Về nhà với cha

Cô Út Ngà đỡ ngoại bước ra từ sau cánh gà. Mèn đét ơi, mắt mũi má y chang ngoại, giống tới cặp lông mày, cái mi mắt. Gia đình. Ai cũng có gia đình để sinh ra, lớn lên và trở về. Dù rằng cách trở bao năm tháng đằng đẵng, chỉ cần trái tim biết yêu thương và hướng về nhau, số phận lại gieo duyên cho chúng ta tìm về. Má ôm ngoại khóc nức nở hệt như cách đứa trẻ lên tám thấy cha trở lại cổng chùa đón về.

1.

Má Phước có hai người cha. Một người ruột thịt bỏ má trước cổng chùa Trúc Viên năm tám tuổi, không rõ đi đâu, làm gì. Một người cha nuôi nhận má về làm con thờ hương hỏa. Cố nhiên, má mang ơn người có công nuôi dưỡng và quyết cắt đứt sợi dây máu mủ ruột rà trói buộc đời má. Má Phước hay nói, cuộc đời là bể khổ, hết khổ là qua đời. Chỉ là... đời má khổ hơn nhiều người cộng dồn lại mà thôi.

Những ngày Long Khánh mưa gió ẩm ương, trái tính trái mùa, má hay ngồi bên hiên nhà, phất phơ chiếc quạt mo cau, thủ thỉ chuyện xưa cũ. Thằng Triều, thằng Thạnh chẳng rỗi đâu nghe lời tâm sự, chúng đi làm công nhân xưởng may, về tới nhà trời đã tối sầm, ăn vội miếng cơm rồi ngủ mất đất. Chỉ còn Út Thêu thi thoảng rỗi rãi lại vuốt ve mái tóc má, nhổ vài cọng bạc màu, tâm tình được đôi chuyện mà thôi.

Ngày trước còn khỏe, má đi theo xe khách Bắc - Nam bán được dăm bịch xoài xanh, trứng cút luộc nuôi ba anh em Út biết được mặt chữ, vài phép tính cộng trừ. Từ hồi tía bị tai biến, qua đời, Thằng Triều rồi lần lượt thằng Thạnh xin má cho nghỉ học đi làm để đỡ đần nuôi em. Út Thêu học giỏi, học chăm, thi đậu vào lớp văn trường chuyên ở tỉnh. Thằng Triều khều má, nháy mắt cười híp bảo chuyến này mặc sức cho má nở mày nở mặt với bà con xóm giềng. Vậy mà, một chiều mưa đổ, con Út chạy về nhà khóc tức tưởi, phân trần nó trượt hồ sơ thi An ninh. Chẳng nói chẳng rằng, má đứng lên, chắp tay ra sau đi vào buồng trong im lặng.

- Út! Nhà mình mấy đời làm ruộng chất phác, có dính án tù gì mà Út không được vô Công an?

Con Út chìa tờ giấy A4 còn nguyên dấu mộc đỏ của tổ chức, mếu máo:

- Trên Công an huyện báo lí lịch em không đạt yêu cầu, má là con nuôi của ngoại, không xác minh được nhân thân...

Hai thằng anh chưng hửng quay qua nghe con em út nói mà thở dài thườn thượt. Tháng Ba, trời còn hừng hực lửa, ruộng lúa khô cạn mất mùa. Những tưởng đời má khổ thì đời các con của má đỡ bạc. Thế mà, đứa phải bỏ học, đứa học giỏi lại phải bỏ xó giấc mơ của mình. Thì ra, cái khổ nó lây lan từ đời này sang kiếp khác chẳng dừng.

2.

Thằng Triều biết con Út giận má, bỏ ở lại ký túc xá trường mấy cuối tuần liền chẳng về nhà. Nó chẳng rõ vì chuyện trượt lí lịch hay nó giận vì má giấu anh em nó suốt bao năm dài. Mấy hôm rày má hông ra hiên ngồi, cứ thui thủi nằm yên trong buồng. Khuya qua, trái gió trở trời, má lại lên cơn phong thấp, chân sưng tấy, nổi gân xanh đỏ. Độ này hàng ít, cắt giảm công nhân, nó được về sớm không phải tăng ca, vừa đi ngang cửa buồng, nghe tiếng má thút thít khóc. Thằng Triều mở cửa he hé, chỉ thấy má nâng niu, cầm lên rồi lại đặt xuống chiếc khăn mùi xoa đã bạc màu. Chắc má nhớ về ông ngoại ruột.

