Đông Nam Á trở thành 'điểm nóng' đầu tư công nghiệp
'Cơn địa chấn' đầu tư 3,2 tỷ USD vào trung tâm dữ liệu đã góp phần đưa lĩnh vực công nghiệp Đông Nam Á lần đầu tiên trong 10 năm qua lên vị trí dẫn đầu về thu hút vốn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một 'điểm sáng' đầy tiềm năng

Trong bối cảnh dòng vốn công nghiệp đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ tại Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên như một "điểm sáng" đầy tiềm năng
Dòng vốn công nghiệp Đông Nam Á vượt trội
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, lĩnh vực công nghiệp tại Đông Nam Á đã chứng kiến sự vượt trội về dòng vốn đầu tư so với phân khúc văn phòng và bán lẻ. Theo ấn phẩm thường niên "Triển vọng Đông Nam Á: Tăng trưởng Dài hạn và Bền vững" xuất bản lần thứ ba của Cushman & Wakefield, sự thay đổi đáng chú ý này được thúc đẩy bởi chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp toàn cầu.
Báo cáo chỉ ra rằng, trung tâm dữ liệu đang nổi lên như một điểm sáng đầu tư, thu hút con số kỷ lục 3,2 tỷ USD trong năm 2024, gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã đưa tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp lên tới khoảng 40% tổng vốn đầu tư. Singapore, Malaysia và Indonesia tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu, nhờ vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng hiện đại, nhu cầu sử dụng dịch vụ đám mây bùng nổ và các chính sách hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi số.
Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào thị trường công nghiệp khu vực. Đông Nam Á hiện chiếm 8% thị phần xuất khẩu toàn cầu vào năm 2023 và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn nữa nhờ chi phí cạnh tranh, lợi thế từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sự củng cố sức mạnh thương mại nội khối trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, bức tranh đầu tư công nghiệp không đồng đều trên toàn khu vực. Thái Lan là thị trường duy nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á được Cushman & Wakefield phân tích ghi nhận sự khác biệt. Tại đây, lĩnh vực khách sạn thu hút 0,4 tỷ USD vốn đầu tư, cao hơn gấp đôi so với con số 0,2 tỷ USD của thị trường công nghiệp.
Trong khi đó, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu cho các nhà sản xuất và nhà đầu tư quốc tế khi đã vượt qua các dự báo tăng trưởng ban đầu và dự kiến đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng 6,5% vào năm 2025. Các tập đoàn lớn đang không ngừng mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, chất bán dẫn, lưu trữ năng lượng và năng lượng tái tạo, mang về nguồn vốn FDI kỷ lục.
Điển hình là việc Amkor Technology tăng tổng vốn đầu tư lên 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh cho dự án sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. LG Display cũng đang rót thêm 1 tỷ USD vào nhà máy tại Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn Hàn Quốc này tại Việt Nam lên hơn 5,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ, bao gồm Sân bay Quốc tế Long Thành, Đường Vành Đai 3, 4 và việc mở rộng các tuyến cao tốc tại các Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam và phía Bắc. Những dự án này, cùng với kế hoạch sáp nhập tỉnh trong tương lai, được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể khả năng kết nối nội vùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cả nước.
Bà Ngọc Lê, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Cushman & Wakefield cho biết, đề án sáp nhập các tỉnh và việc áp dụng hệ thống hành chính hai cấp sẽ giúp Việt Nam hợp lý hóa quy trình quản trị, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường kết nối khu vực.
"Đề án sáp nhập tỉnh được kỳ vọng sẽ thu hút thêm vốn đầu tư và mang lại lợi ích cho các nhà phát triển bất động sản thông qua việc cung cấp các quy định và chính sách nhất quán. Hơn nữa, động thái này sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh", bà Ngọc Lê nhận định.
Đông Nam Á tiếp tục hút vốn đầu tư
Bất chấp những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, Đông Nam Á vẫn khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu, với dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng 4,8% trong năm 2024. Con số này đánh dấu sự tăng trưởng đáng kể so với mức 3,9% của năm 2023, cho thấy sức bật mạnh mẽ của khu vực.
Theo ghi nhận, các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực như Việt Nam, Malaysia và Philippines đã vượt qua các dự báo ban đầu, minh chứng cho tiềm năng tăng trưởng dài hạn và bền vững của Đông Nam Á trước những thách thức chung của thế giới.
Ông Wong Xian Yang, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Singapore & Đông Nam Á nhận định: "Mặc dù tình hình thuế quan toàn cầu đang có những diễn biến phức tạp, các yếu tố kinh tế nền tảng của Đông Nam Á vẫn duy trì sự ổn định nhờ lực cầu tiêu dùng nội địa vững chắc và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Điều này tiếp tục tạo sức hút mạnh mẽ đối với dòng vốn đầu tư, đặc biệt trong các ngành có tốc độ tăng trưởng cao".
Cũng theo ông Wong, công nghiệp và trung tâm dữ liệu tiếp tục là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư tổ chức, với nguồn vốn lớn được rót vào logistics, khoa học đời sống và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI).
Đáng chú ý, thị trường văn phòng tại Singapore và Indonesia đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư. Các nhà đầu tư đang tận dụng tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu đối với không gian làm việc chất lượng cao tại hai quốc gia này. Bên cạnh đó, đầu tư xuyên biên giới trong khu vực được kỳ vọng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các sáng kiến hợp tác như Khu Kinh tế Đặc biệt Johor-Singapore (JS-SEZ) và việc mở rộng các hiệp định thương mại nội khối ASEAN.
Nhấn mạnh về vai trò của khu vực, ông Wong Xian Yang khẳng định: "Đông Nam Á, với khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và vị trí chiến lược quan trọng, đã trở thành điểm đến hàng đầu cho các dòng vốn trên toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần duy trì sự linh hoạt để thích ứng với những thay đổi của kinh tế vĩ mô".
Ông Wong Xian Yang cũng đưa ra dự báo về tương lai: "Với nền tảng kinh tế vững chắc, lợi thế chi phí cạnh tranh, sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc mở rộng thương mại nội vùng, Đông Nam Á sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy đầu tư dài hạn và tăng trưởng bất động sản. Việc các doanh nghiệp chủ động áp dụng các chiến lược linh hoạt để ứng phó với những biến động toàn cầu sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong năm 2025 và những năm tiếp theo".