Đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Như bao đứa trẻ khác, trẻ tự kỷ cũng có tình cảm, nhận thức, cảm xúc... nhưng khó hoặc không thể bộc lộ một cách bình thường. Hiện chưa xác định được nguyên nhân cụ thể và phương pháp chữa khỏi hoàn toàn hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát triển và rút ngắn khoảng cách so với những trẻ cùng trang lứa.

Kỹ thuật viên Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ hướng dẫn trẻ tự kỷ kỹ năng vận động.

Kỹ thuật viên Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ hướng dẫn trẻ tự kỷ kỹ năng vận động.

Dấu hiệu cảnh báo

Năm 2022, gia đình chị L.Đ.P.A ở xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ vui mừng đón nhận thành viên mới. Con trai chị chào đời như bao đứa trẻ khác, không có gì bất thường. Đầu năm nay, phát hiện con có những biểu hiện không bình thường như: Chưa có ngôn ngữ, thích chơi một mình, chưa biết chỉ ngón, không có giao tiếp mắt, hồi đáp chậm, chơi rập khuôn, chưa chủ động đi vệ sinh, đi kiễng gót, quay tròn người, không biết bắt chước, thụ động, âm vô nghĩa, nhưng lại thích số và chữ cái... làm gia đình rất lo lắng.

Qua tìm hiểu, gia đình quyết định đưa cháu đến Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ khám và bác sĩ chẩn đoán là cháu mắc hội chứng tự kỷ. Được bác sĩ của Khoa tâm lý lâm sàng của Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc đã giúp gia đình chị phần nào vơi đi sự lo lắng và đưa con đi can thiệp sớm tại Bệnh viện vào tháng 4/2024.

Ở đây, cháu được áp dụng trị liệu với phương pháp chuyên biệt, hỗ trợ cá nhân (một cô một trò). Hằng ngày, cháu được bác sĩ dạy ngôn ngữ, dạy phát triển nhận thức, chơi tương tác; mát xa điều hòa cảm giác, chơi trị liệu, dạy vận động thô, vận động tinh, áp dụng các phương pháp: Teach, ABA, PECS... Sau 3 đợt can thiệp, cháu đã có sự phát triển về ngôn ngữ, nói được từ đơn, biết chỉ ngón, hồi đáp tên gọi 5/5 lần.

Đến can thiệp tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ khi được 19 tháng tuổi, bệnh nhi V.T.H.L ở TP Việt Trì có tiền sử là trẻ sinh non. Thời điểm đến viện thăm khám, cháu chậm đạt các mốc phát triển, cầm nắm đơn giản (cầm đồ bằng cả bàn tay), đi chưa vững, hay vấp ngã, khi được gọi tên trẻ ít đáp ứng (như quay lại, ngước nhìn).

Ngoài ra, dấu hiệu nhận biết về cháu V.T.H.L đó là giao tiếp mắt ngắn, nhìn theo tay chỉ không thường xuyên, chưa chỉ ngón, bắt chước kém, tập trung kém. Sau 3 tháng can thiệp, cháu V.T.H.L hợp tác ngồi ghế học bài được hơn 30 phút, gọi tên biết trả lời, tập trung hơn, hiểu một số trò chơi; hiểu mệnh lệnh đơn giản cất/lấy đồ...

Chị Đ.T.Q.L ở phường Dữu Lâu, TP Việt Trì có con út sinh năm 2018 cũng bị hội chứng tự kỷ cho biết: “Khi con tôi được 20 tháng tuổi, gia đình gửi đi học sớm ở trường tư nhưng tại đây giáo viên phát hiện con chậm và không hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Lúc đấy gia đình tôi rất lo lắng nhưng vì công việc bận rộn nên chưa có điều kiện đưa con đi khám và cũng hy vọng khi lớn hơn cháu sẽ thay đổi. Đến hơn 2 tuổi, con vẫn không có dấu hiệu gì thay đổi nên gia đình đã về Bệnh viện Nhi Trung ương khám, được bác sĩ kết luận cháu mắc chứng rối loạn tự kỷ”.

Vì vậy, gia đình chị đã đưa con đi can thiệp tại một số trung tâm tại thành phố Việt Trì, thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gia đình hầu như không thể đưa cháu đi can thiệp trực tiếp. Mãi đến năm 2022, gia đình lại tiếp tục cho cháu đến trung tâm để can thiệp thì thấy có tiến bộ như: Giao tiếp mắt tốt, có ngôn ngữ, nói được câu ngắn, biết chơi đồ chơi hợp lý...

