Động lực thúc đẩy thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần BRICS
Trong số 20 nguyên thủ quốc gia đến và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Kazan, cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến sự xuất hiện của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một thành viên NATO. Vậy yếu tố nào thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần BRICS và nước này sẽ phải chịu những sức ép nào từ phương Tây?
Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với sức ép lớn từ phương Tây
Không thể phủ nhận những áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay khi Ankara vẫn phụ thuộc đáng kể về kinh tế, chủ yếu vào thị trường châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) đã và vẫn là đối tác thương mại chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Eurostat, vào năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác lớn thứ năm của EU. 41% kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ là sang EU. Theo giới phân tích chính trị, một trong những yếu tố chính thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước EU là nhờ vị trí địa lý thuận lợi.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với sức ép rất lớn từ Mỹ. Thực tế, Washington không ngần ngại sử dụng các “con bài” kinh tế để gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ một cách công khai. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan xếp hạng của Mỹ đã không khuyến nghị các nhà đầu tư nước này hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất trong 7 năm. Ngoài ra, mọi tuyên bố chống Thổ Nhĩ Kỳ của người đứng đầu Nhà Trắng hay các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đều đi kèm với sự sụt giảm tỷ giá hối đoái của đồng Lira.
Thực tế, thời gian qua, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng”. Mới đây nhất, đầu tháng 8/2024, Mỹ cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải chịu “hậu quả” nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu sang Nga các sản phẩm dân sự của Mỹ mà có thể ứng dụng cho quân sự.
Washington ngày càng lo ngại rằng quốc gia thành viên NATO này đã trở thành một trung tâm quan trọng mà qua đó các thiết bị điện tử do phương Tây sản xuất, bao gồm bộ xử lý, thẻ nhớ và bộ khuếch đại, được chuyển đến Nga, nơi mà theo cáo buộc, chúng được sử dụng để sản xuất tên lửa và thiết bị bay không người lái.
Động lực thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần BRICS
Sự quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với BRICS không phải là mới, xuất hiện từ năm 2018 khi tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bày tỏ mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của cấu trúc này.
Theo giới phân tích chính trị, sự quan tâm ngày càng tăng của Ankara đối với BRIS được thúc đẩy bởi cả động cơ chính trị và kinh tế. Về chính trị, BRICS đại diện cho tiếng nói tập trung của các nước đang phát triển, cung cấp nền tảng cho trật tự thế giới đa phương mới, với vai trò lớn hơn của các nước Nam toàn cầu. Nói cách khác, BRICS tự coi mình là đối trọng với trật tự quốc tế vồn bị thống trị bởi tập thể phương Tây.
Do đó, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một cường quốc khu vực trong việc gia nhập BRICS là nhất quán với chính sách đối ngoại cân bằng và đa chiều của nước này. Các chính trị gia và chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc gia nhập BRICS sẽ chỉ củng cố vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như một cầu nối giữa Đông và Tây, nâng cao tầm quan trọng chiến lược của nước này đối với cả hai bên.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, các tổ chức hợp tác quốc tế như BRICS ngày nay có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine diễn biến khó lường, tình hình bất ổn ở Trung Đông, nguy cơ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong những điều kiện nay, việc tăng cường hợp tác với BRICS có thể giúp Ankara đối phó với sự bất ổn trong hệ thống toàn cầu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.
Một khía cạnh quan trọng khác là sự thiếu cân bằng của các thể chế quốc tế hiện có, đặc biệt là sự phân bổ quyền lực không đồng đều trong các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Các nền kinh tế đang phát triển trong BRICS từ lâu đã bày tỏ sự thất vọng do thiếu đại diện và tiếng nói hạn chế trong các tổ chức này. Sự tham gia đầy đủ của Thổ Nhĩ Kỳ vào BRICS có thể cho phép nước này hợp tác với các quốc gia khác nhằm thúc đẩy cải cách các tổ chức toàn cầu hiện nay.
BRICS mở ra nhiều cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ
Hơn nữa, mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với BRICS phù hợp với chính sách ngoại giao chủ động, kinh hoạt của nước này với mong muốn tham gia sâu rộng vào các cấu trúc khu vực và quốc tế. Ví dụ, kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ở góc độ kinh tế, các nước BRICS chiếm 40% dân số thế giới và 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sau khi mở rộng vào năm 2024, BRICS hiện chiếm 46% dân số thế giới và 31% nền kinh tế toàn cầu. Mối quan hệ hợp tác và sâu hơn là tư cách thành viên BRICS sẽ tăng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang các nước thành viên.
Một mặt, điều này giúp Ankara đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn. Mặt khác, điều này rất quan trọng do sự thống trị của các thị trường phương Tây trong danh mục đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại, Ankara có thể giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế trong dài hạn.
Ngoài ra, việc tăng cường quan hệ với các thành viên BRICS có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ thu hút đầu tư mới, tạo cơ hội việc làm và cuối cùng, mở rộng sự hiện diện của các nước thành viên trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng khi thế giới chuyển từ trật tự kinh tế định hướng phương Tây sang trật tự kinh tế định hướng phương Đông. Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo...
Rõ ràng, bất chấp sức ép từ các nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang không ngừng xích lại gần BRICS bởi những lợi ích to lớn, xét cả ở góc độ chính trị và kinh tế. Chính sách đối ngoại tích cực của nước này, nhấn mạnh cách tiếp cận cân bằng giữa Đông và Tây, tạo thành một cơ sở chính trị vững chắc. Từ góc độ kinh tế, ảnh hưởng ngày càng tăng của các nước BRICS mở ra cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại, tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới và thu hút các nguồn đầu tư đa dạng để tăng trưởng dài hạn.