Quy mô kinh tế của 11 tỉnh, thành không trong diện đề xuất sáp nhập

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo và tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có 11 tỉnh thành dự kiến không sáp nhập.

 Theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô GRDP của Hà Nội đứng đầu trong top 11 tỉnh, thành phố dự kiến không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Nam Khánh.

Theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô GRDP của Hà Nội đứng đầu trong top 11 tỉnh, thành phố dự kiến không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Nam Khánh.

Danh sách 11 địa phương dự kiến không sắp xếp đơn vị hành chính bao gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trong đó, Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội ước đạt khoảng 1,43 triệu tỷ đồng (58 tỷ USD) năm 2024, chiếm 12,5% GDP cả nước.

GRDP bình quân đầu người đạt 150,3 triệu đồng/năm, đứng thứ 2 trong danh sách 11 địa phương không thuộc diện sáp nhập.

Tăng trưởng GRDP ước đạt 6,52%, nhỉnh hơn mức 6,27% của năm trước.

Ở nhóm các tỉnh có quy mô kinh tế lớn, Quảng Ninh và Thanh Hóa nổi bật với mức tăng trưởng mạnh.

Năm 2024, GRDP của Quảng Ninh ước đạt 347.500 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước, tăng 8,42% so với năm trước đó.

Trong khi đó, Thanh Hóa ghi nhận mức tăng trưởng 12,16%, cao thứ hai cả nước chỉ sau Bắc Giang. Với quy mô GRDP đạt 318.752 tỷ đồng, Thanh Hóa xếp thứ 8 trong số 63 tỉnh, thành.

Nghệ An cũng duy trì đà tăng trưởng GRDP ổn định ở mức 9,01% năm ngoái, đạt quy mô hơn 216.943 tỷ đồng.

Năm ngoái, TP Huế có mức tăng trưởng GRDP 8%, với tổng thu ngân sách ước đạt 13.021 tỷ đồng, trong đó thu nội địa (chưa tính tiền đất) vượt kế hoạch hơn 1.000 tỷ đồng. Hà Tĩnh cũng đạt mức tăng trưởng 7,48%, xếp thứ 4 trong khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 31 cả nước.

Nhóm các tỉnh miền núi phía Bắc có quy mô kinh tế khiêm tốn hơn nhưng tốc độ tăng trưởng lại tương đối cao.

Năm gần nhất, Lai Châu đạt mức tăng trưởng GRDP 10,52%, xếp thứ 5 cả nước, vượt kế hoạch đề ra. Sơn La ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6,3% với quy mô kinh tế đạt hơn 76.626 tỷ đồng. Lạng Sơn tăng trưởng 6,01%, đạt GRDP 49.736 tỷ đồng. Cao Bằng có mức tăng trưởng 6,74%, đánh dấu năm tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm.

Trong khi đó, Điện Biên báo cáo mức tăng trưởng GRDP 8,5%, với quy mô kinh tế theo giá so sánh 2010 đạt 16.263 tỷ đồng, vẫn thuộc nhóm nhỏ so với mặt bằng chung.

Sự khác biệt về quy mô kinh tế và tốc độ tăng trưởng giữa các tỉnh, thành phản ánh rõ những thách thức và cơ hội phát triển của từng địa phương. Trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, việc duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của các tỉnh này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển chung của cả nước.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/quy-mo-kinh-te-cua-11-tinh-thanh-khong-trong-dien-de-xuat-sap-nhap-post1541632.html
Zalo