Mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Cùng với mở rộng hệ thống phân phối truyền thống, việc phát triển các kênh bán hàng trực tuyến đang là giải pháp chiến lược nhằm mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là nền tảng thúc đẩy sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa địa phương.

Đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online

Vài năm trở lại đây, khi thương mại điện tử phát triển thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chuyển sang kinh doanh online. Không chỉ mở ra kênh tiếp cận thị trường mới, phương thức kinh doanh hiện đại này còn tạo cơ hội bứt phá về doanh thu, gia tăng giá trị sản phẩm.

Bà Trần Thị Bé-Giám đốc Công ty TNHH Trần Lâm Gia Phát (TP. Pleiku) chia sẻ: “Ban đầu, tôi lập kênh TikTok và chỉ nghĩ là thử livestream cho biết nhưng thật bất ngờ có khách ở tận TP. Hồ Chí Minh vào hỏi. Sau đó, họ đặt mua sản phẩm xúc xích, gà xông khói, khô bò… Sau lần mạnh dạn “lên sóng” đó, tôi livestream thường xuyên hơn và học cách làm video ngắn. Rồi đến khi được tập huấn nâng cao kiến thức về thương mại điện tử, tôi không chỉ biết cách đứng trước ống kính mà còn kể câu chuyện sản phẩm gắn liền với văn hóa của vùng đất để quảng bá món ăn trứ danh của địa phương. Khi khách hàng nhận thấy sự tâm huyết của người làm ra sản phẩm thì đó không đơn thuần là sản phẩm mà còn là kết tinh của bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất. Khi đó, cách truyền tải dễ chạm tới cảm xúc người tiêu dùng và khả năng chốt đơn hàng cao”.

Sau khi phát triển kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, bà Bé bắt đầu đăng ký gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn, trong đó đẩy mạnh bán hàng trên TikTok Shop. “Đây là nền tảng mà mình cần học hỏi nhiều. Đi cùng đó là cơ hội để bản thân mình trải nghiệm. Kênh bán hàng online giúp mình mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với nhu cầu và sự biến đổi của thị trường”-bà Bé chia sẻ.

 Bên cạnh phát triển nền tảng online, Công ty TNHH Trần Lâm Gia Phát chú trọng phát triển thị trường theo hướng tiếp cận đa kênh để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ảnh: V.T

Bên cạnh phát triển nền tảng online, Công ty TNHH Trần Lâm Gia Phát chú trọng phát triển thị trường theo hướng tiếp cận đa kênh để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ảnh: V.T

Hiện nay, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại là hướng đi tất yếu để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường nhanh hơn, mở ra không gian phát triển rộng lớn. Nắm bắt nhu cầu đó của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật (Bộ Công thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên, TikTok Shop và các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình tập huấn livestream bán hàng trên các nền tảng số.Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực ứng dụng vào thực tế, mở ra cơ hội trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng trực tuyến.

Hiện có nhiều chủ thể sản xuất ở Gia Lai đã được hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm như: tiêu Lệ Chí, cà phê Đak Yang, cà phê BaKa, mật ong Phương Di, bò khô chị Ba, tinh dầu bơ, chuối sấy, hạt điều, hạt mắc ca… lên sàn TikTok Shop.

Tới đây, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nội dung về ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đơn vị sẽ tổ chức phiên livestream các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh để hỗ trợ các nhà sản xuất bán hàng. Đây là hướng đi mới nhưng đầy tiềm năng khi các sản phẩm nông nghiệp có thể tiếp cận người tiêu dùng cả nước. Mô hình này từng tạo đột phá ở nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Sơn La, Bắc Giang… và đang được kỳ vọng sẽ tạo luồng sinh khí mới cho chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai.

 Sau khi được hướng dẫn cách thức livestream, nhiều hộ sản xuất đã biết ứng dụng vào thực tế để phát triển thị trường. Ảnh: V.T

Sau khi được hướng dẫn cách thức livestream, nhiều hộ sản xuất đã biết ứng dụng vào thực tế để phát triển thị trường. Ảnh: V.T

Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đánh giá: Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đang được triển khai một cách thực chất, bài bản và có chiều sâu. Tại hầu hết các hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh, Trung tâm luôn dành một khu vực riêng để hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử ocopgialai.vn; đồng thời, kết nối với các sàn thương mại điện tử khác hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tạo gian hàng, hướng dẫn quy trình, kỹ năng kinh doanh trên sàn… Hay tại các hội chợ, triển lãm ở TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2024, nhà sản xuất của Gia Lai cũng tiếp xúc và nghe nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, KOC, KOL hướng dẫn trực tiếp cách thức để bán hàng hiệu quả.