Thiên hạ đồn một thổi mười. Thiên hạ đồn trăm thổi vạn. Hồi má ở chùa, loáng thoáng nghe sư thầy bảo cha ruột gửi má tạm thời đôi bữa nửa tháng để theo cách mạng. Thế là má chờ từ lúc cây lúa trổ bông tới thì gom rơm đốt rạ. Cuối năm bảy ba, chùa Trúc Viên má ở bị ném bom cháy rụi, có người chết, có người lưu lạc tám hướng tứ phương. Má phỏng hết cánh tay phải, vừa chạy ra khỏi đám cháy, vừa hoảng sợ la làng. Rồi, má gặp ngoại. Ngoại dắt má rời xứ lên chốn phồn hoa xanh đỏ đèn màu xin cho học lớp nữ công. Ngoại cũng là dân làm cách mạng, hoạt động trong An ninh Cục miền Nam. Con ruột bị thảm sát ngay Tết Mậu Thân, vợ bỏ đi biệt chẳng rõ tung tích. Ngoại ở vậy, nhận má là con nuôi lo chuyện thờ tự, cúng bái tổ tiên sau này.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Rồi, ngoại bệnh li bì liệt giường bốn tháng trời. Bác sĩ Chợ Rẫy kéo ống tay áo má dặn dò mua ít đồ ăn ngoại thích và gọi người thân ở xa về để lo chuyện hậu sự là vừa. Nhưng, ngoại có mình má là con. Bữa sáng ngày đó mặt má tái đi xanh lét. Gần chục năm từ ngày về ở với ngoại, má lại có cảm giác lo sợ như bây giờ. Má không sợ chết. Đời má còn gì để còn lo với sợ. Má sợ mất ngoại. Ngoại chết rồi thì đời má chẳng còn gì.

Má gặp cha trong một lần làm thuê ở ruộng Dứa. Cha không có bà con dòng họ ở xứ Long Khánh này, chỉ liều mình gom tiền của đi vào Nam vì nghe bảo trong này dễ sống. Nhà nội nó ở quê cũng không khá giả, ngày cưới chỉ báo hỷ hơn mười bàn ở quê, đeo vào tay má hai cái nhẫn vàng một chỉ. Nhà ngoại để lại đương nhiên thành nhà riêng của cặp vợ chồng son mới cưới.

3.

Đêm nay thằng Triều khó ngủ, nó trở mình qua lại mấy lần, vắt tay lên trán suy nghĩ vẩn vơ vài chuyện. Nó thấy má len lét thắp nhang trên bàn thờ ngoại với cha, khấn vái rì rầm điều gì. Tự dưng thằng Triều thấy má đứng trước ảnh ngoại khóc ngon ơ như đứa trẻ lên tám. Chắc má nhớ con Út. Hồi chiều má biểu nó đem ít tiền ra bưu điện gửi cho con Út mà mắt đỏ hoe. Đã hai tháng từ hồi trượt hồ sơ thi An ninh, con Út dỗi không thèm về nhà. Thằng Triều giận lắm. Anh em nó bỏ học đi làm để nhường phần cho con Út. Vậy mà nó ích kỷ làm má phải buồn.

- Không thi Công an thì đi giáo viên, bác sĩ, thiếu gì nghề mà nó phải làm mình làm mẩy.

Thằng Thạnh biết anh hai bực mình, cũng chẳng nói chẳng rằng vòng lên nhà trước bật tivi coi vọng cổ. Dò đài Vĩnh Long bắt tuồng ca cổ "Đời cô Lựu" cho má nghe mà má hổng thèm dòm. Chỉ khi tivi lướt ngang chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, thằng Thạnh mới thấy má ngó kỹ, chăm chú nhìn.

- Hay má biên thư gửi nhà đài giúp tìm ông ngoại ruột. Má biên thư đi, ngày mới con với anh hai lên bưu điện gửi liền.

