Động lực nào giúp cổ phiếu của Coteccons về đỉnh 6 năm
Cổ phiếu của Coteccons đã trở lại vùng giá hơn 90.000 đồng/cp - cao nhất trong gần 6 năm qua, đi cùng kết quả kinh doanh cải thiện và triển vọng ngành tích cực hơn.
Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons là một trong những mã diễn biến tích cực nhất thị trường thời gian qua. Mã kết phiên 14/2 ở mức giá 92.100 đồng/cp - cao nhất trong gần 6 năm qua (kể từ tháng 4/2019). Chỉ từ đầu tháng 1/2025 đến nay, mã này đã tăng 35% giá trị; còn so với thời điểm chạm đáy hồi tháng 11/2022, thị giá của CTD đã tăng hơn 4 lần.

Diễn biến cổ phiếu CTD.
CTD niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2010. Cổ phiếu này từng đạt đỉnh 170.000 đồng/cp vào cuối năm 2017. Đây là giai đoạn cực thịnh của doanh nghiệp dưới thời cựu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, doanh thu đạt đỉnh vùng 27.000 – 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận 1.500 – 1.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau đó, bối cảnh ngành đi xuống kèm "nội chiến" trong công ty đã khiến cổ phiếu CTD lao dốc, thời điểm thấp nhất hồi tháng 11/2022 thị giá chỉ còn hơn 20.000 đồng/cp.
Giống như sự “lao dốc” của giai đoạn trước, diễn biến khởi sắc của cổ phiếu CTD thời gian qua tương đồng với sự khởi sắc trong kinh doanh của doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính quý 2 năm tài chính 2025 (từ 1/10 đến 31/12/2024), công ty đạt doanh thu thuần gần 6.886 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Biên lợi nhuận gộp đạt 2,9%, giảm nhẹ so với mức 3% YoY.
Doanh thu tài chính và các chi phí thay đổi không lớn, tuy nhiên phần lợi nhuận khác gấp 2,8 lần cùng kỳ lên mức hơn 17 tỷ đồng (công ty không thuyết minh rõ). Kết quả, Coteccons lãi sau thuế 106 tỷ đồng, tăng 54% YoY. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của nhà thầu này kể từ quý 2/2020 đến nay.
Lũy kế nửa đầu năm tài chính 2025 (từ 1/7 đến 31/12/2024), Coteccons mang về doanh thu thuần gần 11.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 199 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 49% YoY.
Năm tài chính 2025 (từ 1/7/2024 đến 30/6/2025), Coteccons đặt mục tiêu trở lại mức doanh thu tỷ USD với con số 25.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm tài chính 2024 và là mức cao nhất kể từ năm 2019; lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, tăng 39% YoY. Như vậy sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 46% kế hoạch đề ra cho cả hai chỉ tiêu này.
Vào năm tài chính 2024, công ty xây dựng đạt doanh thu 21.045 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng; lần lượt tăng 31% và gấp 4,6 lần kết quả thực hiện trong năm tài chính 2023. Lợi nhuận tăng trưởng chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện, từ mức 2,25% năm 2023 lên 3,39%.
Kỳ vọng phục hồi cùng thị trường bất động sản
“Sức hút” của cổ phiếu CTD còn đến từ triển vọng ngành xây dựng, được dự báo sẽ phục hồi sau nhiều năm ảm đạm. Động lực đến từ thúc đẩy đầu tư công và thị trường bất động sản phục hồi. Thực tế, các cổ phiếu khác cùng ngành xây dựng hạ tầng như HBC, VGC, HHV, C4G, FCN, HTN... cũng có diễn biến khá tích cực trong thời gian qua.
Trong báo cáo triển vọng ngành năm 2025 phát hành hồi giữa tháng 1 vừa qua, Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, ngành xây dựng dân dụng – công nghiệp sẽ diễn biến tích cực, chủ yếu đến từ sự phục hồi diện rộng của thị trường bất động sản và dòng vốn FDI ổn định. Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt với thách thức về thanh khoản do chiếm dụng vốn kéo dài và biên lợi nhuận gộp mỏng do áp lực cạnh tranh và biến động giá nguyên vật liệu.
Đối với nhóm xây dựng nhà ở, đơn vị phân tích nhận định các nhà phát triển bất động sản sẽ được tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án nhờ cải thiện pháp lý trên diện rộng và tăng khả năng tiếp cận tín dụng khi rủi ro ngành được giảm thiểu. Qua đó mang lại nguồn công việc cho các doanh nghiệp xây dựng dân dụng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành sẽ cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh thực tế, khi sự phục hồi của thị trường bất động sản dân dụng trong năm 2024 vẫn mang tính cục bộ khiến nguồn cung chưa có sự cải thiện đáng kể. FPTS kỳ vọng, các doanh nghiệp xây dựng sẽ có thêm các hợp đồng vào nửa đầu năm và đạt điểm rơi doanh thu và lợi nhuận vào quý 4/2025, do quý cuối năm thường là thời điểm chốt nghiệm thu các dự án.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong báo cáo triển vọng ngành xây dựng phát hành hồi tháng 1/2025, cho rằng số lượng dự án bất động sản dân dụng được cấp phép xây dựng mới đã tạo đáy và đang dần hồi phục trong năm 2024. Sang 2025, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP HCM được dự báo tăng 21%/năm giúp cải thiện backlog (đơn hàng tồn đọng) mảng xây dựng dân dụng, khi các luật mới giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Do tác động của thị trường trái phiếu giai đoạn 2022-2023, KBSV nhận thấy phần lớn các nhà thầu xây dựng đều gặp khó khăn về dòng tiền khi quá trình thu hồi công nợ gặp khó khăn do phía chủ đầu tư chậm trả hoặc đàm phán, thay đổi phương thức thanh toán thành tài sản.
Đơn vị phân tích cho rằng các doanh nghiệp xây dựng với năng lực thi công đã được kiểm chứng và nền tảng tài chính khỏe mạnh sẽ có cơ hội đón đầu nguồn cung mới trong thời gian tới. Nổi bật trong số đó là CTD và Ricons khi vẫn tiếp tục duy trì lượng tiền mặt ở mức cao so với các đối thủ. Tính tới thời điểm cuối năm 2024, CTD có hơn 4.600 tỷ đồng tiền mặt dưới dạng tiền gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán.