối cảnh những lo ngại về chính trị và kinh tế tiếp tục gia tăng tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Theo Mizuho Bank Ltd. và MUFG Bank Ltd., đồng tiền này có thể suy yếu và giảm xuống thấp hơn mức 16.950 rupiah/USD từng được ghi nhận vào năm 1998, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về các biện pháp và chính sách chi tiêu của Tổng thống Prabowo Subianto. Đồng rupiah đã thu hẹp đà giảm vào ngày 25/3, sau khi chạm mức thấp nhất trong 30 năm, đóng cửa ở mức 16.595 rupiah/USD sau khi Ngân hàng trung ương Indonesia can thiệp.
Các nhà giao dịch đã lo ngại trước kế hoạch của ông Prabowo nhằm làm suy yếu sự độc lập của ngân hàng trung ương và các chính sách cứng rắn của ông đối với các doanh nghiệp nước ngoài như Apple Inc. Thêm vào đó là sự bất ổn gia tăng về triển vọng tài khóa của quốc gia. Thuế quan của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới, càng làm suy yếu thêm tâm lý thị trường.
Ông Lloyd Chan, chiến lược gia ngoại hối tại MUFG, cho biết: "Thị trường ngày càng lo ngại về rủi ro tài khóa gia tăng ở Indonesia, do hàng loạt chương trình xã hội đã được chính quyền mới triển khai". Ông nói thêm rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang đứng ngoài quan sát và đồng tiền này có thể giảm xuống dưới mức 17.000 rupiah/USD nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới vào đầu tháng 4/2025.
Các nhà hoạch định chính sách Indonesia không xa lạ với việc can thiệp vào thị trường để ổn định tiền tệ. Giới chức đã nhiều lần tuyên bố trong năm nay rằng họ đang can thiệp để hạn chế biến động, đồng thời mua vào trái phiếu để hỗ trợ thanh khoản. Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi xem liệu ngân hàng trung ương có điều chỉnh chính sách tiền tệ vào tháng tới để ngăn chặn dòng vốn chảy ra hay sẽ cho phép đồng tiền tiếp tục mất giá.
Ông Jon Harrison, Giám đốc điều hành chiến lược vĩ mô các thị trường mới nổi tại GlobalData TS Lombard ở London, nhận định Ngân hàng trung ương Indonesia có đủ dự trữ ngoại hối để tạm thời 'vạch lằn ranh đỏ' nếu họ muốn, nhưng điều đó sẽ không bền vững khi tâm lý thị trường khiến đồng tiền suy yếu quá mạnh". Ông cho rằng ngân hàng trung ương hiện sẽ chọn để đồng tiền mất giá vì lạm phát thấp cho phép họ có dư địa để hành động.
Thị trường chứng khoán Indonesia cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, với chỉ số tham chiếu giảm gần 12% trong năm nay, tụt lại so với hầu hết các thị trường châu Á khác. Trái phiếu cũng chịu áp lực tương tự, khi chênh lệch lợi suất mà nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Indonesia so với trái phiếu Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Chín năm ngoái vào tuần trước.
Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho, cho biết tỷ giá 16.800 rupiah/USD là "rủi ro rất cận kề nếu các ngưỡng hỗ trợ không được giữ vững". Nếu vượt qua mức đó, 17.000 rupiah/USD có thể là mục tiêu tiếp theo.