- Thôi, ông bỏ tao chứ có phải thất lạc gì mà kiếm. Mấy chục năm rồi, tao chờ quài có thấy ai đăng tin đi tìm...

Má Phước còn cất kỹ cái khăn mùi xoa của ngoại ruột ở hộp gỗ đầu giường. Má cứng miệng nhưng ruột gan thì mềm nhũn, cái khăn còn thì lòng má còn vương vấn lại nơi xưa chốn cũ. Thằng Triều, thằng Thạnh đều nhìn ra má ngóng ngoại ruột đi kiếm, nhưng giấu trong lòng. Có lần, má thủ thỉ chỉ nhớ ngoại ruột gọi má là bé Ba Phước. Sau này, về làm con ngoại nuôi, má xin giữ lại cái tên này, coi như kỷ niệm một kiếp sống. Nói chi ra để người đời cười má ăn cơm, ở nhà ngoại nuôi còn mơ tưởng đến ngoại ruột. Cái xứ miệt vườn này người ta đâu kiêng nể mà thiếu lời ra vào. Đành rằng hông ác ý nhưng bâng quơ cũng làm mắt má cay sè, mủi lòng.

Có lần thằng Thạnh thấy má xem “Như chưa hề có cuộc chia ly”, hai hàng nước mắt chảy dài. Nó hỏi thì má tỉnh rụi vén cái vạt áo lên mà lau vội. Má khóc vì mừng cho người ta tìm gặp gia đình sau trăm ngàn sóng gió cuộc đời hay tủi cho phận mình chẳng biết. “Khóc gì mà khóc, bụi bay. Tao cay mắt chút mà, bây ơi”.

- Chương trình này hay lắm, biết đâu kiếm được ngoại ruột, xác thực được lí lịch cho con Út thi vô ngành.

Tự dưng má ngập ngừng. Má thương con Út Thêu lắm. Mỗi tháng tiền bán buôn dư dả chút đỉnh, tiền thằng Triều, thằng Thạnh cho má mua sắm, chi tiêu, má đều giữ lại cất riêng cho Út. Hồi đó cưới nhau, cha má khổ trăm bề nên má để dành ít của hồi môn, gom chút đồng dư để mua dành đôi bông, cái nhẫn vàng cho ba anh em tụi nó. Đám cưới mà không có vàng đeo, người ta khinh dữ lắm.

Má mắc cái võng trước hiên ngồi đung đưa trong gió, nhìn màn đêm cô tịch ngoài ngõ buông dần. Ừ thì biên thư, biết đâu trời thương má mà cho tìm gặp lại người cũ. Tới chừng đó, má chỉ muốn hỏi: “Sao cha hứa tới rước con về mà lại bỏ con nơi xứ người lạ lẫm?”.

4.

Con Út về nhà ôn thi chờ tốt nghiệp. Nó nộp đơn theo Sư phạm, nói Nhà nước hỗ trợ tiền học phí phần nhiều. Má biết con Út không mê Sư phạm, nó mê An ninh nhưng dính lí lịch nên giấc mơ bỏ lửng. Mâm cơm tối bữa nay đủ bốn người, đạm bạc mà toàn món tụi nhỏ thích. Thằng Triều mê cá nục kho tộ, thằng Thạnh mê ba khía chấm mắm me, con Út mê thịt chuột đồng, còn má mê nhìn tụi nhỏ...

- Má... Má... Chương trình gọi. Như chưa hề có cuộc chia ly.

Má Phước run lẩy bẩy cầm điện thoại nghe tiếng được tiếng mất. Lòng má nóng ran. Ba đứa nhỏ chụm lại hết thảy, bật loa ngoài cẩn thận ghi chép từng ý một. Đại loại, chương trình nhắn nhận được thư má, dữ kiện bị bỏ lại cổng chùa Trúc Viên có mấy người báo trùng. Họ nói má tả thêm về đặc điểm hình dạng, làm rõ thêm ít thông tin để dễ bề tìm kiếm.

