Động đất tại Myanmar có sức tàn phá như thế nào?

Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra tại miền Trung Myanmar vào ngày 28/3 là một trong những trận động đất mạnh nhất trong khu vực trong nhiều năm qua. Một số chuyên gia cho rằng, sức tàn phá của nó tương đương với vụ nổ của 334 quả bom nguyên tử.

CNN đưa tin, hiện đã có gần 1.700 người thiệt mạng ở quốc gia này. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính, con số thiệt mạng nhiều khả năng sẽ tăng lên đến 10.000 và thiệt hại kinh tế có thể vượt quá tổng sản phẩm quốc nội của Myanmar.

Nỗ lực cứu hộ đang được thực hiện tại Mandalay. Ảnh: Getty

Nỗ lực cứu hộ đang được thực hiện tại Mandalay. Ảnh: Getty

Nguyên nhân gây ra động đất mạnh tại Myanmar

Theo các nhà địa chất học, trận động đất ở Myanmar nhiều khả năng là do "đứt gãy trượt ngang", trong đó các mảng kiến tạo - những khối đá lớn trên lớp vỏ Trái đất luôn di chuyển chậm - lướt ngang qua nhau. Nó khác với các trận động đất được gọi là "hút chìm", theo đó một mảng kiến tạo bị đẩy xuống dưới một mảng khác.

Các nhà khoa học cho rằng trận động đất này xảy ra do đường đứt gãy dài, thẳng chạy qua Myanmar, được gọi là Đứt gãy Sagaing. Một số chuyên gia đã so sánh hiện tượng này với hiện tượng Đứt gãy San Andreas ở California (Mỹ) - nơi từng gây ra trận động đất kinh hoàng ở Northridge năm 1994.

Phát biểu với CNN, nhà địa chất học Jess Phoenix cảnh báo, khu vực này có thể tiếp tục phải đối mặt với các trận động đất và dư chấn trong những tháng tới. "Sức tàn phá mà một trận động đất như thế này gây ra tương đương với khoảng 334 quả bom nguyên tử", bà nói.

Mặc dù Myanmar không nằm trong cái gọi là "Vành đai lửa" - một cung địa chấn xung quanh lưu vực Thái Bình Dương trong đó có Nhật Bản và Indonesia, nhưng một số mảng kiến tạo hội tụ tại quốc gia này, trong đó có các mảng Ấn Độ và Á-Âu liên tục dịch chuyển, do đó động đất thường xảy ra. USGS cho biết đã có 6 trận động đất khác có cường độ 7 hoặc lớn hơn xảy ra gần thời điểm trận động đất ngày 28/3. Đây là trận động đất lớn nhất tại Myanmar kể từ năm 1990.

Theo các nhà quan sát, cường độ của trận động đất mới nhất này tương tự như một số trận động đất nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây. Vào năm 2023, trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria dã tàn phá nhiều khu vực của hai nước, khiến hơn 55.000 người thiệt mạng. Trước đó vào năm 2008, một trận động đất mạnh 7,9 độ xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc khiến khoảng 90.000 người thiệt mạng, trong đó có hơn 5.300 trẻ em.

Tại sao các chuyên gia lo ngại số người chết tăng cao?

Không giống như một số trận động đất khác, trận động đất tại Myanmar xảy ra tương đối nông, chỉ khoảng 9,6km dưới lòng đất - tương tự như trận động đất ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria năm 2023. Những trận động đất như vậy có thể gây ra nhiều thiệt hại trên mặt đất hơn so với những trận động đất xảy ra sâu bên dưới bề mặt Trái đất.

Trận động đất này rất gần với Mandalay thành phố lớn thứ hai của Myanmar - nơi có khoảng 1,2 triệu người đang sinh sống. Mandalay đã trải qua quá trình phát triển đáng kể trong một thập kỷ qua nhưng nhiều tòa nhà vẫn chưa được nâng cấp.

Các chuyên gia lo ngại rằng, sự quản lý lỏng lẻo về tiêu chuẩn xây dựng và việc tồn đọng các công trình xây dựng có chất lượng thấp có thể đã khiến số người thiệt mạng gia tăng.

Wei Shengji, chuyên gia về động đất tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết, ông đã cảnh báo trước cho các quan chức địa phương tại Mandalay về khả năng xảy ra thảm họa như vậy: "Tôi cho rằng khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng đối với các trận động đất mạnh có lẽ không tốt lắm, đặc biệt khi so sánh với Nhật Bản và California. Tôi dự đoán mức độ thiệt hại và thương vong khá cao”.

Trận động đất đầu tiên có cường độ 7,7 xảy ra vào chiều 28/3 theo giờ địa phương, tiếp đến là trận động đất thứ hai có cường độ 6,7 một số dư chấn nhỏ hơn.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng sẽ xảy ra thêm một số trận động đất nữa. Mặc dù dư chấn thường có thể nhỏ hơn so với trận động đất ban đầu, nhưng chúng sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng một khi các tòa nhà bị mất kết cấu. Ngoài ra có những nguy cơ rủi ro khác như lở đất ở vùng cao.

Nỗ lực cứu trợ được thực hiện như thế nào?

Theo Liên Hợp Quốc, ngay cả trước khi thảm họa động đất xảy ra, đã có gần 20 triệu người dân Myanmar đang cần viện trợ nhân đạo và hơn 3,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột tại quốc gia này.

Chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi viện trợ quốc tế. Trung Quốc, nước láng giềng của Myanmar, đã cử một đội cứu hộ đến tìm kiếm các nạn nhân và cho biết sẽ tiếp tục quá trình cứu trợ. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ cũng sẽ cung cấp viện trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng do động đất ở Myanmar.

Các nhân viên cứu hộ ở Mandalay cho biết, họ thiếu nguồn lực và trang thiết bị để đào bới và cứu những người đang mắc kẹt trong các đống đổ nát.

Sau khi trận động đất lớn san phẳng các tòa nhà ở Mandalay, những người sống sót đã cố gắng dùng tay không để cứu những người vẫn còn mắc kẹt trong các đống đổ nát. Không có sự hỗ trợ của máy móc hạng nặng hỗ trợ, nhân viên cứu hộ tại thành phố lớn thứ hai của quốc gia Đông Nam Á này cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn khi đưa những người bị vùi lấp bên dưới ra ngoài.

Htet Min Oo, 25 tuổi, đã may mắn sống sót khi một bức tường gạch đổ sập xuống người anh. Nhưng anh cho biết, bà và hai người chú của anh vẫn nằm dưới đống đổ nát của một tòa nhà. "Có quá nhiều đống đổ nát và các đội cứu hộ không thể đến cứu chúng tôi ngay lập tức", Htet Min Oo nói.

"Trận động đất mạnh đã xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất tại Myanmar. Quốc gia này không thể chịu đựng thêm một thảm họa nào nữa", ông Sheela Matthew, Phó giám đốc của Chương trình Lương thực Thế giới tại Myanmar cho biết.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) Theo Wall Street Journal, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dong-dat-tai-myanmar-co-suc-tan-pha-nhu-the-nao-post1188291.vov
Zalo