Động lực mới đưa Việt Nam trở thành 'điểm sáng' thị trường công nghệ của ASEAN
Duy trì sức tăng trưởng mạnh, tầm ảnh hưởng của kinh tế số, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư ngoại, trung tâm của đổi mới sáng tạo… đang là những động lực mới đưa Việt Nam trở thành 'điểm sáng' thị trường công nghệ thông tin của khu vực ASEAN. Lĩnh vực này sẽ tiếp tục có bước tiến lớn hơn nữa nếu biết cách vượt qua những thách thức còn tồn tại.
Báo cáo mới nhất về Thị trường công nghệ thông tin (IT) Việt Nam năm 2024 - 2025 do TopDev công bố trong tháng 9/2024 cho thấy bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu, thị trường IT Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành một trong những “điểm sáng” của khu vực ASEAN.
Củng cố vị thế trung tâm công nghệ
Ông Park JongHo, Tổng giám đốc của TopDev, khẳng định: “Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên, trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực”.
Theo báo cáo nêu trên, sự gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố then chốt giúp Việt Nam củng cố vị thế là trung tâm công nghệ khu vực. Điển hình như việc Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, các ngành công nghệ cao như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành trọng tâm phát triển.
Như trong khuôn khổ tọa đàm “Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)” diễn ra ở New York (Mỹ) hôm 22/9, các chuyên gia của Hoa Kỳ đã đánh giá cao chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI của Việt Nam, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 21/9 đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.
Trong đó, riêng Giai đoạn 1 (2024 - 2030), mục tiêu đặt ra là quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%.
Mặt khác, theo TopDev, Chính phủ đã đề ra các chiến lược nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó có việc tích hợp AI và các công nghệ đám mây vào giáo dục và doanh nghiệp (DN). Điều này đảm bảo rằng Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu tại ASEAN.
Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng dự án khởi nghiệp nhận được đầu tư. Như hồi năm 2023, tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ tại Việt Nam đạt 529 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, và thương mại điện tử, những ngành có tiềm năng tăng trưởng và mang lại nhiều giá trị xã hội.
Một điểm nhấn quan trọng trong Báo cáo Thị trường IT Việt Nam năm 2024 là sự hợp tác chặt chẽ giữa DN khởi nghiệp (startup) trong nước và các nhà đầu tư quốc tế. Nhất là những sáng kiến đã mở ra cơ hội cho các DN khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận với những công nghệ tiên tiến hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và viễn thông. Bên cạnh đó, một số chương trình đã cung cấp các nguồn lực hỗ trợ như vốn đầu tư và kỹ thuật cho các startup, giúp họ tăng tốc phát triển và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Không chỉ có thế, báo cáo của TopDev còn thể hiện nền kinh tế số của Việt Nam hiện chiếm khoảng 16,5% GDP quốc gia và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 20% hàng năm. Đây là một cơ hội lớn cho các DN trong nước và quốc tế tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ này.
Vượt thách thức để có bước tiến lớn hơn
Đứng ở góc nhìn của một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hướng đến thâm nhập thị trường công nghệ ở Việt Nam, nhân việc Bosch (100% vốn của Đức) vừa ra mắt cửa hàng trải nghiệm đồ gia dụng đầu tiên tại Tp.HCM, ông Regel Stefan, Giám đốc BSH Việt Nam (một thành viên của tập đoàn Bosch), cho rằng Việt Nam đang gây ấn tượng mạnh với một cộng đồng người tiêu dùng có tư duy hướng tới tương lai, quan tâm sâu sắc đến áp dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống.
Chính vì vậy, theo ông Stefan, để thâm nhập thị trường công nghệ Việt Nam với sự cạnh tranh mạnh mẽ thì bản thân những mặt hàng gia dụng do công ty sản xuất phải tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và thông minh, cải tiến chất lượng không ngừng, tăng trải nghiệm cho phù hợp với người tiêu dùng Việt.
Hoặc như thị trường AI tại Việt Nam ước tính tăng trưởng 28,6% mỗi năm, với giá trị dự kiến cán mốc 3,4 tỷ USD vào năm 2030. Chính phủ đã triển khai chiến lược quốc gia về AI để định vị Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu lĩnh vực này, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á.
Ngay cả như với thị trường du lịch của Việt Nam cũng đang cho thấy sức ảnh hưởng quan trọng của công nghệ AI. Ts. Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT) cho rằng tiềm năng đẩy mạnh sử dụng AI liên quan trực tiếp đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ngày càng hoàn thiện của Việt Nam, cũng như năng lực kỹ thuật số và tỷ lệ áp dụng công nghệ số ngày càng cao.
Vị chuyên gia này dẫn lại Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố hồi tháng 5/2024 cho thấy Việt Nam xếp hạng 57 trong số 119 quốc gia về mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), bao hàm tỷ lệ được trang bị và tỷ lệ sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các dịch vụ kỹ thuật số.
Tuy vậy, mặc dù thị trường công nghệ Việt Nam đang có tiềm năng phát triển vượt bậc, nhưng vẫn tồn tại những thách thức lớn mà các DN và nhà đầu tư cần phải vượt qua nếu muốn có bước tiến lớn hơn nữa.
Một trong những thách thức chính là hạ tầng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh mạng 5G, các trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây đang dần trở thành nhu cầu tất yếu. Để có thể tiếp tục phát triển bền vững, giới chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ ngày càng tăng.
Ngoài ra, vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cũng đặt ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp IT của Việt Nam. Nhất là trong thời đại mà các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, việc tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng và quy định bảo mật dữ liệu trở thành yêu cầu bắt buộc nếu các DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn thế nữa, một trong những thách thức đáng kể là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn sâu. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường IT Việt Nam cần bổ sung ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025 để đáp ứng nhu cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các DN trong việc triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.