Hồi đó ngoại ruột cầm tay má dẫn đến chùa, má vừa cầm chắc cái khăn mùi xoa, vừa khóc rấm rứt. Má nhớ ở nhà má chính giữa, ngoại ruột hay gọi là bé Ba, có một người anh hai tên Sang, một em gái út tên Ngà liền kề. Nhà dạo trước ở ngay bãi sông mà chiều nào cũng có ghe thuyền trôi nổi đổ về. Má chỉ nhớ rõ, chiều sẫm trời ngoại ruột hay đội cái nón nâu nâu rồi đi đâu tới tối muộn. Trong ký ức của má không có bóng dáng của bà ngoại. Không rõ bà ngoại bỏ đi đâu hay làm gì chả rõ. Ngày cháy bỏng người, má gặp ngoại nuôi, đi theo về làm con gái ngoại, chưa trở lại xứ cũ lần nào. Như nhớ ra cái gì, thằng Triều vỗ đùi cái đét, nhắc má về cái bớt đỏ trên bả vai trái, biết đâu lại dễ tìm được người thân ruột rà.

Vậy là hơn ba chục năm rồi, má đi biền biệt khỏi cửa chùa ngoại ruột dẫn tới. Năm sau tròn ba mươi lăm năm miền Nam giải phóng, thằng Triều, thằng Thạnh hứa làm lụm dành tiền dẫn má, con Út Thêu lên Sài Gòn coi diễu binh, pháo bông cho biết với người ta. Tự nhiên khuya qua má mơ, rồi giật mình chạy qua khều chân nhờ thằng Triều gọi điện cho chương trình giúp má. Má nhớ có bộ lính ở nhà, ngoại ruột có bộ đồ lính, không phải rằn ri mà là bộ đồ giống mấy người đóng vai làm Công an trong phim đen trắng cũ má vẫn coi mỗi chiều. Bộ đồ cất cẩn thận đầu giường nằm nhưng chẳng bao giờ má thấy ngoại mặc, chỉ toàn thấy áo trắng quần xanh đen ra đường. Thằng Triều hỏi cẩn thận rồi bấm tin nhắn gửi về số điện thoại người liên hệ dạo trước. Má thức luôn đêm đó, ra phòng khách thắp nhang lạy khấn tổ tiên, ông bà.

- Cha trên trời phù hộ cho con, mình sống khôn thác thiêng phù hộ em tìm được người thân cho thỏa lòng trước khi em theo mình...

Má thức, thằng Triều cũng thức. Bắt võng nghe dạ cổ hoài lang mà đung đưa theo nhịp đợi sớm mới về.

5.

Chuyện má biên thư gửi “Như chưa hề có cuộc chia ly” chẳng mấy chốc rêu rao cả xã. Mấy bà ở chợ Đồng trề môi nói má già rồi còn ra vẻ, hưởng của ông Bốn Phương rồi còn muốn quay về giành của chỗ này chỗ khác. Con Út thấy má đi chợ về mặt mày buồn xo, nó tím người muốn đạp xe ra chợ phân trần lý lẽ. Tính nó trong nhà không ai lạ, thẳng đuột như ruột ngựa, ra ngõ chỉ sợ thiệt thòi.

- Con không định thi Công an nữa rồi, má nhắn chương trình khỏi mất công tìm nữa, chứ để làng xóm người ta nói ra bàn vào thì tội má.

- Nhưng, tao cũng muốn tìm lại ổng. Biết đâu ổng có nỗi khổ tâm, biết đâu ổng đi cách mạng thiệt rồi lạc mất tao thì sao hả mày...

Hồi cha còn sống, cha luôn nói con Út cá tính, sáng dạ nhất trong nhà. Nó thích gì thì quyết tâm làm được. Ba đứa nhỏ đều quen cảnh sống khổ, thằng Triều, thằng Thạnh thì siêng năng, chịu khó mần ăn, chạy lo việc trên dưới. Chỉ có con Út mơ thoát khỏi cảnh nghèo. Ngày cha mê man sau trận đột quỵ, nó nằm trong lòng cha cả đêm, móc quéo thầm hứa sẽ lo cho má. Vậy mà, chỉ vì mỗi việc rớt lí lịch thi Công an, nó lại giận má mấy tháng liền. Bây giờ ngẫm lại, nó tự kiểm điểm bản thân sâu sắc. Má đâu có muốn điều đó xảy ra. Còn nó chừng như quên lời hứa với cha dạo trước. Những điều này Út chưa bao giờ kể với má.

