Đông Hà tăng cường cải cách hành chính đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Đông Hà luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương. Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ thành phố Đông Hà lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định, CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong các khâu đột phá chiến lược góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm của thành phố.
Trưởng Phòng Nội vụ thành phố Đông Hà Trần Tiến Dũng cho biết, để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, trên cơ sở văn bản của trung ương, của tỉnh và chủ trương của Đảng bộ thành phố, UBND thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 27 ngày 10/12/2021 thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025; tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 199 ngày 17/1/2024 thực hiện Chỉ thị số 35 ngày 11/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác CCHC, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 2715 ngày 16/12/2021 về CCHC nhà nước thành phố Đông Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 1952 ngày 31/8/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về quyết tâm thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trên địa bàn thành phố Đông Hà đến năm 2025. Cùng với công tác chỉ đạo triển khai, UBND thành phố còn tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát và tổ chức giao ban công tác CCHC định kỳ cũng như tổ chức ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nâng cao chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI...
Các cơ quan, đơn vị của thành phố chủ động nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC để UBND thành phố kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Với cách làm đó, công tác CCHC năm 2023 của thành phố đạt 93,36/100 điểm, là số điểm đạt cao nhất từ trước đến nay của thành phố, tăng 8,7 điểm so với năm 2022, xếp loại tốt. Chỉ số CCHC của các phường năm 2023 được xếp loại tốt.
Trưởng Phòng Nội vụ thành phố Đông Hà Trần Tiến Dũng cho biết thêm, một trong những kết quả nổi bật nhất của thành phố trong CCHC phải kể đến là xây dựng, ban hành văn bản được thực hiện kịp thời nên chất lượng văn bản được nâng lên, phù hợp tình hình từng thời điểm, địa phương, làm cơ sở pháp lý để cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ thực hiện.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng, hiệu quả dịch vụ công cũng như sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nhiều năm qua, UBND thành phố tập trung rà soát, kiến nghị phương án đơn giản hóa, đẩy mạnh công bố, niêm yết, công khai TTHC theo quy định, đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết TTHC, hạn chế thấp nhất số lượng hồ sơ trễ hạn, nhờ đó hằng năm tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn đều đạt trên 99%.
Công tác số hóa hồ sơ đầu vào và số hóa kết quả giải quyết hồ sơ được tập trung thực hiện, phấn đấu đạt trên 99% vào năm 2024. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến năm 2023 tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình thành phố đạt 58,8%, phấn đấu năm 2024 đạt tối thiểu 70%, kết quả xử lý phản ánh kiến nghị giải quyết đúng hạn, đạt tỉ lệ 100%.
Trong lĩnh vực tài chính công, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo thu ngân sách, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên phụ trách từng khâu, địa bàn nên số thu của thành phố luôn đạt ở mức cao. Công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, đạt tỉ lệ cao so với trước đây, tỉ lệ giải ngân năm 2023 đạt 94,6% kế hoạch.
Việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số gắn với xây dựng đô thị thông minh từng bước được xây dựng. UBND thành phố tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời khai thác hiệu quả các phần mềm phục vụ quản lý điều hành nên đến nay gần như toàn bộ văn bản hành chính của UBND thành phố, UBND phường, trừ văn bản có độ mật trở lên được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
UBND thành phố chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc áp dụng chữ ký số, chứng thư số trong việc phát hành văn bản điện tử và giải quyết hồ sơ TTHC. Thành phố cũng đã xây dựng và đưa Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) thành phố vào hoạt động. Đây là kênh theo dõi, tổng hợp thông tin kinh tế, xã hội, an ninh trật tự giúp lãnh đạo thành phố kịp thời nắm bắt tình hình, hoạch định chính sách phù hợp, hiệu quả.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng công tác CCHC, ngoài việc tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm dùng chung do UBND tỉnh triển khai, thời gian qua, UBND thành phố đã bố trí kinh phí hơn 1 tỉ đồng để xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả.
Trong thời gian tới, UBND thành phố Đông Hà xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh cũng như thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá tình hình, kết quả đạt được, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác CCHC, đồng thời tập trung giải quyết hồ sơ TTHC, hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ trễ hạn, đẩy mạnh triển khai giải quyết TTHC thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đảm bảo đạt tỉ lệ cao nhất.
Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; ứng dụng hiệu quả chữ ký số chuyên dùng trong chỉ đạo, điều hành việc gửi, nhận văn bản điện tử và giải quyết TTHC cũng như triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh theo kế hoạch; hoàn thiện các dự án hợp phần của Đề án xây dựng đô thị thông minh thành phố Đông Hà giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; tích hợp và khai thác có hiệu quả Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố; triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mỗi người dân được tiếp cận và thụ hưởng kết quả cụ thể từ việc chuyển đổi số của thành phố.