Động lực cho tăng trưởng ở châu Á

Kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận bước chuyển mình quan trọng trong quý 3-2024 với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự báo ban đầu.

Theo báo cáo chính thức, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản tăng 1,2% trong quý 3-2024 so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu quý tăng trưởng đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau thời gian dài chững lại. Xuất khẩu đã trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng cao, đặc biệt ở các thị trường châu Á. Sự gia tăng đầu tư vốn vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, bao gồm công nghệ và sản xuất, đã củng cố thêm nền tảng tăng trưởng bền vững.

Một yếu tố khác giúp kinh tế Nhật Bản khởi sắc là do chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Kazuo Ueda, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt. Lãi suất vẫn được giữ ở mức 0,25%, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Dù thị trường kỳ vọng BOJ sẽ tăng lãi suất trong tương lai gần, sự kiên định trong chính sách hiện tại đã giúp ổn định tâm lý đầu tư, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những bất ổn từ bên ngoài.

Sự khởi sắc của Nhật Bản mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho châu Á. Với nền tảng tăng trưởng được củng cố trong năm 2024, Nhật Bản bước vào năm 2025 với vai trò đầu tàu kinh tế khu vực. Chính phủ Nhật Bản dự kiến tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo và sản xuất thông minh. Các chính sách này không chỉ giúp Nhật Bản duy trì đà phát triển mà còn định hình tương lai kinh tế châu Á theo hướng bền vững và đổi mới sáng tạo. Dù có các dấu hiệu phục hồi tích cực, nền kinh tế lớn này vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Những thách thức về địa chính trị thế giới, nợ công (trên 200% GDP), dân số già và kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng của đất nước Mặt trời mọc.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-luc-cho-tang-truong-o-chau-a-post775232.html
Zalo