6.

Hồ sơ kiếm người của má được đánh số thứ hai ngàn tám trăm. Chương trình có gọi về mấy bận, bảo là đang tập hợp số hồ sơ trẻ bị bỏ rơi ở khu vực chùa Trúc Viên lại để xâu chuỗi sự việc, chắc là khoảng tám người. Má rằng tao có linh cảm sắp gặp lại ổng. Tao ngủ mơ thấy cái cổng chùa độ rày tận mấy đêm liền. Thấy ổng quay lại kiếm tao mà chùa thì cháy rụi, hoang tàn, chất đầy xác chết.

Mùa gió chướng tràn về, thổi xốc xổ bụi mịt mù ngoài ngõ. Năm nay hạn nặng, dân mong cơn lũ về kiếm ít cá tôm mà trời thì kiết tới từng giọt. Giấy báo trúng tuyển Sư phạm Văn của con Út gửi về. Má khóc nức nở. Cuối cùng má cũng nuôi được đứa con ngon lành đậu đại học như ai. Chỉ tội thằng Triều, thằng Thạnh, tụi nó mà có điều kiện học tiếp thì giờ khéo cũng thành bác sĩ, kỹ sư hông chừng. Từ ngày biên thư cho chương trình má đếm lịch đã hai năm bốn tháng lẻ một ngày. Tuy chưa tìm được người nhưng bù lại, má xem không sót một số công chiếu. Tự dưng, đầu óc má cũng nghĩ thoáng ra. Bây giờ cứ ai hỏi gì, má đều cười tỉnh rụi, lỡ đâu một ngày nào đó ngoại ruột tìm về nhận lại thì sao. Thời kỳ kháng chiến mưa bom bão đạn, máu đổ ròng ròng, phải đường cùng thế nào ngoại ruột mới bỏ lại má. Thằng Triều té xe chảy chút máu ngay chân má còn xót, huống gì khúc ruột mình đẻ ra lại đem bỏ được xứ người.

Út Thêu bữa nay ở nhà, soạn đồ chuẩn bị lên Sài Gòn nhập học. Nó dành phần má xin thắp nhang cho ông bà tạ lễ chiều nay. Cây nhang trên bàn thờ cha quăn tít lại. Má nói cha hiển linh, mừng con Út thi đậu trường xịn, làm cha trên trường cũng nở mày nở mặt với người ta.

- Ba Phước, có người kiếm.

Bữa nay chuyện gì mà nhiều người tới nhà kiếm má quá chừng. Con Út đoán hình như là người của chương trình. Nó thấy logo “Như chưa hề có cuộc chia ly” in trên áo, có cả máy quay ghi hình. Nó kéo tay má lại, thầm thì mừng rỡ:

- Má, má. Chương trình đó. Phen này kiếm được ngoại rồi, má ơi...

7.

Má con nó được mời lên đài ghi hình. Lần đầu tiên trong cuộc đời, thằng Triều, thằng Thạnh đi mua hẳn hai bộ sơ mi bảnh tỏn. Con Út với má thì bận áo dài. Người ta đọc tên mời gia đình má lên để phỏng vấn, làm rõ danh phận.

Má ngước nhìn màn hình rộng. Đúng rồi, cổng chùa Trúc Viên trước mắt. Đúng mái ngói đỏ, đúng cái bậc thềm má ngồi xúc cơm chay mỗi chiều, đúng cái bờ tường má hay trèo ra bỏ đi chơi buổi chiều theo tụi bạn. Rồi, người ta chiếu tới hình một người đàn ông mặc quân phục an ninh - đúng bộ đồ má thấy ngoại ruột cất đầu giường.

