Đồng Nai đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Năm 2024, Đồng Nai tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là giữ vị trí tốp đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu khi vượt mục tiêu đề ra cả về số xã cũng như huyện NTM kiểu mẫu đến năm 2025.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang (bìa trái) và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản thế mạnh của Đồng Nai tại Lễ Công bố Xuân Lộc đạt Huyện nông thôn mới nâng cao. Ảnh: B.Nguyên

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang (bìa trái) và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản thế mạnh của Đồng Nai tại Lễ Công bố Xuân Lộc đạt Huyện nông thôn mới nâng cao. Ảnh: B.Nguyên

Tham gia Hội nghị Sơ kết Đề án Xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, trong 4 huyện được chọn làm kiểu mẫu của cả nước, đến nay chỉ duy nhất huyện Xuân Lộc cơ bản đã hoàn thành NTM kiểu mẫu. Dù là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai có quyết tâm rất cao và có những chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng NTM; nhất là sự xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh.

Dấu ấn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Năm 2024, các địa phương của Đồng Nai phải đối mặt với nhiều thách thức trong xây dựng NTM nói chung, NTM kiểu mẫu nói riêng vì các Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu tăng thêm với yêu cầu cao hơn.

Trong khi đó, những xã được chọn xây dựng NTM kiểu mẫu trong năm nay đều là những địa phương còn nhiều khó khăn, có điểm xuất phát thấp hơn so với những địa phương đã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu trước đó. Đặc biệt, những huyện vùng sâu, miền núi càng gặp khó khăn do có địa bàn rộng, cần nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng nông thôn, cũng như trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí khác.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, ngoài mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa chuyên sâu bền vững, điểm sáng tạo của huyện Xuân Lộc còn là tập trung làm kiểu mẫu về các mô hình khác hỗ trợ cho mục tiêu chính. Đồng Nai có mô hình kiểu mẫu chuyên sâu đan xen với các mô hình kiểu mẫu khác là bài học giá trị cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khi tham mưu cho Chính phủ trong xây dựng huyện NTM kiểu mẫu.

Kết quả năm 2024, toàn tỉnh có thêm 7 xã được công nhận NTM kiểu mẫu và nhiều xã đang chờ thẩm định, công nhận, vượt xa chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025. Ngoài ra, 2 huyện Định Quán, Thống Nhất hiện có nhiều tiêu chí đạt và được Hội đồng Thẩm định trung ương đánh giá sơ bộ, đang hoàn thiện hồ sơ minh chứng để đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Về huyện NTM kiểu mẫu, Xuân Lộc hiện đã đạt tất cả các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án Xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, sớm hơn một năm so với mục tiêu đề án đặt ra. Hiện Xuân Lộc đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và một đô thị văn minh. Đặc biệt, nhiều xã vùng sâu khó khăn đã về đích NTM kiểu mẫu với kết quả ấn tượng.

Năm 2024, huyện Tân Phú có nhiều bứt phá trong xây dựng NTM khi có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Phú Lâm tuy là xã của huyện miền núi nhưng lại phát triển khá đồng bộ các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cũng như tiểu thủ công nghiệp - xây dựng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã cũng đạt mức cao là 9,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 110 triệu đồng/năm, mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn cao nhất tỉnh.

Ấn tượng hơn nữa là nhiều xã vùng sâu như: Xuân Thành, Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) lại chọn làm kiểu mẫu về chuyển đổi số gắn với mục tiêu hình thành những vùng quê thông minh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam (bìa phải) tham quan mô hình Trồng tiêu theo hướng hữu cơ tại xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam (bìa phải) tham quan mô hình Trồng tiêu theo hướng hữu cơ tại xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho biết, nhiều xã vùng sâu tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế nông thôn. Tại các xã thí điểm nông thôn thông minh đã tiên phong triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử... để đẩy mạnh xây dựng chính quyền số. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính được chuyển đổi dần theo phương thức trực tuyến. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (hiện là Bí thư Huyện ủy Long Thành), trong phát triển sản xuất, các địa phương không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thể hiện rất rõ qua các chương trình phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản. Tiêu biểu, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện toàn tỉnh có 248 sản phẩm OCOP của 149 chủ thể. Đặc biệt, có 9 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây là yếu tố giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Tạo động lực cho phong trào của cả nước

Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương luôn xác định nông dân là chủ thể cũng như là đối tượng hưởng thụ.

