Đồng nghiệp báo chí phương Tây nói về 'Điệp viên hoàn hảo' Phạm Xuân Ẩn

Trong các bài viết của báo chí quốc tế, ông Phạm Xuân Ẩn là người hiếm hoi đảm nhận tốt cả hai vai trò - nhà báo và nhà tình báo.

Câu chuyện độc đáo của ông Phạm Xuân Ẩn - người vừa là nhà báo lỗi lạc, vừa là điệp viên chiến tranh tại Việt Nam - thu hút sự quan tâm của không ít báo chí quốc tế.

Điệp viên hoàn hảo

Đầu năm 1972, Stanley Cloud – Trưởng đại diện văn phòng TIME tại Sài Gòn – viết một bài ngắn cho bản tin nội bộ F.Y.I. của tòa soạn. Bài viết mang tiêu đề “Right, An” (Đúng vậy, Ẩn), là chân dung của ông Phạm Xuân Ẩn – người đã cộng tác với TIME từ năm 1966 và chính thức được tuyển dụng làm nhân viên toàn thời gian năm 1969. Ông là người Việt Nam đầu tiên trở thành phóng viên chính thức của một cơ quan truyền thông Mỹ lớn trong thời chiến tranh tại Việt Nam.

Cloud viết: “Có thể tôi đang tiết lộ một bí mật, nhưng có lẽ cũng đã đến lúc phải nói ra: Phạm Xuân Ẩn chính là ‘vũ khí bí mật’ của nhiều thế hệ phóng viên TIME từng luân phiên làm việc tại Sài Gòn – bao gồm cả đội ngũ hiện tại. Ẩn hiếm khi tự mình viết bài, nhưng công việc nghiên cứu kiên trì, vốn hiểu biết sâu rộng và nền tảng phong phú của ông đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các bài viết của phóng viên thường trú".

Ông Phạm Xuân Ẩn giơ thẻ báo chí năm 1965 tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, năm 2000. (Ảnh: Charles Dharapak/AP)

Ông Phạm Xuân Ẩn giơ thẻ báo chí năm 1965 tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, năm 2000. (Ảnh: Charles Dharapak/AP)

Ông Ẩn tiếp tục làm việc cho TIME cho đến khi chiến tranh kết thúc. Khi toàn bộ nhân viên người Mỹ được sơ tán khỏi Sài Gòn trước ngày 30/4/1975, chính ông là người ở lại trông coi văn phòng. Trong bản tin F.Y.I. phát hành tháng 5 cùng năm, một dòng tin được gửi qua máy điện báo vài giờ sau cuộc di tản ghi rõ: “Đây là Phạm Xuân Ẩn. Tất cả phóng viên Mỹ đã sơ tán khẩn cấp. Hiện văn phòng TIME do Phạm Xuân Ẩn phụ trách". Khi ông Ẩn qua đời năm 2006 ở tuổi 79, Cloud tưởng niệm ông như một nhà báo xuất sắc, luôn vui vẻ và dễ mến.

Không chỉ Cloud, nhiều đồng nghiệp khác cũng dành thiện cảm sâu sắc cho ông Phạm Xuân Ẩn. Peter Ross Range, Trưởng văn phòng TIME tại Sài Gòn năm 1975, nhớ lại: “Ông ấy là một trí thức, yêu chó, thích nuôi chim, hút thuốc liên tục, thông minh vượt trội và là một phóng viên tuyệt vời". Tuy nhiên, Range cũng thừa nhận: “Ẩn hơi kỳ lạ. Có lúc ông biến mất vài ngày liền mà không ai biết đi đâu. Giờ thì tất nhiên, chúng ta đã hiểu phần nào".

Theo New York Public Radio (NYPR), Phạm Xuân Ẩn nổi tiếng trong giới báo chí nhờ mạng lưới nguồn tin quân sự rộng rãi, tinh thần làm việc nghiêm túc và khả năng nắm bắt thực tế nhanh nhạy giữa bối cảnh chiến tranh hỗn loạn.

Trong cuộc trò chuyện với NYPR vào năm 2009, Thomas Bass cho biết, ông Phạm Xuân Ẩn từng cứu sống một người – Robert Sam Anson, đồng nghiệp tại TIME, khi Anson bị bắt giữ. Bass kể: “Sau đó, Anson được thả, bay về Sài Gòn và ôm chầm lấy Ẩn tại văn phòng TIME, cảm ơn ông đã cứu mạng, dù lúc đó Anson chỉ linh cảm mà chưa biết rõ chuyện gì xảy ra. Anson vẫn giữ tấm ảnh Phạm Xuân Ẩn trên bàn làm việc”.

Một điều khiến những trang viết của Thomas Bass gây chú ý là dù hoạt động như một điệp viên, ông Phạm Xuân Ẩn vẫn đồng thời thực hiện công việc báo chí xuất sắc. Những thông tin nhận được, ông Ẩn viết lại bằng mực bí mật để chuyển đi. Các bản báo cáo của ông Ẩn từng được ví như thể "nghe lén" được các cuộc họp bởi độ chính xác cao.

Khi một số lãnh đạo Time nghi ngờ liệu mình có bị lợi dụng hay không, họ kết luận rằng ngược lại, nhờ có ông Ẩn mà Time tránh được nhiều sai lầm – nhiều thông tin sai lệch lúc đó đến từ chính Washington.

