Động lực tăng trưởng mới của TP HCM

Trung tâm Tài chính quốc tế được triển khai với sự khác biệt, đủ sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ là cú hích quan trọng cho kinh tế TP HCM

Sáng nay, 2-1, TP HCM tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luật số 47-KL/TW tháng 11-2024 của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời, Ban Chỉ đạo xây dựng và Phát triển TTTC TP HCM cũng được thành lập.

Chờ cú hích cho đầu tàu kinh tế

Trước đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP HCM và TTTC khu vực tại Đà Nẵng.

Đề án xây dựng TTTC quốc tế ở TP HCM đã được ấp ủ từ nhiều năm qua. PGS-TS Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng (ĐHQG TP HCM), cho biết từ năm 2002, Nghị quyết 20/BCT của Bộ Chính trị về thành phố đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố trở thành TTTC của cả nước và tái khẳng định tại Nghị quyết 16/BCT năm 2012. Khởi động lại việc thực hiện kế hoạch này, trên cơ sở kiến nghị của TP HCM, Chính phủ đã đưa nhiệm vụ phát triển thành phố thành TTTC quốc tế vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TP HCM được đánh giá có nhiều lợi thế, thuận lợi để xây dựng TTTC quốc tế Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM được đánh giá có nhiều lợi thế, thuận lợi để xây dựng TTTC quốc tế Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn phục hồi kinh tế sau COVID-19, triển khai TTTC quốc tế được nhiều chuyên gia đánh giá là ý tưởng đột phá nhất cần được ủng hộ nhằm tạo sự bứt tốc mạnh mẽ cho siêu đô thị này. Nếu đề án sớm được triển khai sẽ là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, tạo đột phá cho kinh tế thành phố.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM, phân tích số liệu tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2024 là kết quả của cả quá trình nỗ lực, phấn đấu trong những năm trước, cùng với động lực từ đầu tư và tiêu dùng. Giai đoạn vừa rồi, đóng góp vào tăng trưởng GDP của kinh tế thành phố có đi xuống nhưng đóng góp vào tổng thu ngân sách cho cả nước vẫn giữ phong độ. Tỉ lệ đóng góp vào ngân sách thành phố vẫn ở mức 26%-27%, vượt mốc 500.000 tỉ đồng là con số quan trọng.

Hạ tầng của thành phố đang có sự thay đổi, không chỉ tuyến Metro số 1 vận hành chính thức mà thống kê cho thấy chỉ trong nhiệm kỳ vừa qua của chính quyền thành phố, có khoảng 18 cây cầu được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đặc biệt, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đề án xây dựng TTTC quốc tế TP HCM đã được Bộ Chính trị thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án thành lập trung tâm này. Bài toán quan trọng là hệ sinh thái đi theo trung tâm này ra sao?

"Sẽ là các ngành dịch vụ đi cùng nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển đồng bộ ngành bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, dịch vụ logistics, thương mại như đã từng đặt ra. Thành phố cần lưu ý thêm những động lực tăng trưởng mới, những dịch vụ mới cần được đầu tư phát triển như dịch vụ y tế - trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cả khu vực Đông Nam Á" - PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.

Chọn mô hình phù hợp

Đề án xây dựng TTTC quốc tế được thông qua là bước tiến mới, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo đột phá cho kinh tế thành phố. Vậy chọn mô hình nào cho TTTC quốc tế này?

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết TTTC quốc tế tại thành phố sẽ được nghiên cứu dựa trên các siêu mô hình đi trước, từ những TTTC hiện hữu như London, New York, Frankfurt; TTTC gần đây như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) hay TTTC mới nổi với cơ chế chính sách đặc biệt như Dubai.

Cụ thể, nên chọn mô hình với góc nhìn phù hợp ở Việt Nam, hình thành nên các chính sách đi cùng. Trong đó, ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) và trí tuệ nhân tạo (AI) là vấn đề rất quan trọng, vốn đã được Việt Nam ứng dụng vào một số lĩnh vực như cơ chế thử nghiệm (sandbox) trong cho vay ngang hàng. Ứng dụng AI để đánh giá tín dụng, chấm điểm tín dụng; ứng dụng AI vào khởi nghiệp…

