Đồng Nai ban hành văn bản hỏa tốc yêu cầu triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 12740/UBND-KTN về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A/H5N1 trên động vật hoang dã.

Lực lượng thú y thành phố Biên Hòa tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho đàn gia cầm tại khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: B.Nguyên

Lực lượng thú y thành phố Biên Hòa tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho đàn gia cầm tại khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, yêu cầu khu du lịch Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa) tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh đối với các cá thể hổ, báo cũng như các động vật hoang dã trong khu du lịch.

Cách ly con bệnh và thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh cho cơ quan chuyên môn khi phát hiện các trường hợp động vật hoang dã mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết và tiếp tục phối hợp lấy mẫu xét nghiệm.

Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục hàng ngày, không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có động vật mắc bệnh, chết. Hạn chế cho người tiếp xúc với động vật trong thời gian xử lý dịch bệnh, người chăm sóc được trang bị bảo hộ đầy đủ. Quản lý chặt nguồn thức ăn cho động vật hoang dã, không mở cửa đón khách tham quan cho tới khi xử lý hết dịch bệnh.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương điều tra dịch tễ cúm gia cầm A/H5N1 trên hổ và báo trong Khu du lịch Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa). Trong đó, tập trung xác định nguồn dịch, các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là truy xuất nguồn thức ăn cung cấp cho động vật và nguồn gốc động vật nhập về khu du lịch trong thời gian gần đây.

Điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm và xử lý ổ dịch. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm, đặc biệt khu vực xung quanh nơi nuôi nhốt hổ, báo, nơi cung cấp thức ăn cho động vật hoang dã để xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Giám sát chủ động vi rút cúm gia cầm trên các loài động vật hoang dã đang nuôi nhốt tại khu du lịch. Lấy mẫu phân, mẫu môi trường để giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên nhiều loài động vật và con người.

Ngoài ra, các đơn vị cần khẩn trương rà soát, thống kê lại tổng đàn gia cầm trên địa bàn, từ đó tiếp tục triển khai tiêm phòng cúm gia cầm trên đối tượng thuộc diện tiêm, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80%.

Tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm, hướng dẫn người dân chủ động giám sát dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch động vật trong đó có động vật hoang dã, sản phẩm động vật vận chuyển trên địa bàn.

Xử lý nghiêm những trường hợp nuôi nhốt động vật hoang dã không tuân thủ các quy định về thú y, các quy định về báo cáo dịch bệnh và phòng chống dịch bệnh động vật. Trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật về thú y và để lây lan dịch bệnh, cần đóng cửa khu du lịch cho đến khi xử lý hết dịch bệnh và xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong 9 tháng năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiêm được hơn 6,2 triệu liều vaccine phòng dịch cúm gia cầm tại những vùng có nguy cơ lưu hành virus hoặc có những ổ dịch cũ, từ nguồn ngân sách tỉnh. Những vùng an toàn, ngành Thú y khuyến cáo người dân tự tổ chức tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202410/dong-nai-ban-hanh-van-ban-hoa-toc-yeu-cau-trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-cum-gia-cam-281554e/
Zalo