Phương Tây đang nhìn vào phương án 'đổi đất lấy hòa bình' ở Ukraine
Thất bại trên chiến trường và cuộc bầu cử ở Mỹ được cho là đã thúc đẩy sự chuyển hướng sang đàm phán của phương Tây.
Theo tờ Washington Post, các thành viên châu Âu của NATO ngày càng tin tưởng vào một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong đó Ukraine sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ mặc dù đã kiên quyết phản đối.
Mỹ và các đồng minh đã chuyển hàng trăm tỷ USD tiền mặt, vũ khí, thiết bị và đạn dược cho Ukraine kể từ năm 2022, đồng thời khẳng định họ không trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến.
Tờ Washington Post hôm 13/11 đưa tin rằng một số quốc gia châu Âu hiện đang trải qua một "sự thay đổi thầm lặng nhưng ngày càng tăng" hướng tới một lệnh ngừng bắn, theo đó Nga sẽ kiểm soát một số phần lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, đồng thời mang lại cho Kiev một số loại bảo đảm an ninh.
Theo nguồn tin này, các cuộc thảo luận kín đã được thúc đẩy bởi tình hình chiến trường “ảm đạm” đối với Ukraine và viễn cảnh nguồn tài trợ của Mỹ cạn kiệt khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025. Trong khi các tuyên bố công khai ủng hộ Kiev vẫn tiếp tục diễn ra thì một số quốc gia đang tìm cách “đặt nền móng” cho các cuộc đàm phán hòa bình, 10 nhà ngoại giao hiện tại và trước đây của EU và NATO đã tiết lộ với tờ báo Mỹ.
Một trong những ý tưởng đang được đưa ra là để Nga giữ các vùng lãnh thổ mà nước này hiện đang kiểm soát, trong khi Ukraine sẽ nhận được lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây hoặc các đảm bảo an ninh khác, nhưng không trở thành thành viên của NATO.
“Đây chắc chắn không còn là vấn đề ngoài lề nữa”, một quan chức phương Tây giấu tên nói với tờ báo, trong khi một quan chức cấp cao của NATO nói rằng những người đưa ra những đề xuất lấy đất đổi hòa bình như vậy không còn là điều cấm kỵ như trước đây.
Camille Grand đến từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu nói với Washington Post rằng các thành viên NATO ở châu Âu có rất nhiều ý kiến khác nhau về thỏa thuận hòa bình giữa Nga-Ukraine. Trong khi đó, không ai biết ông Trump sẽ đề xuất gì sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Theo tờ báo, chính quyền Mỹ hiện tại đã “gấp rút viện trợ quân sự nhiều nhất có thể” cho Ukraine trước khi điều đó xảy ra. Ngoại trưởng Antony Blinken đã tới Brussels hôm 13/11 để thảo luận chiến lược với các quan chức cấp cao của NATO, EU và Ukraine.
Một ngày trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng “khi thời điểm đến, không được quyết định gì về Ukraine mà không có người Ukraine, cũng như về châu Âu mà không có người châu Âu”.
Điều này gây ra một vấn đề cho NATO, vì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ chối mọi đề nghị từ bỏ các yêu sách lãnh thổ của mình hoặc cái gọi là nền tảng hòa bình, đồng thời kêu gọi Nga đầu hàng.
Hôm 13/11, cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podoliak, đã đăng trên X rằng các đề xuất hòa bình đến từ phương Tây chỉ là “hòa bình gây bất lợi cho nạn nhân” và không liên quan đến “các kịch bản thực sự buộc Nga phải ngừng xâm lược”.
Theo Washington Post, thách thức lớn nhất đối với phương Tây sẽ là “thay đổi thông điệp công khai về các cuộc đàm phán sau hơn 2 năm cảnh báo về mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu”, đòi hỏi phải chi hàng tỷ USD cho Ukraine.
“Đó là một điều quan trọng trong mọi thỏa thuận mà chúng tôi thực hiện”, một quan chức giấu tên nói với tờ báo. “Nó không bao giờ có thể được coi là một chiến thắng dành cho Nga”.
Moscow đã nêu các điều khoản của mình về việc chấm dứt chiến sự vào đầu năm nay, trong số đó sẽ có việc Ukraine rút khỏi tất cả các khu vực đã bỏ phiếu gia nhập Nga, giải tán chính phủ ở Kiev, cũng như sự trung lập về quân sự và chính trị vĩnh viễn.