Động lực tăng trưởng truyền thống có xu hướng giảm hiệu quả

Đây là nhận định nêu trong báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2024, triển vọng tăng trưởng năm 2025 do Đại học Kinh tế quốc dân công bố sáng 10/4.

Những yêu cầu mới cho tăng trưởng

Báo cáo được công bố tại Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng tăng trưởng năm 2025 do Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp cùng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2024; đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2024 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách); thành tựu và những hạn chế, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế.

Cùng đó, hội thảo còn phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2025; triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025; đề xuất những khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2025 cũng như đề xuất cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới.

Theo đó, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn sắp tới để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, cải cách thể chế kinh tế là nhiệm vụ then chốt để duy trì động lực tăng trưởng và kiến tạo động lực tăng trưởng mới.

Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong bối cảnh tăng trưởng mới. Ảnh: QL

Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong bối cảnh tăng trưởng mới. Ảnh: QL

Về triển vọng kinh tế Việt Nam, theo nhận định của báo cáo, các động lực tăng trưởng truyền thống đang có xu hướng giảm hiệu quả biên, hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, các động lực tăng trưởng mới chưa thực sự tác động mạnh mẽ. Môi trường tài chính vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bối cảnh mới cho tăng trưởng của Việt Nam đặt ra yêu cầu cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng đó cần mở rộng thị trường vốn nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh tiền tệ cũng như mở rộng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh một cách công bằng thông qua cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo.

Với chủ đề “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”, báo cáo cho rằng phải thiết lập các yêu cầu về chính sách rõ ràng với các văn bản pháp luật kinh tế cũng như đặt ra các chỉ số rõ ràng trong thẩm tra, thẩm định dự thảo văn bản.

Nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật công nhận và bảo vệ các loại tài sản số, tài sản được tạo lập bởi trí tuệ nhân tạo, tài sản vật chất được số hóa.

Rà soát số ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư và tại các luật chuyên ngành có liên quan, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể. Cùng đó, rà soát để điều chỉnh, loại bỏ các quy định pháp luật hạn chế bất hợp lý hoặc vượt quá mức cần thiết đối với hoạt động kinh doanh.

Khắc phục tính “lưỡng lự” trong pháp luật kinh tế

Bình luận về báo cáo, GS.TS Phạm Hồng Chương, giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần đánh giá hết các tác động của cả kinh tế thế giới lẫn trong nước để tạo môi trường tăng trưởng thuận lợi cho kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2025 mà còn cả những năm tới.

Nhấn mạnh việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế là góp phần gỡ "nút thắt" của các "nút thắt", chuyên gia này cho rằng việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng.

Hệ thống thể chế có tính bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ và giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế”, ông Chương nói.

Trong khi đó GS. TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, hạn chế lớn nhất của pháp luật kinh tế Việt Nam hiện nay là sự lưỡng lự giữa tôn trọng nguyên tắc thị trường và duy trì biện pháp quản lý hành chính. “Điều này dẫn đến những rào cản không cần thiết, làm giảm sự linh hoạt của nền kinh tế”, ông Thành nhìn nhận.

Liên quan đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khu vực tư nhân đóng góp tốt hơn vào nền kinh tế, ông Thành đề xuất việc Nhà nước cần chuyển tư duy từ làm thay sang hỗ trợ, đồng thời tăng cường năng lực thực thi của các cơ quan hữu quan. Tạo dựng môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng.

Chia sẻ nhận định này, GS.TS Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng khu vực tư nhân – gồm hơn 900.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh – đang gặp phải nhiều rào cản. Dù đóng góp hơn 43% GDP và sử dụng 85% lực lượng lao động, khu vực này vẫn chưa được xác lập là trụ cột trung tâm của chiến lược tăng trưởng.

Đặc biệt, theo ông Lợi, các mô hình kinh doanh mới – như fintech, thương mại điện tử, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng để phát triển. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang mặc chiếc áo thể chế quá chật, không thể lớn lên và bứt phá trong môi trường như vậy”, vị chuyên gia nêu ý kiến.

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, với quy mô GDP nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hệ thống thể chế kinh tế từng bước được hoàn thiện, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho thị trường và hội nhập quốc tế.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-luc-tang-truong-truyen-thong-co-xu-huong-giam-hieu-qua-382340.html
Zalo