Tuy nhiên, để thay đổi môi trường, hiện nay, gia đình đưa cháu về quê sống với ông bà một thời gian. Qua theo dõi thấy cháu có một vài hành động tiến bộ, biết giúp đỡ ông bà một số công việc đơn giản. Chị Đ.T.Q.L lo lắng chia sẻ: Hy vọng là cháu tiến bộ, có ý thức và có khả năng giao tiếp để năm tới khi tròn 7 tuổi, cháu sẽ được vào học lớp 1, hòa nhập với cộng đồng.

Hằng ngày, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám về tự kỷ nhằm phát hiện sớm để can thiệp kịp thời.

Hằng ngày, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám về tự kỷ nhằm phát hiện sớm để can thiệp kịp thời.

Cầu nối yêu thương

Tự kỷ hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ, là một dạng rối loạn phát triển thần kinh. Đặc trưng của tự kỷ bao gồm khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội, hành vi ngôn ngữ bị hạn chế, thói quen hoặc sở thích lặp đi lặp lại. Đây là tình trạng liên quan đến những thay đổi chức năng của não bộ.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song thực tế cho thấy, số lượng trẻ mắc hội chứng tự kỷ ngày càng gia tăng. Đa số phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ đều rơi vào tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng. Thấu hiểu và đồng cảm với các phụ huynh có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có một số bệnh viện như: Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ và nhiều trung tâm của tư nhân cũng đăng ký can thiệp tự kỷ.

Th.s Đặng Thị Chuyên - Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ cho biết: Tự kỷ là rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ, được thể hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội: Ít nhìn mắt, chỉ tay, không chơi với bạn, gọi ít quay đầu, không chia sẻ quan tâm với người khác...; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ: Chậm nói, nhại lời, phát âm vô nghĩa...; hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại: Đi kiễng gót, nhìn tay, cuốn hút quá mức với tivi, quảng cáo, cầm lâu một thứ...

Tự kỷ được chia thành: Tự kỷ điển hình xuất hiện trước 3 tuổi ở cả 3 lĩnh vực nói trên. Tự kỷ không điển hình xuất hiện sau 3 tuổi, không đủ cả 3 lĩnh vực. Tự kỷ chức năng cao: Biết chữ số sớm, trí nhớ máy móc tốt nhưng kém giao tiếp và tương tác xã hội.

Hội chứng phân rã ở trẻ nhỏ: Bình thường trước 3-4 tuổi, sau đó xuất hiện các dấu hiệu tự kỷ mức nặng. Các dấu hiệu báo động tự kỷ ở trẻ nhỏ thường biểu hiện: Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi; không có các cử chỉ khi 12 tháng tuổi: Chỉ tay, vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp; không nói được từ đơn khi 16 tháng; không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng; mất kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Nguyên nhân của hội chứng tự kỷ chưa được xác định rõ: Di truyền- Tổ hợp gen bất thường; một số yếu tố khác như bệnh lý mẹ, thai sản bất thường, môi trường ô nhiễm; không bằng chứng liên quan giữa tự kỷ và tiêm vacxin, nuôi dưỡng và chăm sóc. Hiện nay, các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ được áp dụng: Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng ABA; phương pháp Teach; phương pháp Pecs... Hiện chưa có thuốc điều trị tự kỷ. Can thiệp cho trẻ tự kỷ cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau.

Đang áp dụng mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ của Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ chữa trị khoảng 300 lượt, tức là khoảng từ 25-30 trẻ/tháng. Trẻ được tập luyện theo đợt, thường thì mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tháng. Theo đánh giá của Khoa tâm lý lâm sàng thì trẻ đến chữa trị đều có những biểu hiện tích cực, tiến triển tốt, nhất là đối với những gia đình cùng hợp tác hỗ trợ.

Th.s Đặng Thị Chuyên- Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh khuyến cáo với các bậc phụ huynh: Trẻ cần được quan tâm nhiều hơn. Khi có những dấu hiệu bất thường về giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi, bố mẹ cần đưa con đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa tâm lý, tâm thần nhi để được khám, đánh giá và can thiệp sớm. Trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm trong “giai đoạn vàng” từ 2 đến 4 tuổi thì sẽ đem lại những hiệu quả tích cực, giúp trẻ hòa nhập xã hội tốt, giảm thiệt thòi cho trẻ.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dong-hanh-cung-tre-tu-ky-221132.htm
Zalo