Động lực để bóng đá Việt Nam vươn mình

Chức vô địch ASEAN Cup 2024 của tuyển Việt Nam là cơ hội để bóng đá nước nhà lấy lại sự tự tin sau gần 2 năm sa sút

Thành quả này liệu có tạo đà đưa bóng đá Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, tương xứng với tiềm năng và sự kỳ vọng cuồng nhiệt từ hàng triệu người hâm mộ nước nhà?

"Vui thôi đừng vui quá"!

Chân ướt chân ráo đến Việt Nam, lại chưa có kinh nghiệm dẫn dắt tuyển quốc gia, ông Kim Sang-sik phải trông chờ vào "cố vấn" đồng hương Park Hang-seo vốn đã đạt được nhiều vinh quang cùng tuyển Việt Nam trước đó.

Dù vậy, ông Kim vẫn loay hoay tìm kiếm nhân sự nhằm xây dựng đội tuyển theo đúng ý đồ chiến thuật của mình. Những trận giao hữu dù không như ý nhưng để lại những bài học "đắt xắt ra miếng" giúp ông dần kiện toàn năng lực chơi bóng của "những chiến binh Sao vàng".

Và rồi trải qua vòng bảng đến hết chung kết 2 lượt đi - về với Thái Lan, ông Kim đã trình làng một phiên bản nhà vô địch AFF Cup "Việt Nam 3.0" rất thuyết phục. Chúng ta thắng "voi chiến" 2 trận đi - về đầy kịch tính nhưng vẫn thể hiện tinh thần mạnh mẽ, kỷ luật và rất "thượng võ" khiến đối thủ phải tâm phục khẩu phục!

Chức vô địch ASEAN Cup 2024 sẽ là cú hích để bóng đá Việt vươn tầm (.Ảnh: THẠO HOÀNG)

Chức vô địch ASEAN Cup 2024 sẽ là cú hích để bóng đá Việt vươn tầm (.Ảnh: THẠO HOÀNG)

Nhưng "vui thôi đừng vui quá"! Thắng là một chuyện, còn để duy trì được vị thế "thống trị khu vực" lại là chuyện khác. Ngay từ bây giờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải vạch ra kế hoạch thật sự nghiêm túc để nâng vị thế bóng đá Việt lên tầm cao mới.

Trong cuộc gặp gỡ đội tuyển vừa vô địch trở về, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến yêu cầu bóng đá Việt Nam phải đặt mục tiêu lớn hơn, vô địch châu Á hay tham dự World Cup. Cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam, Park Hang-seo cũng gợi ý chúng ta không nên hài lòng với hiện tại mà đã đến lúc nên nhắm đến những cột mốc mới ở đấu trường châu Á.

Những gợi ý trên là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng, kỳ vọng của bóng đá Việt Nam trong bối cảnh đông đảo người Việt rất yêu môn thể thao vua. Bởi nói thật lòng rằng dù tuyển bóng đá Việt Nam vừa hạ bệ Thái Lan để trở thành "The King of ASEAN" nhưng về tổng thể, chúng ta còn xếp sau họ khá nhiều mặt, về nền tảng, tầm nhìn cơ sở vật chất, tiềm lực tài chính đầu tư bóng đá, bóng đá trẻ hoặc công nghệ tổ chức, kinh tế thể thao, thương mại - truyền thông bóng đá.

Chức vô địch ASEAN Cup 2024 trước mắt chỉ có ý nghĩa tạo cú hích, lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Còn về lâu dài, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, VFF không thể tự hài lòng với thành tích ở khu vực mà không ít người gọi là vùng trũng bóng đá.

"Phú quý giật lùi"

Còn nhớ dưới thời HLV Park Hang-seo, ngoài 2 HCV SEA Games lần thứ 30 và 31, đội U23 +3 từng lọt vào bán kết Á vận hội lần thứ 18. Trong khi đó, tuyển quốc gia từng tiệm cận với đỉnh cao châu Á như vào tứ kết Asian Cup 2019 và lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Lẽ ra với động lực mạnh mẽ đó chúng ta có thể làm một cuộc cách mạng hay "đại phẫu" các giải bóng đá quốc nội, thực hiện những yêu cầu chuyên nghiệp nghiêm ngặt hơn với CLB, thiết lập bài bản hệ thống đào tạo trẻ, nâng chất và tạo khác biệt cho nền bóng đá. Tiếc thay, chúng ta đã tự làm chậm những thời cơ, chưa quyết đoán trong thực hiện các bước đi, yêu cầu với các CLB chuyên nghiệp. Ngoài ra, những giải pháp chọn thuyền trưởng cho các đội tuyển trẻ, tuyển quốc gia cũng bị chệch choạc khiến bóng đá Việt rơi vào tình trạng "phú quý giật lùi".

Vì thế, chức vô địch ASEAN Cup 2024 là cơ hội quý để ngành thể thao, VFF, các ông bầu, các CLB cùng cộng đồng trách nhiệm, cân nhắc hài hòa các lợi ích chung - riêng để nâng tầm trình độ các đội tuyển bóng đá quốc gia, đặc biệt là tuyển quốc gia (A) - bộ mặt của nền bóng đá.

Trước mắt, với mục tiêu châu Á, liệu Việt Nam có lọt vào được tốp 8 (vị thế đủ để chúng ta giành vé dự World Cup theo chỉ tiêu mới của FIFA (châu Á có 8,5 suất)? Việt Nam làm gì để hiện thực hóa giấc mơ vô địch Asian Cup - nơi chúng ta cũng từng lọt vào đến tứ kết?

Đó điều là những mục tiêu lớn, đầy chông gai, thử thách nhưng không phải không làm được nếu những nhà hoạch định bóng đá thực hiện có tâm, có trách nhiệm, huy động được nhiều nguồn lực xã hội.

Lúc này, nâng tầm đội tuyển phải tính đến tất cả yếu tố. Sử dụng nguồn cầu thủ Việt kiều hay nhập tịch là một giải pháp tốt như trường hợp của các thủ môn Filip Nguyễn, Đặng Văn Lâm hay Rafaelson- Nguyễn Xuân Son. Nó giúp đội tuyển mạnh lên tức thì. Nếu cần thiết, vẫn có thể điểm xuyết thêm một hai vị trí nữa nhưng chúng ta không nên lạm dụng việc này. Đơn giản, bóng đá cần tạo động lực cho tất cả và không được đánh mất yếu tố bản sắc.

Nên nhớ, đào tạo cầu thủ trẻ, tìm ra những tài năng bản địa là yếu tố căn cơ như những gì mà bầu Đức, bầu Hiển đã làm. Trong khi đó, nâng cao chất lượng hệ thống giải đấu quốc nội, tìm kiếm nguồn tài chính, chính sách phát triển bóng đá, hợp tác quốc tế, tổ chức hệ thống giải trẻ song song với các giải chuyên nghiệp là cách làm mà các nền bóng đá tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc là tấm gương.

Việt Nam đang chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới trên tất cả các lĩnh vực. Bóng đá cũng không nằm ngoài guồng quay này. Niềm vui khi chúng ta trở lại với vị thế đứng đầu bóng đá khu vực nên được xem là sự hâm nóng và bước chạy đà cho những mục tiêu lớn hơn - giai đoạn bóng đá Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình ra châu Á và World Cup!

HUỲNH SANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-luc-de-bong-da-viet-nam-vuon-minh-196250107205615266.htm
Zalo