Động lực phát triển kinh tế từ trung tâm tài chính
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, các trung tâm tài chính quốc tế đã và đang đóng vai trò trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng các hoạt động tài chính. Nhiều quốc gia xem việc phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là định hướng lớn, vừa là quyết sách của chính phủ, vừa đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.
Mô hình New York
Theo thống kê Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI) của tổ chức Z/Yen Partners (Anh), trên thế giới có 21 trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế đang đóng vai trò là xương sống cho thị trường vốn toàn cầu trong nhiều thập niên qua, đứng đầu là New York (Mỹ), London (Anh), Tokyo (Nhật Bản). Bên cạnh đó, những TTTC mới nổi như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), Seoul (Hàn Quốc) đang vươn lên mạnh mẽ.
Từ thế kỷ 19, New York đã là TTTC quan trọng nhờ vị trí địa lý thuận lợi và sự bùng nổ của các ngành thương mại, ngân hàng. Từ năm 1817, New York chính thức hóa sàn giao dịch của mình bằng cách thành lập Hội đồng Chứng khoán và Giao dịch New York, sau này trở thành Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Đến thế kỷ 20, với sự phát triển của NYSE, phố Wall và các ngân hàng đầu tư hàng đầu, New York chính thức trở thành điểm huy động vốn lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của GFCI, thành phố New York của Mỹ giữ vững vị thế TTTC lớn nhất thế giới trong 133 thành phố nằm trong bảng thống kê.
Để được như ngày hôm nay, New York đã không ngừng xây dựng hệ thống tài chính linh hoạt để thu hút dòng vốn toàn cầu. Bên cạnh đó là phát triển thị trường chứng khoán mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn, xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại để cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế và định vị trung tâm tài chính như một điểm kết nối quốc tế, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Với vốn hóa thị trường chứng khoán 46.000 tỷ USD, 2 sàn chứng khoán NYSE và Nasdaq chiếm tới 40% tổng vốn hóa toàn cầu. Trong đó, Nasdaq đang là sàn giao dịch của các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Microsoft, Google, Tesla, các ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley.

Sở Giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: XINHUA
“Cửa ngõ” kết nối
Để một TTTC quốc tế vươn lên vị thế toàn cầu, không thể chỉ dựa vào vị trí địa lý hay nguồn lực tài chính, mà cần có một chiến lược quốc gia bền bỉ, nhất quán và tầm nhìn dài hạn. Ở khu vực châu Á, Hong Kong (Trung Quốc) là minh chứng điển hình. Thành công không chỉ giúp Hong Kong duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng mà còn đưa thu nhập bình quân đầu người lên mức trên 50.000 USD/năm. Nhờ vị trí địa lý chiến lược, khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế từ năm 1978, Hong Kong nhanh chóng trở thành cầu nối giúp các doanh nghiệp đại lục huy động vốn quốc tế, mở rộng thương mại và thu hút đầu tư. Ngay từ những năm 1980, Hong Kong đã theo đuổi mô hình kinh tế thị trường tự do, không kiểm soát dòng vốn và thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế.
Dựa trên hệ thống thông luật, nền tư pháp minh bạch và độc lập của Hong Kong đã tạo niềm tin cho các thành viên thị trường. Các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán và Hàng hóa tương lai (SFC), Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA), cùng với Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (ICAC) hoạt động tự chủ và chuyên nghiệp, đảm bảo sân chơi bình đẳng, bảo vệ nhà đầu tư và hạn chế tham nhũng. Chính sách thuế thấp, môi trường kinh doanh minh bạch và hệ thống pháp lý vững mạnh đã giúp Hong Kong trở thành điểm đến hấp dẫn cho các quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty chứng khoán toàn cầu. Hong Kong hiện là nơi đặt trụ sở của hơn 70 trong số 100 ngân hàng lớn nhất thế giới, trong đó có HSBC, Standard Chartered, Citibank... Các ngân hàng này đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, chỉ với hơn 30 năm, Singapore từ một nước nghèo trở thành TTTC hàng đầu và giữ “phong độ” đến ngày nay. Đảo quốc này đã thiết lập một hệ thống tài chính không giới hạn dòng vốn, cho phép các ngân hàng, quỹ đầu tư và doanh nghiệp quốc tế dễ dàng đưa vốn vào và rút ra mà không gặp rào cản. Là một trong những nước có hệ thống chính trị cởi mở và toàn diện nhất trên thế giới, nhờ hạ tầng vượt trội và hệ sinh thái sáng tạo, Singapore trở thành “bệ phóng” cho các doanh nghiệp châu Á vươn ra toàn cầu, đặc biệt trong hành trình niêm yết tại Mỹ.
Để tạo điều kiện thúc đẩy tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, Singapore luôn nỗ lực duy trì hệ thống chính trị minh bạch, các chính sách cởi mở và bài trừ tham nhũng. Singapore đã đầu tư mạnh vào công nghệ tài chính (fintech), với hàng trăm startup về blockchain, thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo trong tài chính. Ngoài ra, Singapore cũng là trung tâm quản lý tài sản hàng đầu châu Á, với tổng tài sản quản lý lên đến 5.000 tỷ USD, thu hút giới siêu giàu từ khắp nơi trên thế giới. Hiện hàng loạt tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như HSBC, JPMorgan Chase, Citibank, DBS đặt trụ sở tại Singapore.