Đến nay, Gia Lai đã có 454 sản phẩm OCOP (gồm 1 sản phẩm 5 sao, 67 sản phẩm 4 sao và 386 sản phẩm 3 sao) ở các nhóm chủ yếu là thực phẩm, đồ uống, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu… Hiện có 5 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận OCOP 5 sao gồm: cà phê Đak Yang, cà phê Fine Robusta, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí và tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí.

Tháng 9 năm ngoái, phiên livestream bán hàng nông sản tỉnh Gia Lai trên nền tảng TikTok Shop do Sở Công thương phối hợp tổ chức đã kích cầu cho gần 100 sản phẩm đặc sản như: mật ong Phương Di, muối chấm Cô Hai Tây Nguyên, mắc ca Gia Lai, trà đậu đen Nam Phúc… tiếp cận mốc 149 ngàn lượt xem và tạo ra gần 800 đơn hàng chỉ trong 4 giờ đồng hồ. Kết quả bước đầu này cho thấy, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là không biên giới, là cơ hội rất lớn cho nhà sản xuất, nhà bán hàng trong tương lai.

Duy trì phương thức bán hàng đa kênh

Trong bối cảnh thị trường ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt và nhiều biến động, việc hỗ trợ nhà sản xuất tìm kiếm đầu ra không còn là vấn đề mang tính hỗ trợ đơn lẻ mà trở thành một phần trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Trên cơ sở Kế hoạch số 1364/KH-UBND ngày 20-9-2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã xây dựng Đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản năm 2025. Đây là động thái quan trọng, mang tính chiến lược nhằm kiến tạo hệ sinh thái tiêu thụ nông sản hiện đại, bền vững và hiệu quả hơn. Điểm nhấn trong đề án là tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản qua các hoạt động hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tại các hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành trên cả nước. Từ đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tìm kiếm đối tác, mở rộng mạng lưới phân phối.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, Gia Lai đã hình thành và phát triển nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, mang đậm dấu ấn đặc trưng của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, trái cây chế biến...

Vì vậy, kế hoạch đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại không chỉ góp phần gia tăng sản lượng tiêu thụ mà còn thúc đẩy nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin sản phẩm. Đây là những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời là cách để nông sản Gia Lai xây dựng thương hiệu bền vững trong chuỗi giá trị.

Trước hết, người sản xuất phải thay đổi tư duy canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn chất lượng và tạo nguồn hàng có sản lượng lớn đáp ứng các đơn hàng. Chỉ khi chuỗi cung ứng được kết nối từ gốc đến ngọn, quá trình tiêu thụ mới thực sự bền vững. Muốn vậy, việc chuẩn hóa chất lượng và chuẩn hóa thông tin sản phẩm từ bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc cho đến tài liệu phải được chuẩn bị bài bản. Khi đó, nhà sản xuất mới có thể tiếp cận các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, sàn thương mại điện tử hay các nhà thu mua lớn.

 Tham gia các hội chợ, người sản xuất sẽ được tiếp cận trực tiếp với khách hàng để nắm bắt nhu cầu thị hiếu tiêu dùng. Ảnh: V.T

Tham gia các hội chợ, người sản xuất sẽ được tiếp cận trực tiếp với khách hàng để nắm bắt nhu cầu thị hiếu tiêu dùng. Ảnh: V.T

Để người sản xuất không bị thiếu thông tin thị trường, kỹ năng bán hàng và các kênh phân phối hiệu quả, Sở Công thương thường xuyên làm cầu nối cung cấp thông tin khách hàng, sản phẩm cho các nhà thu mua lớn; tổ chức đào tạo kỹ năng bán hàng đa kênh; thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa qua việc mở điểm bán hàng Việt để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Các điểm bán hàng Việt là nơi trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng về chất lượng của hàng Việt Nam, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng và lựa chọn sản phẩm trong nước.

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mo-rong-khong-gian-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep-post319359.html
Zalo