Đóng lối đi tự mở đường sắt, đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'
Rào chắn lối đi tự mở là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm an toàn đường sắt, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, phải kiên quyết xử lý những người ngăn cản việc làm cấp thiết này.
Tai nạn thương tâm
Thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên các tuyến đường sắt quốc gia còn tồn tại 3.262 vị trí lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 68% tổng giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Đây là những vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường sắt.
Mới đây, ngày 4/2, Hà Nội lại xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng liên quan đến lối đi tự mở. Ngay sau vụ người đi xe máy va chạm với tàu hỏa, ngành đường sắt đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xóa 4 lối đi tự mở trên địa bàn Hà Nội tại km6 + 963, km6 + 910, km6 + 875, km6 + 847 tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.
![Lực lượng chức năng tiến hành rào chắn lối đi tự mở qua đường sắt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_11_51431373/adeee4fddeb337ed6ea2.jpg)
Lực lượng chức năng tiến hành rào chắn lối đi tự mở qua đường sắt.
Trước đó, vào ngày 4/2, đoàn tàu TN5 xuất phát tại Ga Hà Nội đến km 6 + 963 khu Giáp Bát - Văn Điển đã xảy ra va chạm với xe máy BKS: 29BH - 007.95.
Cụ thể, anh Nguyễn Mạnh C, SN 1984 ở Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) điều khiển xe máy đi qua lối tự mở (km 6 + 963) dẫn tới va chạm với tàu hỏa. Hậu quả, nạn nhân chết tại chỗ, xe máy hư hỏng nặng.
Đây là một trong những điểm đen về tai nạn giao thông đường sắt. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, từ năm 2018 chính quyền địa phương và các đơn vị đường sắt đã nhiều lần tiến hành thu hẹp và đóng lối đi tự mở này (đây là lối đi tự mở qua đường sắt vào làng Tứ Kỳ) nhưng đều bị người dân phản đối quyết liệt…
Nhằm lập lại kỷ cương, trật tự ATGTĐS tại km 6 + 963, các cơ quan chức năng đã tiến hành rào - đóng lối đi tự mở này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cùng công an sở tại đã trực tiếp vận động người dân sống xung quanh khu vực từ km 5 + 000 đến km 7 + 000 ký cam kết thực hiện đảm bảo an toàn đường sắt. Đồng thời vận động người dân đồng thuận và tiến hành rào - đóng 3 lối đi tự mở khác tại km 6 + 910, km 6 + 875, km 6 + 847.
Chưa quyết liệt
Phải thẳng thắn nhìn nhận, việc xảy ra tình trạng người dân ngăn cản xóa lối đi tự mở giữa đường bộ với đường sắt có phần do công tác tuyên truyền chưa đạt yêu cầu ở góc độ địa phương, chưa làm rõ được ý nghĩa của việc rào chắn lại lối đi tự mở tới người dân.
Chuyên gia giao thông thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết: “Dẫu có thể làm một số người bớt chút “tiện” khi đi lại, nhưng cái được lớn hơn nhiều là phần đông người dân sẽ an toàn, không còn nơm nớp lo sợ khi băng qua lối đi tự mở. Tuy nhiên, sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng khiến nhiều lối đi tự mở phải xóa chưa thể thực hiện được”.
Vị chuyên gia này cho rằng, rào chắn lối đi tự mở là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm an toàn đường sắt, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, phải kiên quyết xử lý những người ngăn cản việc làm cấp thiết này; đồng thời kiên quyết với cả lãnh đạo những địa phương để xảy ra với tình trạng trên. Để hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT và TP Hà Nội, cần quyết liệt hơn, không được cả nể. Chính quyền các địa phương liên quan phải tích cực chung tay, để không tái diễn những vụ việc cản trở lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách đường bộ - đường sắt, đường ngang, hầm chui, cầu vượt đạt tỷ lệ thấp so với lộ trình. Do vậy, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện xây dựng hàng rào, đường gom xóa bỏ lối đi tự mở. Cùng đó, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ như cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào/đường gom...
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, giải quyết vấn đề hành lang an toàn giao thông đường sắt đã triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt tập trung xử lý các lối đi tự mở. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng các lối đi tự mở qua đường sắt bị xóa bỏ rất ít so với số lượng mới mọc thêm. Từ năm 2015 đến nay, tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt đã giảm dần cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy vậy, các vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 37 - 48%.
“Ở một số đoạn lối đi tự mở qua đường sắt mọc sát nhau ảnh hưởng đến tốc độ tàu chạy cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy, cần phải nghiên cứu lại. Xác định xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt. Cũng cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang an toàn giao thông đường sắt và phải có biện pháp với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ” – thạc sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ.