Đóng góp tích cực của Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 5/5, được xem là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới, cải cách thể chế và tổ chức bộ máy nhà nước. Đây là kỳ họp đặc biệt, được tổ chức trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi những quyết sách kịp thời và hiệu quả. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện cơ cấu tổ chức chính quyền.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

THAM GIA TÍCH CỰC VÀO CÔNG TÁC LẬP PHÁP

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng, với tinh thần trách nhiệm cao, đã tích cực tham gia vào quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các dự án luật và nghị quyết quan trọng. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH đã chú trọng đến việc phản ánh nguyện vọng, ý kiến của cử tri địa phương, đảm bảo tính đại diện và hợp lý trong các quyết sách của Quốc hội.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với đặc thù của tỉnh. Các đề xuất này tập trung vào việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Quan tâm, nghiên cứu góp ý sát sườn cho dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi), hướng đến xây dựng chính quyền 2 cấp, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Về đảm bảo sự điều hành liên tục của chính quyền địa phương, Điều 42 dự thảo Luật quy định “Trong thời gian khuyết chủ tịch UBND, thường trực HĐND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quyền chủ tịch UBND cùng cấp; thường trực HĐND cấp xã trình chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giao quyền chủ tịch UBND cùng cấp. Quyền chủ tịch UBND chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày HĐND bầu ra chủ tịch UBND”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi lần này không quy định về thời gian để thực hiện việc giao quyền chủ tịch UBND cùng cấp khi khuyết chức danh này, dẫn đến tình trạng có địa phương khuyết chức danh chủ tịch UBND tỉnh trong thời gian dài; đây là một khoảng trống pháp lý gây ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành và phát triển kinh tế - xã hội một cách liên tục, ổn định tại địa phương. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể: đối với giao quyền chủ tịch UBND cấp tỉnh thì từ lúc HĐND cấp tỉnh trình đến lúc Thủ tướng Chính phủ quyết định trong thời hạn 20 ngày; đối với giao quyền chủ tịch UBND cấp xã thì từ lúc Thường trực HĐND cấp xã trình chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định trong thời hạn 10 ngày.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tạo đề xuất quy định bổ sung quy định về thời hạn HĐND cùng cấp bầu được chủ tịch UBND khi giao quyền chủ tịch UBND đối với cấp tỉnh là 20 ngày và cấp xã là 10 ngày. Trong trường hợp quá thời hạn trên thì cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm giải trình trước cấp trên và báo cáo phương án xử lý nhân sự cho phù hợp. Quy định như vậy giúp hạn chế tình trạng kéo dài quyền điều hành và đảm bảo tính ổn định, hiệu quả của quản lý nhà nước; quy định về trách nhiệm giải trình cũng giúp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc sớm kiện toàn nhân sự chủ chốt để bảo đảm hoạt động hành chính thông suốt và bình thường.

Đại biểu chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tập trung nghiên cứu góp ý các dự án luật tại kỳ họp

Đại biểu chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tập trung nghiên cứu góp ý các dự án luật tại kỳ họp

TẠO ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ CHO ĐỊA PHƯƠNG PHÁT TRIỂN

Quan tâm nghiên cứu, góp ý cho dự thảo luật này, đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ: “Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một động thái thiết yếu nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo cốt lõi của Đảng và Nhà nước về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hai cấp. Việc sửa đổi Luật còn hướng tới xây dựng một nền hành chính gần dân, sát dân, thực sự phục vụ nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn, thông qua việc đẩy mạnh phân định thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần rà soát, xác định rõ hơn về nội hàm các khái niệm, yêu cầu và cơ chế thực phân quyền, quy định cụ thể về chủ thể phân cấp, ủy quyền, các điều kiện để phân cấp, ủy quyền và cơ chế chịu trách nhiệm; cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện” để khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, qua đó giải phóng được các nguồn lực tiềm năng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của địa phương”.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tích cực tham gia đề xuất các biện pháp nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, Đoàn đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Những góp ý tâm huyết, trách nhiệm được Ban soạn thảo dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh, hoàn thiện dự án luật. Đây sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng luôn chú trọng đến việc đảm bảo tính đại diện và hợp lý trong các quyết sách của Quốc hội. Đoàn đã tích cực lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, phản ánh trung thực và kịp thời đến Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/dong-gop-tich-cuc-cua-doan-dai-bieu-quoc-hoi-lam-dong-aea77ad/
Zalo