Đồng hành với người lao động bước vào kỷ nguyên mới
Đồng hành với người lao động bước vào kỷ nguyên mới
_____________________________________
Tập trung trí tuệ, trách nhiệm cho công tác tham gia xây dựng - triển khai thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động luôn là nội dung trọng tâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn. Điểm nhấn đặc biệt trong năm 2024 là việc Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với nhiều điểm mới quan trọng, mở ra cơ hội để tổ chức Công đoàn đồng hành với người lao động bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025 - một mùa xuân mới với nhiều kỳ vọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã dành cho Báo Đại biểu Nhân dân cuộc trò chuyện thân tình xung quanh việc tham gia xây dựng - triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật liên quan để đại diện, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Thúc đẩy kiến tạo môi trường lao động lành mạnh, hiệu quả hơn
- Thưa ông, tập trung trí tuệ, trách nhiệm cho công tác tham gia xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động luôn là nội dung trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn. Xin ông chia sẻ những điểm nhấn trong công tác này của năm 2024?
- Xác định việc đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Tổ chức Công đoàn đã tích cực nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động, như: dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Nghị định quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Nghị định quy định về Nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở năm 2023... Nhiều ý kiến đóng góp của Công đoàn đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, góp phần chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Điểm mới và cũng là điểm nhấn là trước thềm Kỳ họp thứ Bảy và thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Đã có 103 chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động năm 2024, do các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức. Tập trung lấy ý kiến cử tri là công nhân lao động về dự án Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, dự án Luật Công đoàn. Qua đó, ghi nhận hàng ngàn lượt ý kiến, kiến nghị của công nhân, người lao động tổng hợp, phản ánh với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu tiếp thu xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người lao động bảo đảm khả thi, sát thực tiễn.
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn đã tập trung tâm huyết, trí tuệ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV; tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Ngày 27.11.2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý rất quan trọng cho tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thu hút, tập hợp, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động.
- Với nhiều điểm mới quan trọng, Luật Công đoàn (sửa đổi) mở ra những cơ hội và trách nhiệm mới cho tổ chức Công đoàn trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đem đến cho người lao động niềm tin và kỳ vọng về một môi trường làm việc an toàn, minh bạch và bình đẳng hơn, thưa ông?
- Cùng với kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện, Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng so với Luật hiện hành, tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong hoạt động công đoàn, bảo đảm tính hiệu quả, minh bạch và phù hợp với thực tiễn. Đơn cử, không chỉ mở rộng phạm vi và đối tượng tham gia, khẳng định vị thế của Công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động ở cấp quốc gia. Công đoàn được bổ sung quyền giám sát, phát hiện và phản biện xã hội, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và thúc đẩy kiến tạo môi trường lao động lành mạnh, hiệu quả hơn.
Có hiệu lực từ ngày 1.7.2025, Luật Công đoàn (sửa đổi) không chỉ là bước tiến trong chính sách - pháp luật mà còn là lời cam kết, mang lại niềm tin và kỳ vọng lớn cho hàng triệu người lao động trên cả nước về một tương lai làm việc an toàn, minh bạch và bình đẳng hơn. Đây cũng là cơ hội để tổ chức Công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, đồng hành với người lao động bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Đưa nguyện vọng của công nhân lao động vào các quyết sách
- Để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, những nội dung nào được các cấp công đoàn tập trung thực hiện trong năm 2025, thưa ông?
- Cùng với quán triệt, triển khai thực thi để Luật Công đoàn (sửa đổi) sớm phát huy hiệu quả, hiện thực hóa kỳ vọng lớn cho hàng triệu người lao động trên cả nước về một môi trường làm việc an toàn, minh bạch và bình đẳng hơn. Các cấp công đoàn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động. Tập trung là Luật Việc làm (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng; chế độ, chính sách của đoàn viên, người lao động trong thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Với chủ đề năm 2025: “Tập trung phát triển đoàn viên; tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, các chỉ tiêu chủ yếu được các cấp công đoàn xác định: 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ít nhất 78% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; phấn đấu 80% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu. Đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca ở 2.862 doanh nghiệp theo mức quy định.
Từ hiệu quả thiết thực mang lại, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các Chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động để lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động. Qua đó, tổng hợp, phản ánh với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu tiếp thu xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người lao động, góp phần để những kiến nghị chính đáng, đề xuất thiết thực trở thành nội dung các quyết sách.
- Bên cạnh tham gia xây dựng - triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động, còn nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm của các cấp công đoàn trong bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, thưa ông?
- Để bảo đảm quyền lợi thương lượng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, Công đoàn sẽ tập trung ký kết thỏa ước lao động tập thể với các nội dung có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật; nhất là nội dung về tiền lương, tiền thưởng, thưởng theo tỷ lệ giá trị làm lợi của các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài, giải pháp hữu ích, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động. Tăng cường thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia. Nghiên cứu, thí điểm về thỏa ước lao động tập thể, thỏa thuận khung cấp quốc gia.
Công đoàn tiếp tục bám sát - thực thi các cơ chế, chính sách liên quan về triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, lao động thu nhập thấp như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… và các văn bản hướng dẫn thi hành để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”; tích cực tham gia đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!