Theo đó, Cuộc vận động Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp, thu hút đông đảo người dân nông thôn hưởng ứng; thực sự khích lệ toàn dân đồng lòng, chung tay, tích cực tham gia. Trong xây dựng NTM, nông dân là lực lượng chính góp công, góp của xây dựng NTM.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, trong năm 2024, nông dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp trên 38,6 tỷ đồng, hơn 5,6 ngàn ngày công lao động, hiến gần 13 ngàn m2 đất làm đường giao thông nông thôn, hiến gần 4,9 ngàn m3 đất đá để sửa chữa, làm mới 137km đường giao thông nông thôn; 38km kênh mương nội đồng; lắp đặt 21km đường điện thắp sáng; sửa chữa và nâng cấp 19 cầu cống.

Người dân cũng là lực lượng chính thực hiện có hiệu quả việc chỉnh trang diện mạo nông thôn, nhân rộng các tuyến đường kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Nhiều mô hình văn hóa hoạt động thật sự hiệu quả nhờ phát huy được tính cộng đồng, huy động cả cộng đồng ở khu vực nông thôn chung tay bảo vệ môi trường, thu gom rác; cộng đồng tự quản lý, bảo vệ an ninh trật tự.

Nông dân cũng là lực lượng chính trong phát triển sản xuất, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Phong trào Thi đua phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay giúp nông dân làm giàu ngay trên quê hương. Theo đó, các địa phương đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, cơ giới hóa đồng bộ gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hình thành những vùng sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm, đặc sản địa phương được phát triển. Tại nhiều vùng quê hình thành hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng.

Các địa phương của tỉnh đều chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt gần 46,3%, giá trị ước đạt trên 34,7 ngàn tỷ đồng. Toàn tỉnh đã hình thành 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 419 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vượt mục tiêu đến năm 2025.

Toàn tỉnh cũng có hơn 885 hécta sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực sản xuất theo quy trình tốt và tương đương đạt gần 10,3% trên tổng diện tích sản xuất. Toàn tỉnh cũng hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1,6 ngàn hécta, vượt gấp 5 lần so với mục tiêu đến năm 2025. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với diện tích gần 28 hécta.

Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Nguyễn Thị Hoàng Yến nhận xét: “Qua hoạt động tham quan, khảo sát các mô hình sản xuất, các xã NTM kiểu mẫu, tôi thấy kết quả xây dựng NTM của Xuân Lộc rất ấn tượng. Đặc biệt, thực hiện Đề án Xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu, tiêu chí huyện đạt được đều vượt so với kế hoạch, mục tiêu đề ra”.

Trong đó, có những tiêu chí rất khó đạt được, đặc biệt là sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, huyện đã có những suy nghĩ, trăn trở đặt ra rất sớm từ khi vừa bắt tay vào xây dựng NTM. Huyện Xuân Lộc được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chọn là nơi đầu tiên trong thẩm định kết quả xây dựng huyện NTM kiểu mẫu vì với kết quả cao địa phương đạt được sẽ tạo động lực cho các huyện khác trong cả nước có được ý chí và quyết tâm để hoàn thành mục tiêu NTM trong năm 2024 và của cả giai đoạn 2021-2025.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2024.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá rất cao tâm huyết của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Xuân Lộc trong tạo sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng nông thôn; về thay đổi đời sống văn hóa, tinh thần đoàn kết không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng rất cao, tiêu chí huyện Xuân Lộc đề ra là đạt 84 triệu đồng/năm nhưng hiện đã đạt gần 95,4 triệu đồng/năm”.

Địa phương có rất nhiều sáng tạo về ứng dụng khoa học, trong ứng dụng cơ khí, máy móc trong sản xuất nông nghiệp... Trong đó có những doanh nghiệp đầu tàu ứng dụng khoa học công nghệ từ các nước tiên tiến với nhiều cải tiến với chi phí rẻ hơn nhiều và sẵn sàng chuyển giao để nhân rộng ra các hộ nông dân. Ngoài ra, Đồng Nai đang xây dựng mô hình nông nghiệp trải nghiệm cho học sinh tham quan, học tập và tư duy của nông dân làm nông nghiệp giáo dục rất hay có thể học tập để triển khai cho cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khi thẩm định kết quả xây dựng huyện NTM kiểu mẫu của Xuân Lộc, kết quả đạt được về cảnh quan môi trường tại địa phương cho thấy sự đồng lòng, vào cuộc của người dân. Đồng Nai thực hiện xã hội hóa trong xây dựng NTM rất tốt và khi người dân vào cuộc thì mới là sự bền vững.

Lê Quyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202501/dong-nai-di-dau-ca-nuoc-trong-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-4b52adf/
Zalo