“Đồng chí Huỳnh Thanh Liêm, nguyên cán bộ Phòng An ninh ngoại tuyến, Công an Phú Xuyên. Vợ là đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh, hy sinh cuối năm 1965, trong đợt chiến đấu phản đối chiến lược chiến tranh cục bộ. Đồng chí Liêm có ba người con, Huỳnh Thanh Sang (tức Hai Sang, sinh năm 1961), Huỳnh Mỹ Phước (tức Ba Phước, sinh năm 1963), Huỳnh Ngọc Ngà (tức Út Ngà, sinh năm 1964). Năm 1971, nhận nhiệm vụ theo dõi số cán bộ cấp cao của chính quyền Sài Gòn. Để tiện cho cách mạng, đồng chí đã gửi Sang và Ngà cho một người bà con chăm sóc. Đứa con thứ hai không chịu ở với người bà con nên ông Liêm dự tính gửi tại chùa Trúc Viên một thời gian, gần căn cứ cách mạng để tiện thăm nom, săn sóc. Sau trận cháy năm 1972 do Mỹ ném bom, ông lạc mất người con thứ hai của mình...”.

Ngoại ruột đâu có bỏ má, ngoại ruột dân cách mạng đi kháng chiến hẳn hoi. Gánh nặng mấy chục năm cuộc đời được buông bỏ. Má lẳng lặng nhìn màn hình chiếu cảnh chiến tranh hồi xưa mà sụt sùi nước mắt. Ngoại nhận nhiệm vụ ngoại tuyến, mặc thường phục trà trộn vào khu nhà tập thể của bọn tướng Ngụy bán hàng nước để tiện thu thập thông tin. Tính ác liệt của cuộc chiến tăng cao, ngoại bị mật thám phát hiện, phải rút về rừng Sác ở ẩn một thời gian chờ nhiệm vụ mới. Mãi tới đầu năm bảy nhăm, ngoại trở ra tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Bác Hai Sang sốt rét chết sau giải phóng ít lâu, cô Út Ngà theo nghiệp ngoại, tiếp bước thành lính ngoại tuyến. Tính ra, con Út Thêu nó khoái An ninh vì truyền thống gia đình ngấm vào máu, không thể phủ nhận.

Cô Út Ngà đỡ ngoại bước ra từ sau cánh gà. Mèn đét ơi, mắt mũi má y chang ngoại, giống tới cặp lông mày, cái mi mắt. Gia đình. Ai cũng có gia đình để sinh ra, lớn lên và trở về. Dù rằng cách trở bao năm tháng đằng đẵng, chỉ cần trái tim biết yêu thương và hướng về nhau, số phận lại gieo duyên cho chúng ta tìm về. Má ôm ngoại khóc nức nở hệt như cách đứa trẻ lên tám thấy cha trở lại cổng chùa đón về. Hơn ba mươi năm, hết một phần ba đời người như phận bèo trôi không tìm bến đỗ, má lại được trở về làm gái cưng của ngoại, được trả lại thân phận chính mình. Cô MC giọng cười vui vẻ khép lại chương trình:

- Chúng tôi được biết “Như chưa hề có cuộc chia ly” phát sóng hôm nay đúng ngày mùng 10 tháng 10, Ngày Truyền thống lực lượng An ninh ngoại tuyến. Một ngày ý nghĩa thật đặc biệt để ông Huỳnh Thanh Liêm tìm lại đứa con gái thất lạc sau hơn ba mươi năm của mình. Hãy xem đây là món quà chương trình dành tặng để tri ân sự cống hiến của lực lượng Ngoại tuyến trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Xin chúc mừng gia đình. Số kế tiếp của chương trình sẽ phát sóng vào ngày thứ Hai tuần đầu tiên trong tháng, mọi ủng hộ xin gửi về địa chỉ...”.

Con Út Thêu mừng rỡ, thủ thỉ với má:

- Má cho qua năm con đăng kí thi lại An ninh nghen...

- Tổ cha mày, chỉ chờ có nhiêu đó là giỏi.

Rồi, má cười, nụ cười chưa từng có sau hơn ba mươi năm. Cầm tay ngoại ruột, má đưa lại chiếc khăn mùi xoa xưa cũ: “Mai cha về kể chuyện của má, của mấy anh em con nghe nhen cha...”.

Truyện ngắn của Đặng Lê Cát Tiên

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/ve-nha-voi-cha-i747549/
Zalo