Một số dấu hiệu từng cho thấy ông Phạm Xuân Ẩn có quá nhiều thông tin, khiến đồng nghiệp nghi ngờ. Tuy nhiên, phần lớn cho rằng nguồn tin của ông đến từ các mối quan hệ với CIA, không ai nghĩ ông liên quan đến hoạt động khác.

Biểu tượng hòa bình

Sự thật sau này được hé lộ: Phạm Xuân Ẩn không chỉ là một nhà báo. Trước, trong và cả sau thời gian làm việc cho TIME, ông là sĩ quan tình báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Những tài liệu, thông tin mà ông thu thập cho TIME cũng được gửi về cho lực lượng mà Mỹ đang đối đầu.

Điều đáng nói là dù thân phận điệp viên bị lộ, nhiều đồng nghiệp cũ của ông Ẩn vẫn giữ tình cảm trân trọng dành cho ông. Câu chuyện của ông phức tạp và đầy nghịch lý. Ông bắt đầu hoạt động với Việt Minh từ những năm 1940, từng làm việc cho cả quân đội miền Nam và CIA, nhưng chưa bao giờ thay đổi lòng trung thành với phong trào kháng chiến. Ông từng sang Mỹ học báo chí trong những năm 1950 và thực tập tại tờ Sacramento Bee, trước khi trở về Việt Nam làm phóng viên cho các hãng truyền thông Mỹ. “Làm báo là một vỏ bọc tuyệt vời cho một điệp viên”, nhà văn Thomas Bass – tác giả cuốn The Spy Who Loved Us (2009) về ông Phạm Xuân Ẩn – nhận xét.

Sau chiến tranh, vợ con ông được đưa sang Mỹ nhưng nhanh chóng được gọi về. Lúc ấy, một số bạn bè Mỹ bắt đầu nghi ngờ. Đến những năm 1980, thân phận của ông được công khai. Ở Việt Nam, ông được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang. Theo ông Bass, ông Ẩn chưa bao giờ nói dối, và chính sự trung thực đó giúp ông giữ vững câu chuyện của mình cũng như sự tôn trọng từ các đồng nghiệp. Nhiều người từng làm cùng ông tại TIME vẫn gặp lại ông khi quay trở lại Việt Nam.

Cloud nói: "Ông ấy là một con người vĩ đại. Thật sự vĩ đại. Khi biết sự thật, tôi ngạc nhiên – nhưng không sốc".

Roy Rowan, một phóng viên kỳ cựu khác của TIME và LIFE, cũng đồng tình. “Tôi không nghĩ ông ấy từng cố tình cung cấp thông tin sai. Nếu làm vậy, ông đã bị giết từ lâu rồi". Rowan từng có cuộc trò chuyện kéo dài ba tiếng với ông Ẩn, cố gắng thuyết phục ông sơ tán. Nhưng ông Ẩn từ chối, nói rằng cần ở lại chăm sóc mẹ già.

Các nhà viết tiểu sử về ông Ẩn cũng không tìm thấy bằng chứng ông từng bóp méo thông tin. Larry Berman – tác giả Perfect Spy (Điệp viên hoàn hảo), cuốn tiểu sử về ông Ẩn được chuyển thể thành phim truyền hình dài 32 tập – cho biết: “Tôi đã nghĩ sẽ tìm được dấu vết về việc ông ấy từng làm sai lệch bài viết, nhưng không có".

Thậm chí, việc có một điệp viên trong đội ngũ có thể đã giúp TIME đưa tin chính xác hơn. Cloud nhớ lại một lần trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris, phóng viên trưởng của Newsweek khoe rằng họ có được nội dung bản thảo kế hoạch hòa bình. TIME liền nhờ Ẩn điều tra để không bị tụt lại. Ông quay về với một bản phác thảo chi tiết, và bài viết của TIME tuần đó được đánh giá là chính xác hơn hẳn Newsweek.

Tuy vậy, không phải ai cũng cảm thông. Cloud kể rằng Murray Gart, lúc đó là Trưởng ban phóng viên của TIME, cảm thấy hoàn toàn bị phản bội. Một số độc giả cũng chỉ trích cuốn sách của Berman. Range cho rằng: “Biết sự thật, tôi sốc và hoang mang – nhưng không giận dữ. Thời ấy, mọi thứ đều đảo lộn. Câu chuyện này cũng chỉ là một phần trong cái thế giới đảo lộn ấy".

Theo Berman, việc nhiều đồng nghiệp cũ của ông Ẩn không xem ông như kẻ phản bội cũng không có gì lạ. Ẩn yêu mến nước Mỹ, trân trọng tự do báo chí, được đồng nghiệp kính trọng – nhưng ông yêu đất nước mình hơn và muốn thấy độc lập. Ngày nay, Berman nhận định, hầu hết người Mỹ đều nhìn cuộc chiến theo cách mà ông Ẩn từng nhìn: lẽ ra nước Mỹ nên rút lui sớm hơn.

Nhiều người cho rằng ông Ẩn chỉ đơn giản là một người yêu nước. Berman nói: “Ông là biểu tượng của hòa bình".

Phương Anh (Nguồn: Time, WQXR)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dong-nghiep-bao-chi-phuong-tay-noi-ve-diep-vien-hoan-hao-pham-xuan-an-ar940836.html
Zalo