PGS-TS Trần Hùng Sơn cũng nêu quan điểm có thể xây dựng trung tâm fintech như một trong những trụ cột của TTTC quốc tế ở thành phố. Cần phát triển hệ sinh thái fintech, trong đó triển khai sandbox cho hoạt động công nghệ tài chính là yếu tố thúc đẩy, góp phần phát triển sản phẩm tài chính có tính sáng tạo cho thị trường tài chính quốc tế. Thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp fintech phát triển sôi động, cung cấp nhiều hình thức tài trợ cho các công ty khởi nghiệp - triển khai sandbox là một tín hiệu để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

"Thu hút các công ty tài chính và công nghệ trên thế giới, từ đó xây dựng thương hiệu thị trường tài chính quốc tế của thành phố, thu hút lao động chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Việc triển khai sandbox sẽ giúp lãnh đạo thành phố có thêm kênh thể hiện định hướng phát triển và xây dựng thương hiệu TTTC quốc tế nói chung và trung tâm fintech nói riêng; lắng nghe kiến nghị, đề xuất để xây dựng chính sách, điều kiện cơ sở vật chất phù hợp cho sự phát triển TTTC quốc tế" - PGS-TS Trần Hùng Sơn phân tích.

Báo Người Lao Động từng tổ chức tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM", trong đó nhiều chuyên gia nhận định triển khai TTTC quốc tế được xem là cú hích cho phát triển kinh tế TP HCM và cả nước.

Trong nhiều lần trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chia sẻ đề án TTTC quốc tế ông đã đồng hành nghiên cứu suốt 20 năm qua. Đề án này cũng được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của thành phố (nhiệm kỳ 2020-2025) nhưng tinh thần phải tập trung, trong điều kiện có thể để sớm nhất hình thành TTTC quốc tế, phù hợp xu hướng phát triển của thành phố.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng nhận định mô hình TTTC quốc tế không chỉ vượt trội mà phải khác biệt. Mấu chốt của trung tâm này phải theo quy mô, thế hệ mới cho tương lai, làm sao cạnh tranh được với khu vực và quốc tế để trong vài chục năm nữa vẫn hiệu quả. TTTC quốc tế ở thành phố phải có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Kết nối nhà đầu tư tiềm năng

Giữa tháng 12-2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành chức năng, địa phương (TP HCM và Đà Nẵng) về kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết cơ quan này đã phối hợp với các cơ quan, địa phương và các đối tác liên quan để hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo kế hoạch hành động về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về TTTC khu vực và quốc tế và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước có kinh nghiệm tư vấn phát triển TTTC nhằm kết nối tổ chức, nhà đầu tư tiềm năng chuẩn bị triển khai nhiệm vụ được giao.

Theo kế hoạch dự kiến, TTTC quốc tế sẽ được thành lập tại TP HCM và TTTC khu vực sẽ được thành lập tại Đà Nẵng.

Phải khác biệt, có sức hút

Lợi thế của thành phố đang là mức độ sẵn sàng tương đối tốt, cạnh tranh về chi phí hoạt động so với nhiều TTTC quốc tế khác. Quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam trong vài năm qua thuộc vào nhóm nhanh nhất trong khu vực. Tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng, khả năng tiếp cận tài chính toàn diện cũng tương đối cao...

Dù vậy, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng TTTC quốc tế đặt tại thành phố phải được xây dựng khác biệt so với những trung tâm hiện hữu như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Nếu ra đời sau mà lối đi không khác biệt sẽ không đủ sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ khắp thế giới đổ về.

Trong các giải pháp, cần khung pháp lý rõ ràng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư. Thành phố có thể học tập những mô hình TTTC quốc tế của các nước, nghiên cứu rút ngắn giai đoạn thực hiện để triển khai hiệu quả, thành công hơn.

"Phải gỡ được vướng mắc lớn nhất hiện nay trong hình thành TTTC quốc tế là dòng vốn chưa được trung chuyển tự do. Các trung tâm đang vận hành trên thế giới như Singapore, Dubai, Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc) đều cho phép dòng vốn được tự do trung chuyển. Việt Nam đang vướng quy định về ngoại hối nên dòng tiền của nhà đầu tư muốn chuyển ra nước ngoài, phải thực hiện các bước chứng minh theo quy định. Nay có thể nghiên cứu áp dụng mô hình khu tài chính tự do, trong đó dòng vốn nước ngoài khi chảy vào sẽ được tự do chuyển đổi với hạn mức, điều kiện nhất định" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân góp ý.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-luc-tang-truong-moi-cua-tp-hcm-196250101204525925.htm
Zalo